Người dân có 5 hình thức giám sát hoạt động của lực lượng CSGT
Thông tư 67/2019/TT-BCA (67/2019) của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) chính thức có hiệu lực vào ngày 15/1/2020.
Theo đó, đây là lần đầu tiên Bộ Công an có quy định chi tiết về hình thức giám sát thứ năm, đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Như vậy, người dân chính thức hoàn toàn được phép quay phim, chụp ảnh hoặc ghi âm lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ.
Bộ Công an nêu rõ người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài hình thức giám sát thứ năm nói trên, 4 hình thức giám sát đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND) khác bao gồm, giám sát thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết Thông tư 67/2019 là một trong những quy định giúp ngăn chặn hiện tượng tiêu cực của lực lượng CAND khi thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT, trong đó có CSGT.
“Nhân dân giám sát CAND phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật”, - điều 10 Thông tư 67/2019 viết.
Người dân có trách nhiệm gì khi tham gia đảm bảo an toàn giao thông?
Theo Thông tư 67/2019/TT-BCA, người dân khi tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, cụ thể sau đây: Tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông.
Người dân phải bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông. Trường hợp phát hiện công trình, thiết bị có dấu hiệu không đảm bảo an toàn giao thông hoặc bị hư hỏng, bị xâm hại thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết và khẩn trương thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý công trình, thiết bị, cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thông tư 67/2019 cũng nêu rõ việc phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; thông báo các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông, các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông, đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông, ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham gia giao thông, vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác, các hành vi giả danh Công an nhân dân, chống người thi hành công vụ và các hành vi khác vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Nhân dân có quyền tham gia và hưởng ứng các phong trào giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông; hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, người dân phải tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở các thành viên khác trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.