Theo tài liệu, việc sử dụng các túi gói hàng bằng nhựa không thể phân huỷ sẽ bị cấm tại các thành phố lớn của đất nước vào cuối năm 2020, biện pháp này được áp dụng trên toàn quốc vào năm 2022. Giải pháp có chút nương tay với lộ trình dần dần dành cho thị trường thực phẩm. Sẽ được phép bán sản phẩm đựng trong túi ni-lon và hộp nhựa như vậy cho đến năm 2025. Ngoài ra, theo tài liệu, ngay trong năm nay các quán cà phê và nhà hàng sẽ phải chấm dứt việc sử dụng ống hút bằng nhựa dùng một lần. Đến cuối năm 2020, trong phạm vi lệnh cấm còn gồm cả bát đĩa nhựa dùng một lần, tăm bông và một số hóa chất sinh hoạt.
Các nhà khoa học cho rằng từ giữa thế kỷ trước, nhân loại đã sản xuất ra 8 tỷ tấn đồ nhựa. Và hơn một nửa số này cuối cùng biến thành rác thải. Đồng thời, không quá 9% đồ thải nhựa được tái chế, còn phần lớn chất tại các bãi rác hoặc trút xuống trôi dạt ở đại dương. Theo một số đánh giá, hàng năm có tới 12,7 triệu tấn rác thải nhựa ném xuống biển.
Là quốc gia đông dân nhất và hơn nữa là «công xưởng toàn cầu», Trung Quốc sản xuất rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với con số «khủng» là khoảng 60 triệu tấn. Ở vị trí thứ hai là Hoa Kỳ với cách quãng khá xa - 38 triệu tấn. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, từ sau năm 2014, Trung Quốc bắt đầu sản xuất hơn 70 triệu tấn sản phẩm nhựa mỗi năm.
Cần bằng cách nào đó kiểm soát việc sản xuất đồ nhựa là chuyện được nghĩ đến từ lâu ở Trung Quốc. Ngay từ năm 2008, đã bắt đầu hiệu lực của đạo luật cấm các siêu thị và những cơ sở trong chuỗi bán lẻ khác phân phát túi ni-lon miễn phí, bởi vào thời điểm đó, phần lớn rác thải nhựa là từ các túi gói hàng. Thế nhưng song hành với sự phát triển thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng đồ ăn tận nhà, Trung Quốc lại phải đối mặt với vấn đề gia tăng nhanh chóng các chất thải nhựa. Số lượng các bao hàng, bưu kiện ở Trung Quốc trong vòng 3 năm đã tăng gấp ba lần từ 20 tỷ năm 2015 lên đến 60 tỷ vào năm 2019. Theo dữ liệu của Greenpeace, chính rác thải do hệ quả phát triển thương mại điện tử chiếm 93% tổng lượng rác thải sinh hoạt tại các đô thị lớn của Trung Quốc. Thương mại điện tử đã để lại đàng sau nó 850.000 tấn chất thải nhựa chỉ riêng trong năm 2018.
Bởi lý do này, chính quyền Trung Quốc đang hoạch định biện pháp đấu tranh với rác thải, tương ứng với thực tế đã biến đổi. Nhưng liệu một quốc gia đông dân như vậy có thể tuân thủ được các tiêu chuẩn tái chế và xử lý rác thải hay không? Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Giang Sảng Trung từ Viện Bảo vệ Môi trường thuộc Đại học Thanh Hoa nói rằng cần đồng thời phát triển các ngành sản xuất liên quan để việc từ bỏ đồ nhựa không gây bất tiện cho cư dân.
«Tất nhiên, dân số lớn và mật độ sống tập trung dẫn đến sự gia tăng lượng sử dụng đồ nhựa. Và kết quả là nhiều rác hơn. Nhưng rõ ràng là ngay cả ở những khu vực đông dân cư vẫn có thể giảm bớt lượng rác thải sinh hoạt nếu ban hành quy định hạn chế với sản phẩm nhựa. Hiệu quả tích cực đương nhiên gắn liền với quy định luật và chuẩn mực pháp lý tương ứng. Trong tài liệu mà chúng ta đang nói đến có nội dung rất quan trọng - hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ loại túi nhựa siêu mỏng. Nếu hạn chế sản xuất túi nhựa, thì có thể kiểm soát được cả việc sử dụng túi nhựa trong các siêu thị và các cửa hàng bán lẻ, bằng cách như vậy, đạt tới hiệu quả giảm lượng rác thải nhựa. Do vậy, khi ứng dụng các biện pháp thích đáng, tôi nghĩ rằng hiệu quả lớn nhất sẽ thu được chính ở những khu vực tập trung đông dân. Dù sao chăng nữa, nếu chỉ kiểm soát nguồn sản xuất túi nhựa vẫn là chưa đủ. Cần có tiêu chí và biện pháp bổ sung khuyến khích các ngành công nghiệp hữu quan, cho ra đời các sản phẩm thay thế để quá trình giảm rác thải nhựa không ảnh hưởng đến mức độ tiện lợi thoải mái trong đời sống. Vì vậy, rõ ràng còn rất nhiều việc phải tiến hành».
Từ bỏ các sản phẩm nhựa không thể tái chế là biện pháp hữu ích, nhưng trong cộng đồng cũng cần phổ biến cách thức phân loại rác thải, tách chất thải có thể tái chế khỏi chất thải bất tái chế. Một số thành phố ở Trung Quốc đã bắt đầu cuộc thí nghiệm cục bộ về thay đổi hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt.
Trên toàn cầu, nhiều nước khác đang nghĩ đến sự cần thiết thay đổi quy tắc xử lý chất thải sinh hoạt, và phải nói rằng có phần không kém quan trọng là nhờ Trung Quốc. Mới đây, Trung Quốc nhập khẩu đến 45% rác thải nhựa của thế giới. Tích cực xuất khẩu loại rác này cho Trung Quốc có Hoa Kỳ (17 triệu tấn), Nhật Bản (hơn 1 triệu tấn), Australia (hơn 600.000 tấn). Năm 2016, từ EU cũng gửi đến Trung Quốc 8 triệu tấn giấy loại và 1,6 triệu tấn rác thải nhựa. Thậm chí đã tạo lập dây chuyền hậu cần: tàu container chất đầy từ Trung Quốc đưa hàng công nghiệp đến châu Âu, Hoa Kỳ hoặc Australia. Chiều khứ hồi không bỏ trống: tàu chở rác về Trung Quốc. Nhìn chung, theo dữ liệu thống kê, chỉ riêng trong năm 2015, Trung Quốc đã tiếp thu hơn 40 triệu tấn rác thải từ nước ngoài.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nước ngoài theo 24 loại. Do đó đến tháng 10 năm 2019, lượng cung cấp rác thải nhựa, ví dụ từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, đã giảm 89% so với đầu năm 2017, còn giấy loại – giảm 96%.
Bây giờ nhiều nước một lần nữa bắt đầu suy tính về… nơi đổ rác. Nảy sinh nhu cầu đầu tư vào công nghệ tiên tiến xử lý rác thải. Ngoài ra, ngay cả ở những nước phát triển như Hoa Kỳ, hoá ra nhiều người vẫn không sẵn sàng tự mình phân loại rác. Do vậy, rác thải là vấn đề nghiêm trọng đối với toàn thế giới, và cần có thời gian để giải quyết.