Vào ngày cuối cùng của năm 2019 (31/12), tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, Việt Nam sẽ xây dựng hải đội dân quân tự vệ để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển.
"Trong giai đoạn đầu, các hải đội dân quân sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng ở 6 tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh", - Thượng tướng Phan Văn Giang nói.
Để hiểu rõ hơn về bước phát triển quy mô mới này của Việt Nam, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự của Việt Nam.
Tính truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ biển Việt Nam
Sputnik: Hải đội dân quân tự vệ sẽ là lực lượng như thế nào, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm
Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự
Có thể nói, việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển không phải là vấn đề mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), tại các tỉnh, thành phố ven biển, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức các lực lượng dân quân tự vệ trên biển với thành phần là các ngư dân, có vũ trang nhẹ để vừa phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy chống lại các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ, vừa chiến đấu tự bảo vệ mình chống lại các hoạt động phá hoại sản xuất, bắt cóc của hải quân ngụy Sài Gòn.
Với phương châm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, lực lượng dân quân tự vệ trên biển khi đó được tổ chức trên cơ sở các hợp tác xã nghề cá và hải sản. Họ đã góp phần quan trọng đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Điển hình là đại đội dân quân gái xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, với trang bị 3 khẩu pháo 85mm đã 3 lần bắn cháy tàu chiến Mỹ trong các ngày 7-2, 27-3 và 16-5-1968 trên vùng biển Quảng Bình. Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu, các đơn vị dân quân tự vệ trên biển thời kỳ này còn làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần, chuyển quân, tải thương… cho các đảo xa bờ như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Hòn Mê, Hòn Mát, Cồn Cỏ…
Ngày nay, trong thời bình phương châm xây dựng dân quân tự vệ được chuyển đổi thành “vừa sản xuất, vừa luyện tập sẵn sàng chiến đấu”, việc xây dựng các hải đội dân quân tự vệ biển là một bước phát triển quy mô và hiện đại hóa của truyền thống dân quân, tự vệ Việt Nam. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã đề cập đến vấn đề này.
Về cơ sở pháp lý: Việc xây dựng lực lượng lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật dân quân tự vệ năm 2019.
Khoản 1, Điều 2 của Luật dân quân tự vệ quy định: “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ”. Khoản 5 điều 2, Luật Dân quân tự vệ định nghĩa: “Dân quân tự vệ biển là lực lượng làm nhiệm vụ trên các hải đảo, vùng biển Việt Nam”.
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển vững mạnh: Đòi hỏi thực tiễn cấp thiết.
Sputnik: Theo ông thì việc xây dựng lực lượng này cấp bách như thế nào trong thời điểm hiện nay?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm
Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự
Trước tình hình các nước ngoài ngày càng gia tăng các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán Việt Nam đối với các vùng biển và hải đảo của Việt Nam, việc xây dựng dân quân tự vệ biển Việt Nam không chỉ trở thành một nhiệm vụ cấp bách trước mắt mà còn là nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Tổ chức và phát triển dân quân tự vệ biển là một trong những biện pháp thiết yếu quan trọng để tăng cường sức mạnh phòng thủ trên biển của Việt Nam; đồng thời, làm cho mỗi con tàu, mỗi con thuyền, mỗi ngư dân đều trở thành cột mốc chủ quyền trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam.
Dân quân tự vệ biển được tổ chức tùy theo quy mô của cơ sở sản xuất nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản trên biển cũng như các doanh nghiệp khai thác tài nguyên biển. Hải đội chỉ là một trong một số mô hình tổ chức của dân quân tự vệ biển có quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Cũng tùy theo vị trí chiến lược và tầm quan trọng của cơ sở sản xuất, khai thác tài nguyên biển mà các đơn vị dân quân tự vệ được trang bị các loại vũ khí, khí tài phù hợp, được huấn luyện kỹ chiến thuật thích hợp để phối hợp với Hải quân Nhân dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tích cực để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Dân quân tự vệ biển còn là lực lượng tại chỗ để tích cực tham gia các hoạt động phòng tránh, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai.
Hiện nay, trong điều kiện dân trí còn thấp, các ngư dân Việt Nam vẫn còn có các hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài, dẫn đến nhiều hệ lụy về pháp lý quốc tế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Do đó, lực lượng dân quân tự vệ biển còn có nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật về chủ quyền quốc gia, về tuân thủ các điều luật quốc gia và quốc tế, giữ gìn vùng biển và hải đảo hòa bình, ổn định và phát triển.
Hải đội dân quân tự vệ biển sẽ được xây dựng như thế nào?
Sputnik: Lực lượng Hải đội dân quân tự vệ biển sẽ được xây dựng như thế nào?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm
Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự
Luật Dân quân tự vệ năm 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 22-11-2019 tại kỳ họp thứ 8. Trong luật quy định rõ hai loại mô hình tổ chức: Dân quân biển theo địa bàn hành chính và Tự vệ biển theo doanh nghiệp.
Khoản 2, Điều 15 của Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định: “Cấp xã tổ chức trung đội dân quân cơ động. Cấp xã ven biển, đảo tổ chức trung đội dân quân cơ động và tiểu đội hoặc trung đội dân quân biển”. Như vậy, Dân quân biển không có mô hình tổ chức dân quân tại chỗ ở cấp thôn, chỉ có mô hình tiểu đội hoặc trung đội dân quân cơ động. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm hoạt động đánh bắt thủy hải sản.
Khoản 3, Điều 15 của Luật này quy định: “Cơ quan, tổ chức tổ chức tiểu đội, trung đội, đại đội hoặc tiểu đoàn tự vệ. Cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển tổ chức tiểu đội, trung đội, hải đội hoặc hải đoàn tự vệ”. Như vậy, có thể thấy lực lượng Tự vệ biển có quy mô rộng lớn hơn so với Dân quân biển, từ cấp tiểu đội đến cấp hải đoàn (tương đương tiểu đoàn). Quy định này cũng phù hợp với điều kiện trình độ dân trí, trình độ của cán bộ và tính tổ chức của các doanh nghiệp thường cao hơn so với các đơn vị hành chính cấp xã.
Về trang bị, biên chế lực lượng, Khoản 2, điều 15 của Luật Dân quân tự vệ còn có quy định: “Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, cấp xã tổ chức khẩu đội cối, tổ hoặc tiểu đội dân quân trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế; cấp xã trọng điểm về quốc phòng tổ chức tiểu đội hoặc trung đội dân quân thường trực”.
Đó là những quy định có tính nguyên tắc. Theo quy định tại khoản 5, Điều 15 của Luật Dân quân tự vệ 2019 thì “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy mô, tổ chức, biên chế đơn vị Dân quân tự vệ; quyết định cấp xã trọng điểm về quốc phòng”.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông Nguyễn Minh Tâm đã dành thời gian cho Sputnik.