Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa thực sự an tâm và Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng Việt Nam thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối và nên tăng tính minh bạch trong vấn đề này.
Xung đột thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt
Trung Quốc chắc chắn là quốc gia đang rất vui mừng vì có tín hiệu rõ ràng rằng Washington đã ngừng chỉ trích Bắc Kinh thao túng tiền tệ.
Ngày 13.1, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã chính thức công bố báo cáo rà soát cuối kỳ về ngoại hối đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Báo cáo đánh giá lần này đã loại Trung Quốc ra khỏi danh sách những quốc gia thao túng tiền tệ. Đây là động thái đáng chú ý của chính quyền Tổng thống Donald Trump ngay trước thềm ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn I, nơi lãnh đạo, quan chức cấp cao hai quốc gia sẽ gặp gỡ và đi đến chiến lược chung giúp giảm xung đột căng thẳng thương mại Mỹ- Trung kéo dài suốt thời gian qua.
Trong báo cáo công bố hồi tháng năm 2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ khẳng định: Không đối tác thương mại nào của Mỹ, kể cả Trung Quốc, thao túng tiền tệ và công bố danh sách 9 quốc gia nằm trong diện cần được giám sát đặc biệt vì nghi ngờ thao túng tiền tệ là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Thế nhưng, đến tháng 8.2019, quan hệ thương mại Mỹ- Trung lại tiếp tục xung đột, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có bước điều chỉnh tỷ giá, đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến chính quyền Tổng thống Trump đi đến kết luận “Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ”.
Dù đến thời điểm này (13.1.2019), Trung Quốc đã được Mỹ “tháo mác” quốc gia thao túng tiền tệ tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn nằm trong danh sách theo dõi và giám sát đặc biệt của Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, trong báo cáo lần này của Bộ Tài chính Mỹ, Thụy Sĩ lại bị đưa vào danh sách này. Như vậy, hiện chính quyền ông Trump đang theo dõi hoạt động chính sách tiền tệ của 10 quốc gia gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thụy Sĩ.
Mỹ yêu cầu Việt Nam minh bạch trong can thiệp ngoại hối
Như vậy, trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Việt Nam tiếp tục có tên trong danh sách các quốc gia cần được giám sát gắt gao nhưng không bị xem là thao túng tiền tệ.
Lập luận được Bộ Tài chính Hoa Kỳ nêu ra ở trang thứ 8 trong bản báo cáo chính là việc thặng dư thương mại hàng hóa Việt Nam với Mỹ tiếp tục tăng đáng kể, với thặng dư đạt 47 tỷ đô la trong 4 quý tính đến hết tháng 6 năm 2019. So với cùng kỳ, số dư tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thu hẹp dần, còn 1,7% GDP, khi các khoản thanh toán thu nhập ra nước ngoài ngày càng tăng đã bù đắp phần lớn thặng dư thương mại hàng hóa.
Đặc biệt, theo chính quyền Tổng thống Donald Trump, Việt Nam thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối và theo cả hai hướng nhằm duy trì mối liên kết chặt chẽ với đồng đô la. Chính quyền việt nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyển đến Bộ Tài chính Mỹ những dữ liệu đáng tin cậy rằng các giao dịch mua ròng ngoại hối là 0,8% GDP trong bốn quý cho đến tháng 6.2019. Các giao dịch mua ròng này diễn ra trong bối cảnh dự trữ vẫn nằm dưới các chỉ số bảo đảm tiêu chuẩn và có cơ sở hợp lý để xây dựng lại dự trữ.
Điều khiến Bộ Tài chính Hoa Kỳ tập trung sự chú ý chính là việc trong khi cán cân thương mại có sự chênh lệch lớn, các hợp đồng mua hàng nước ngoài cũng như trao đổi doanh số vượt trội trong suốt 4 quý vừa qua, thì Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam lại can thiệp vào cả hai hướng, với chính sách bán ra lượng ngoại tệ để giữ ổn định và tránh để Việt Nam đồng (VNĐ) mất giá trong nửa cuối năm 2018.
Giai đoạn đó, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, theo hướng VND mất giá mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã có quãng bán ròng ngoại tệ khá lớn. Dù lượng ngoại tệ bán ra đi cùng với dự trữ ngoại hối tạm giảm đi, tuy nhiên động thái can thiệp này đã bị chính quyền Trump để mắt tới và bày tỏ nhiều quan ngại.
“Việt Nam nên giảm bớt sự can thiệp và cho phép các biến động trong tỷ giá hối đoái phản ánh các nguyên tắc kinh tế cơ bản, bao gồm sự đánh giá dần dần tỷ giá hối đoái thực sự hiệu quả. Việt Nam cũng nên tăng tính minh bạch của can thiệp ngoại hối và nắm giữ dự trữ. Còn trên thực tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cập nhật khá đều và cụ thể về hoạt động mua vào ngoại tệ, cũng như về thay đổi của quy mô dự trữ ngoại hối”, Bộ Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Việt Nam không thao túng tiền tệ
Như vậy, theo Bộ Tài chính Mỹ, dù Washington không đánh giá Việt Nam là một quốc gia thao túng tiền tệ, tuy nhiên, Hà Nội vẫn nằm trong danh sách giám sát đặc biệt.
Dễ hiểu vì sao Việt Nam có tên trong danh sách. Đó chính là việc quốc gia với dân số hơn 96 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hàng đầu thế giới này thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.
Cụ thể, ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này, gồm thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP. Việt Nam thuộc diện 2 tiêu chí là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai, còn can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.
“Việt Nam đã cung cấp thông tin và khẳng định quan điểm nhất quán điều hành của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Việt Nam không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo lợi thế thương mại không cân bằng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết.
Cũng chính lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi tham dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 mới đây, nhấn mạnh, một trong những ưu tiên của Việt Nam năm 2020 là tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại lớn (cụ thể như Hoa Kỳ) để chứng minh “Việt Nam không thao túng tiền tệ”.
“Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Việt Nam không thao túng tiền tệ”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Được biết, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cũng rất tích cực phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để làm việc với các đối tác, khẳng định Việt Nam điều hành tiền tệ và tỷ giá theo diễn biến thị trường và không dùng tỷ giá để cạnh tranh thương mại, không gây bất bình đẳng với các đối tác Việt Nam có quan hệ thương mại.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng như Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá một cách chủ động, linh hoạt, bám sát với thị trường, đồng thời mua vào một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ. Tính đến cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam luôn kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ được các cơ quan quản lý điều hành một cách đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.