Bộ Y tế kiểm tra phòng dịch viêm phổi cấp tại sân bay
Sáng 21.1, đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Sau khi chính quyền Trung Quốc xác nhận ca tử vong thứ 4 vì viêm phổi cấp do virus Corona mới gây nên, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Trao đổi về công tác kiểm dịch tại sân bay quốc tế Nội Bài những ngày này, Trưởng khoa Kiểm soát dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, ông Nguyễn Hải Nam cho hay, công tác kiểm dịch ở các cửa khẩu là nhiệm vụ công tác đầu tiên trong việc dự phòng các bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào Việt Nam.
Việc giám sát chặt chẽ giúp phát hiện sớm bệnh nhân và qua đó có biện pháp cách ly hành khách gây nghi ngờ để giảm thiểu sự lây lan truyền nhiễm vào cộng đồng.
Được biết, hiện cảng hàng không quốc tế Nội Bài không có đường bay trực tiếp từ sân bay Vũ Hán nhưng trong hệ thống kiểm dịch của Việt Nam thì sân bay Đà Nẵng đã phát hiện 2 hành khách có dấu hiệu sốt và đã cho cách ly và báo cáo cụ thể trước đó.
“Dù đến nay Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nhưng công tác kiểm dịch luôn được chú trọng ngay từ trước. Hiện chúng tôi đang giám sát chặt chẽ hơn tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Hồng Kông và nước mới có dịch bệnh xâm nhập như Thái Lan và Nhật Bản với 100% hành khách đều được giám sát bằng máy đo thân nhiệt và quan sát tình trạng sức khỏe”, ông Nguyễn Hải Nam cho biết.
Theo Trưởng khoa Kiểm soát dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, những ngày Tết Nguyên đán, nhất là trong thời điểm dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và đã được nhiều chuyên gia lên tiếng về khả năng truyền bệnh từ người sang người nên việc kiểm dịch được đề cao hơn bất cứ lúc nào do mọi người đi du lịch và về quê ăn tết.
Ông Nguyễn Hải Nam thông tin, để đáp ứng cho việc giám sát dịch bệnh ngay tại cửa khẩu, Khoa Kiểm soát dịch Y tế quốc tế cũng đã bổ sung nhân lực trực kiểm dịch và xử lý y tế cho 4 vị trí thiết lập máy kiểm tra thân nhiệt, bảo đảm mỗi ca trực có từ 9-10 nhân viên, trong đó có ít nhất 2 bác sĩ, đồng thời, thực hiện thường trực giám sát, xử lý kiểm dịch y tế 24/24 giờ và thiết lập các phương án thu dung người nghi nhiễm bệnh. Tiếp đó còn có bố trí khu vực cách ly, cung cấp trang bị phòng hộ.
“Chúng tôi đã nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và bản thân Trung tâm cũng kiểm soát bệnh tật cũng xây dựng kế hoạch để phòng chống bệnh viêm phổi cấp do virus corona. Trung tâm kiểm dịch cũng có quy chế phối hợp liên ngành với các ngành ở Sân bay quốc tế Nội Bài khi phát hiện hành khách nghi ngờ sẽ kích hoạt hệ thống phòng chống dịch bệnh theo quy trình. Hiện tại việc kiểm soát được thực hiện liên tục với 4 máy đo thân nhiệt, hai máy khu vực quốc tế đến 2 máy ở khu vực quốc tế đi và 2 máy dự phòng trong trường hợp trục trặc”, Trưởng khoa Kiểm soát dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội cho hay.
Theo đó, hành khách đi theo luồng, máy đo thân nhiệt bắt hình ảnh trực tiếp vuông góc, tất cả các hành khách được bắt hình ảnh tự động. Máy đo thân nhiệt bắt điểm nhiệt của hành khách, khi phát hiện hành khách trên 38 độ 38,5 độ thì sẽ lưu lại hình ảnh của hành khách và phát ra âm thanh để báo. Sau đó mời hành khách vào phòng cách ly ngay gần đó.
“Trong trường hợp nghi ngờ, có hành khách bị sốt, cho đeo khẩu trang ngay, khám sơ và cho uống thuốc hạ sốt. Nếu nghi ngờ đưa hành khách sang phòng cách ly. Lưu bệnh nhân tại phòng này, nếu bệnh nhân phải chuyển viện khi cần thì sẽ liên hệ và chuyển viện theo đường riêng, không chung với lối đi của hành khách”, bác sĩ Nguyễn Hải Nam cho biết thêm.
Ông Đỗ Xuân Thưởng, nhân viên kiểm dịch y tế tại bục kiểm dịch y tế quốc tế của khi nhập cảnh, sân bay Quốc tế Nội Bài cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 115 -120 chuyến bay quốc tế nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, riêng các chuyến bay từ Trung Quốc dao động từ 11-13 chuyến, có những ngày cao điểm lên đến 15-16 chuyến bay.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội cũng đã xây dựng phương án khi phát hiện trường hợp sốt, có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới tại sân bay quốc tế Nội Bài, hoặc ngay trong cộng đồng sẽ đưa về các bệnh viện như: Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa để được điều trị kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.
Tại buổi công tác kiểm tra đặc biệt này, TS. Đặng Quang Tấn khẳng định, dù Việt Nam chưa phát hiện dịch bệnh nhưng phải sẵn sàng tất cả nhân lực và trang thiết bị tránh lây lan dịch.
“Hiện chúng ta mới trong tình huống chưa có dịch bệnh, nhưng cũng cần sẵn sàng tất cả nhân lực và trang thiết bị để chủ động phòng chống dịch bệnh trong tình huống có ca bệnh xâm nhập tại cửa khẩu và trong tình huống dịch bệnh lây lan ra cộng đồng”, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Bộ Y tế ra công văn khẩn về phòng, chống bệnh viêm phổi cấp
Bộ Y tế ngày 20.1 đã ra công văn khẩn mang số 62/KCB-NV gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, các sở y tế thuộc các bộ, ngành về công tác chuẩn bị nghiêm túc trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới gây nên.
Bộ Y tế yêu cầu, các đơn vị cần tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh. Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và giọt bắn cho nhân viên y tế từng tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng. Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền. Rà soát lại các phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. Thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.
Bên cạnh đó, tất cả các người bệnh nếu có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính như ho, sốt cao đều phải được phân luồng, khám tại các buồng khám riêng biệt. Các đơn vị, cơ sở y tế phải tổ chức phân loại người bệnh ngay từ quá trình đăng ký khám bệnh, khai thác các yếu tố dịch tễ của bệnh nhân từng sống hoặc tới từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh nhiễm viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân, các bác sỹ phải cách ly tạm thời, đồng thời thông báo khẩn cho cơ quan y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán.
“Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị y tế để điều trị khi có ca bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) được ban hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16.1.2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngoài ra, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ giữa việc điều trị và công tác dự phòng, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28.12.2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế”, công văn của Bộ Y tế nêu rõ.
Trung Quốc xác nhận nguy cơ viêm phổi lây từ người sang người, WHO họp khẩn
Ngày 21.1, sở Y tế thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc xác nhận bệnh nhân thứ 4 đã tử vong vì bệnh viêm phổi lạ do virus corona mới gây nên.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố về cuộc họp khẩn cấp.
Reuters đưa tin cho biết. ngày 19.1, Sở Y tế thành phố Vũ Hán ra thông báo xác nhận nạn nhân thứ tư tử vong vì nhiễm virus corona mới. Đây là người đàn ông 89 tuổi, mắc nhiều bệnh về tim mạch, rồi xuất hiện các triệu chứng giống cúm hôm 13.1, ông được đưa nhập viện 5 ngày sau.
Ngoài ra, Sở Y tế thành phố Vũ Hán cho hay đã có 15 nhân viên y tế của địa phương được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi và một trường hợp nghi nhiễm bệnh do virus corona.
Trước đó, ngày 20.1, Trung Quốc thông báo dịch viêm phổi lạ đã lan ra các thành phố khác ngoài Vũ Hán với 139 nhiễm bệnh mới. Tới nay, Trung Quốc đã xác nhận tổng cộng 217 ca nhiễm coronavirus (virus corona).
Truyền thông Trung Quốc dẫn phát biểu của chuyên gia đầu ngành Y tế nước này Zhong Nanshan (Chung Nam Sơn) khẳng định virus corona gây ra bệnh viêm phổi lạ ở nước này có khả năng lây từ người sang người.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trên kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết: “Cuộc sống và sức khỏe của người dân phải được ưu tiên hàng đầu và phải kiên quyết kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh này”.
Theo Reuters, việc lây truyền từ người sang người có thể làm cho virus lây lan nhanh hơn và rộng hơn, nhất là trong thời điểm hàng trăm triệu người Trung Quốc đang di chuyển khắp đất nước trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20.1 cũng đã có thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào cuối tuần này tại Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận cách ngăn chặn nguy cơ lây lan của loại virus mới này.
Ngày 12.12.2019, tại Trung Quốc phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh ở Vũ Hán, Hồ Bắc. Bệnh viêm phổi cấp do chúng virus Corona (CoV) gây nên là một họ các virus có thể gây ra các bệnh lý đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người cùng một số loài động vật. Đường lây nhiễm của loại virus Corona này là tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp của người bệnh. Thời gian ủ và phát bệnh thường la mùa đông và đầu mùa xuân.
Trên cơ thể người, virus Corona có thể gây bệnh nhẹ từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV). Theo WHO và Bộ Y tế, chủng virus Corona mới (nCoV) là chủng chưa được xác định trước đây ở người.