Các nhà nghiên cứu xác định rằng các chất ODS, được phát triển trong thập kỷ 1920, 1930 và được sử dụng rộng rãi dưới dạng chất làm lạnh, dung môi và aerosol, chính là tác nhân gây ra một phần ba tình trạng nóng lên toàn cầu từ năm 1995 đến 2005 và một nửa tình trạng nóng lên ở Bắc Cực, cũng như tình trạng tan băng trong cùng thời kỳ đó. Các chất này đóng vai trò bổ sung carbon dioxide, nhưng kể từ thời điểm việc sản xuất ODS chấm dứt, hiệu ứng khí hậu nói trên bắt đầu giảm.
Để đánh giá tác động của các chất làm suy giảm tầng ozone đối với biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã sử dụng hai mô hình khí hậu khác nhau được tạo ra tại Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khí quyển của Hoa Kỳ.
Nghị định thư Montreal có hiệu lực từ năm 1989 quy định cấm sản xuất ODS trên toàn thế giới. Do được quốc tế hưởng ứng nhanh chóng nên nồng độ của hầu hết các chất ODS trong khí quyển, trước đây từng đạt đỉnh điểm vào cuối thế kỷ XX, đã giảm dần kể từ đó. Tuy nhiên tính trong vòng 50 năm, ảnh hưởng của các chất này tới bầu khí quyển Trái đất vẫn còn khá nghiêm trọng.