Các chuyên gia mà Sputnik tham khảo ý kiến đã cho lời bình luận về quyết định của New Delhi - tẩy chay dầu cọ tinh chế từ Malaysia để đáp lại lời chỉ trích của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad về luật công dân mới của Ấn Độ mà theo ông là xâm hại quyền của những người theo đạo Hồi ở quốc gia này.
Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu cọ nhiều nhất trên thế giới. Năm ngoái, New Delhi đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất về sản phẩm này của Malaysia. Thị phần Ấn Độ chiếm 28% tổng xuất khẩu dầu cọ của Malaysia, nhiều hơn gấp đôi so với một năm trước đó.
Thế nhưng hôm 8 tháng 1, Chính phủ Ấn Độ đã ra thông cáo cấm nhập khẩu sản phẩm này từ Malaysia. Một ngày trước đó, xuất hiện các báo cáo đầu tiên rằng theo cách không chính thức, chính quyền yêu cầu các nhà chế biến và đại lý trong nước ngừng mua dầu cọ của Malaysia.
Về nỗ lực nhằm thể hiện sự không hài lòng với nhận xét của Malaysia đối với chính sách của nội các Narendra Modi, chuyên gia Alexei Kupriyanov (Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nêu nhận xét như sau trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
«Hồi tháng 10 năm ngoài, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố rằng Ấn Độ xâm nhập Kashmir, rằng Ấn Độ chiếm đóng Kashmir. Đến tháng 12, ông lại lên tiếng gay gắt chỉ trích các sửa đổi của Ấn Độ đối với luật công dân. Hẳn là Thủ tướng Modi đang sử dụng lệnh cấm nhập khẩu dâu cọ này để vực dậy thị trường nội địa, bởi Ấn Độ cũng có ngành sản xuất dầu cọ riêng. Không thể nói rằng ngành công nghiệp đang ngắc ngoải, nhưng quả thực công chuyện của các nhà sản xuất Ấn Độ không ổn, họ không trụ nổi với sự cạnh tranh. Họ tung cho chính quyền vô số phàn nàn về số lượng lớn hàng nhập khẩu giá rẻ. Do đó, ngay tại Ấn Độ, nhiều khả năng là biện pháp sẽ được thể hiện như là sự hỗ trợ dành cho nông dân địa phương, như nỗ lực tạo lập một ngành công nghiệp mới và cung cấp những chỗ làm việc mới cho cư dân».
Chuyên gia Tatyana Shaumyan từ Viện Nghiên cứu Phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga), nói chung đồng ý với cách giải thích tương tự về sự căng thẳng trong quan hệ Ấn Độ-Malaysia. Đồng thời, bà nêu một khía cạnh đáng chú ý:
«Ấn Độ luôn cho thấy rằng nước này cần đến dầu cọ của Malaysia, bởi đã nhập khẩu với số lượng ngày càng tăng. Nếu đây là hình thức biểu hiện thái độ không hài lòng hoặc thậm chí phản đối trong tương quan cáo buộc Malaysia can thiệp vào công việc nội bộ khi chỉ trích luật quốc tịch Ấn Độ, thì hẳn không phải là cách thức tốt nhất để công bố lập trường của New Delhi. Nhu cầu về dầu cọ của Ấn Độ vẫn cao, nhưng lại sửa soạn tẩy chay hàng nhập khẩu của Malaysia. Chắc hẳn Ấn Độ sẽ làm theo kịch bản Mỹ khi áp đặt trừng phạt thương mại vì nguyên cớ chính trị. Hơn thế nữa, đối với Malaysia thì đây chỉ là «mũi chích» kinh tế không quá đau, bởi họ có thể dễ dàng tìm thấy thị trường mới cho mặt hàng dầu cọ mà không gặp rắc rối gì».
Đến lượt mình, chuyên gia Alexey Kupriyanov tin chắc rằng Indonesia sẽ có chiêu thức tận dụng tình huống mới: sẽ tăng xuất khẩu sang Ấn Độ, bởi xưa nay Indonesia cũng vốn là một nhà cung cấp lớn nhất về sản phẩm này.
Năm 2018, Indonesia chiếm 60% tỷ lệ trong thị phần sản phẩm dầu cọ ở Ấn Độ. Xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sang Ấn Độ trong cùng năm lên tới 3,8 tỷ USD, so với 1,3 tỷ USD mà Malaysia nhận được từ xuất khẩu cùng mặt hàng.
Cả hai chuyên gia đều thấy phản ứng hiện tại của Ấn Độ với lập trường của Malaysia có nét giống với chiến dịch tung ra vào mùa hè năm ngoái - tẩy chay hàng Trung Quốc. Khi đó, New Delhi bất mãn vì những lời chỉ trích của Trung Quốc đối với chính sách của nội các Narendra Modi - đơn phương thay đổi quy chế của Kashmir. Cả lúc đó và bây giờ phía Ấn Độ đều cố chính trị hóa những liên hệ kinh tế.
"Quả thật, xét cho cùng, vẫn có sự khác biệt - chiến dịch hiện tại là động thái của Chính phủ Ấn Độ, trong khi trước đây tẩy chay hàng hoá Trung Quốc là sự hô hào từ các tổ chức phi chính phủ, cụ thể là Liên minh thương nhân toàn Ấn. Tẩy chay hàng Trung Quốc chỉ giới hạn trong lời kêu gọi của các nhà hoạt động địa phương, vì Ấn Độ không đủ năng lực để bù đắp sự thiếu hụt nếu không có hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Các cơ cấu trung ương New Delhi hiểu rõ thực tế đó nên về nguyên tắc không thích thú gì với việc làm xấu đi mối quan hệ với một láng giềng hùng cường. Trong trường hợp với Malaysia, Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng chứng tỏ sự cứng rắn, để thu hút và nhận được sự ủng hộ của các chủ trang trại sản xuất dầu cọ trong nước", - chuyên gia Alexei Kupriyanov nhận xét.
Kịch bản của Thủ tướng Narendra Modi có tác dụng hay chăng, - rồi đây thời gian sẽ cho giải đáp. Trong khi đó, không loại trừ khả năng là đất nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm dầu cọ. Và khi đó, rất có thể sẽ phát sinh những cuộc «bạo loạn dầu cọ» tiềm ẩn, giống như vấn đề cho đến nay vẫn là thời sự đau đầu đối với Ấn Độ - «bạo loạn hành tây» do mức giá cao về sản phẩm này.