Những diễn biến căng thẳng ở Trung Đông
Trước những diễn biến căng thẳng mới đây giữa Mỹ và Iran, nhiều người đặt câu hỏi liệu chuỗi sự kiện này có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, cũng như khả năng đầu tư của người dân vào vàng, chứng khoán như thế nào.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, vụ việc lần này khó có thể gây ra ảnh hưởng lớn, và nếu có cũng chỉ là tác động toàn cầu.
Tình hình ở Trung Đông ngày một diễn biến căng thẳng sau khi lực lượng quân sự Mỹ tiến hành không kích vào cơ sở nhóm phiến quân dòng Shiite Kataib Hezbollah ở Syria và Iraq hồi cuối tháng 12.
Sau đó, những người ủng hộ phong trào bắt đầu tấn công vào phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ ở Baghdad, và tiếp đến là chiến dịch đặc biệt của Washington nhằm tiêu diệt tướng Qasem Soleimani của Iran, cùng với đó, phó thủ lĩnh của lực lượng dân quân Shiite Iraq Abu Mahdi al-Muhandis cũng đã bị giết. Hoa Kỳ coi những nhân vật này tham gia sâu vào việc tổ chức những đợt tấn công vào Đại sứ quán Mỹ.
Vào đêm thứ Tư, ngày 8 tháng 1, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố bắt đầu chiến dịch trả thù cho cái chết của Tướng Iran Qasem Soleimani hồi đầu tháng tại khu vực sân bay quốc tế Baghdad.
Tehran đã phóng tên lửa đất đối đất tại căn cứ Ain Assad ở miền tây Iraq, cũng như căn cứ ở Erbil, nơi Mỹ đóng quân.
Trên thực tế, cả Tehran và Washington đều lên tiếng đe dọa sẽ đáp trả tương xứng những cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của nhau, thậm chí, Quốc hội Iran còn phê chuẩn thừa nhận quân đội Mỹ và Lầu năm góc là các tổ chức khủng bố.
Giá vàng bắt đầu hạ nhiệt, tùy thuộc vào tình hình Mỹ - Iran
Sau khi đạt đến mức đỉnh trong 7 năm, giá vàng thế giới đã giảm xuống mức 1.565 USD/ounce vào cuối ngày 7.1.
Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 43,83 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC cũng xuống còn 44 triệu đồng/lượng, giảm 450.000 đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng miếng tại Công ty SJC giảm xuống còn 350.000 đồng/lượng.
Việc giá vàng thế giới hạ nhiệt cho thấy giới đầu tư đã bớt lo ngại về căng thẳng Mỹ - Iran. Trước đó, giá vàng thế giới đã “bùng nổ” và tăng lên mức cao nhất kể từ quý 2 năm 2017.
Chỉ trong năm 2019, giá vàng thế giới đã tăng hơn 20%. Giá vàng nội địa Việt Nam cũng tăng tương tự và bám sát giá vàng thế giới.
Theo ý kiến của chuyên gia Đinh Thế Hiển, giá vàng vẫn sẽ có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên trong trung hạn từ 6 tháng đến 1 năm, Iran không thể gây ra chiến tranh quy mô lớn do sự giới hạn về nguồn lực.
Tương tự, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng hiện giá vàng đã chạm mức tương đối cao. Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ thay đổi phụ thuộc vào tình hình Mỹ - Iran, còn về trung hạn, giá vàng nhiều khả năng sẽ giữ ở mức hiện nay.
Nhìn từ góc độ chính trị Mỹ, chuyên gia Trần Thanh Hải nhận định thời điểm hiện tại đang rất gần với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chính vì vậy, căng thẳng Mỹ - Trung và xung đột Mỹ - Iran sẽ được kiểm soát ở mức độ nhất định nên giá vàng thế giới sẽ khó có thể tăng phi mã.
Theo chuyên gia Hải, nhà đầu tư nên cân nhắc những yếu tố này khi rót vốn vào vàng. Tuy nhiên, nếu xung đột Mỹ - Iran diễn biến theo chiều hướng xấu hơn và đẩy giá vàng thế giới tăng lên ngưỡng mới, điều này có thể sẽ kích hoạt tâm lý người mua do lo ngại giá vàng còn tiếp tục tăng và sợ bỏ lỡ cơ hội.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác phải kể đến là ở thời điểm hiện tại, Tết Nguyên Đán đang đến gần, người lao động được nhận lương và tiền thưởng cuối năm nên nhu cầu mua sắm vàng, nữ trang cũng tăng.
Xung đột Mỹ- Iran: Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng
Ngày 7.1, cả VN-Index lẫn chứng khoán thế giới đã trở lại sắc xanh sau đợt giảm mạnh.
Cụ thể, sau khi rớt đến 9,35 điểm trong phiên ngày 6.1, đến chốt phiên giao dịch 7.1, VN-Index đã hồi phục 3,09 điểm (+0,32%) lên mức 958,88 điểm. Toàn sàn có khối lượng giao dịch đạt hơn 181,62 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch ước tính đạt 3.664 tỉ đồng. Sàn có 169 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 161 mã giảm giá.
Theo Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Phan Dũng Khánh, thông tin Hạ viện Mỹ sẽ giới hạn quyền lực của Tổng thống Donald Trump trong việc phát động tấn công Iran đã tác động đến thị trường chứng khoán, giúp phần nào giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc giá vàng hạ nhiệt, giá dầu giảm nhẹ cũng khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn đến kênh đầu tư chứng khoán.
Ngoài ra, theo ông Khánh, VN-Index có tăng nhưng không ổn định vì phiên trước đã giảm mạnh, phiên sau chỉ tăng lên không đáng kể, chưa hoàn toàn phục hồi được những gì đã mất. Đồng thời, tính thanh khoản cũng khá yếu. Vì vậy, sự phục hồi này chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật.
Có thể áp lực lên lạm phát
Chuyên gia Võ Trí Hảo cho biết, Việt Nam là một quốc gia có độ mở kinh tế lớn, giao thương xuất khẩu ra nhiều quốc gia, do vậy, các xung đột trên thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Từ khi bắt đầu xung đột Mỹ - Iran, giá vàng, giá dầu và tỉ giá đồng USD đã ít nhiều có sự biến động, trong đó giá dầu đã tăng gần 4%, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích theo dõi tình hình thế giới cũng như đánh giá tác động dự báo.
Theo ông Hảo, tạm thời xuất nhập khẩu của VN sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do quan hệ kinh tế của Việt Nam với Iran không lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường bên ngoài vẫn đang rất tốt. Riêng giá vàng có biến động mạnh những ngày qua nhưng chủ yếu chỉ tác động đến giới đầu cơ, còn người dân từ lâu đã không còn trữ vàng.
Trong năm 2019 vừa qua, giá vàng thế giới đã tăng hơn 18% và trở thành một trong những tài sản trú ẩn an toàn của nhà đầu tư, tuy nhiên, thị trường vẫn khá trầm lặng.
“Vàng là mặt hàng xa xỉ, bằng chứng là nhiều ngày qua, khi giá vàng tăng lượng giao dịch không tăng đột biến, do đó có thể nói không liên quan nhiều đến chỉ số CPI. Tuy nhiên, giá vàng tăng có thể hấp dẫn một số nhà đầu tư chuyển đổi từ danh mục đầu tư bất động sản sang vàng”, Tuổi Trẻ dẫn bình luận của chuyên gia Võ Trí Hảo nhận định.
Trong khi đó, giá xăng dầu tăng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực giữ lạm phát thấp của Việt Nam.
Ông Phạm Việt Anh, chuyên gia tư vấn và phát triển doanh nghiệp, cho biết xung đột Mỹ - Iran sẽ có tác động nhất định đến sự phát triển ổn định kinh tế của Việt Nam, nhưng quy mô tác động đến đâu thì chưa thể lường trước được.
Nếu tỷ giá USD tăng sẽ tạo áp lực lên chỉ số lạm phát của Việt Nam năm 2020. Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu hàng hóa và cũng có thể được lợi từ tỉ giá, nhưng đồng thời cũng là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu, máy móc thiết bị. Điều này sẽ góp phần đẩy chi phí sản xuất lên cao.
Ngoài ra, nếu đồng USD tăng giá cũng sẽ khiến các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam đến hạn tăng theo, gây áp lực mất giá lên tiền đồng.
“Hai thách thức mà Chính phủ nhìn thấy nếu xung đột Mỹ - Iran leo thang đó là chi phí sản xuất sẽ tăng do giá cả đầu vào tăng và tỉ giá hối đoái giữa VND và USD sẽ lên giá”, ông Phạm Việt Anh nhận xét.
Tuy hầu hết đều cho rằng các xung đột thế giới hiện nay sẽ có nhiều yếu tố bất định, khó lường ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam, các chuyên gia nhận định, đây cũng sẽ là khó khăn chung toàn cầu. Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM cho biết đang theo dõi chặt chẽ biến động thị trường, và yếu tố bên ngoài chỉ là một phần của khoản đầu tư. Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh làm ăn của doanh nghiệp vẫn là môi trường kinh doanh ổn định, bền vững.
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, giá dầu tăng từ 3%-4% trong những ngày qua chưa thể coi là mức tăng sốc bởi vẫn nằm trong dự đoán của giới chuyên gia về thị trường.
Tuy nhiên vấn đề là chưa thể xác định được mức độ leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tất nhiên, không ngoại lệ, sẽ còn nhiều yếu tố bất định, khó lường, ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam.
“Giá dầu bị tác động đầu tiên và trực tiếp nhưng cũng rất khó đoán diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường đang diễn biến theo chiều hướng xấu và với một quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế lớn như Việt Nam thì tác động lại càng lớn. Tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, đầu tư và kinh tế chung của thế giới. Khi tăng trưởng của thế giới đang giảm tốc, cộng với tác động từ những bất ổn chính trị, rõ ràng nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát sẽ là áp lực nặng nề với Chính phủ”, chuyên gia Võ Trí Thành chia sẻ với NLĐ cho hay.
Thương mại có thể bị ảnh hưởng: Những động thái từ chính phủ Việt Nam
Bộ Công Thương Việt Nam cho biết đang theo dõi sát sao tình hình và có hình thức cảnh báo phù hợp cho doanh nghiệp trong trường hợp xung đột căng thẳng hơn
Ngày 8.1, đại diện Bộ Công Thương cho biết xung đột Mỹ - Iran hiện chưa gây ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông còn lại. Việt Nam vẫn đang duy trì quan hệ thương mại tốt và ổn định với các nước Ả Rập Saudi, Israel, Qatar, Oman.
Bộ Công thương khẳng định, các cơ chế hợp tác với những quốc gia này vẫn được duy trì hiệu quả.
Theo đại diện Bộ Công Thương, trường hợp xảy ra chiến tranh quân sự giữa Iran và Mỹ trong thời gian tới, việc trao đổi thương mại với các nước Trung Đông có thể bị ảnh hưởng do một số nước xung quanh nhiều khả năng sẽ bị cuốn vào cuộc chiến và tình hình nguồn cung dầu mỏ. Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và có hình thức cảnh báo phù hợp cho doanh nghiệp.
Năm 2020, thị trường Trung Đông tiếp tục là khu vực được nhận định tiềm ẩn nguy cơ bất ổn rất cao, tập trung những vấn đề xung đột, bạo lực và khủng hoảng có tầm ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Những biến động của tình hình khu vực này không chỉ tác động đến hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam với các nước thứ ba có liên quan chặt chẽ đến khu vực, đặc biệt là với các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Đông đã tăng từ 5,1 tỉ USD (năm 2011) lên 13,9 tỉ USD. Trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực này ước đạt 13,4 tỉ USD.
Ở Trung Đông, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng dầu thô, chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng. Trong số đó, Kuwait là một thị trường đáng chú ý, với nhập khẩu ước đạt 3,4 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2018. Điều này có nguyên nhân chủ yếu là do dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành thương mại, cần tăng nhập khẩu dầu thô từ thị trường này để sản xuất.
Với Iran, Bộ Công Thương nhận định trong giai đoạn 2010-2017, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường nước này ở mức rất thấp và tăng trưởng chậm. Việc Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Iran không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran, do các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam với nước Cộng hòa Hồi giáo này không nằm trong danh sách các mặt hàng, lĩnh vực cấm vận. Tuy nhiên, do lệnh trừng phạt của Mỹ, việc thanh toán các giao dịch xuất nhập khẩu với Iran rất khó khăn.
“Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang gần đây, đỉnh điểm là sau vụ việc Mỹ ám sát tướng Soleimani của Iran, dự báo mối quan hệ giữa 2 nước khó có thể cứu vãn và khả năng xảy ra chiến tranh quân sự là rất cao. Bởi vậy, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Iran có khả năng sẽ tiếp tục bị hạn chế và khó khăn hơn”, theo đại diện Bộ Công Thương.
Về phần mình, PGS-TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng tác động của xung đột Mỹ - Iran lên nền kinh tế thế giới là không quá bi quan. Theo ông, tác động nặng nề nhất chỉ nằm ở khu vực các nước Trung Đông, với những quốc gia có mối quan hệ trực tiếp, mật thiết với Iran.
“Trước đây, Iran là một trong những nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới, bên cạnh Ả Rập Saudi. Chỉ cần Iran thay đổi chính sách về dầu lửa thì chắc chắn gây ảnh hưởng không tốt tới thị trường dầu lửa thế giới cũng như kinh tế toàn cầu. Nhưng hiện nay, vai trò và sức ảnh hưởng của Iran với thị trường dầu lửa đã xuống mức rất thấp, thay vào đó là các cường quốc khác. Chẳng hạn, Nga có nguồn khai thác dầu lửa rất lớn, hay Mỹ phát hiện một kho dầu đá phiến có quy mô còn lớn hơn nguồn dầu lửa của Trung Đông. Với Iran, từ nhiều năm nay, do bị cấm vận nên xuất khẩu dầu lửa ra thế giới giảm sút. Như vậy, tác động từ cuộc xung đột tới thị trường dầu lửa thế giới, trong đó có Việt Nam, là không lớn”, PGS.TS Đỗ Đức Định phân tích.