Sự can thiệp của Mỹ là một trong những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Tác giả Ted Rall đã viết về điều này trong bài báo đăng trên tờ CounterPunch.
Tác giả bài báo lưu ý rằng, Hoa Kỳ đã liên tục thực hiện những hành động tấn công, những chiến dịch phá hoại và âm mưu phá tan Liên Xô từ bên trong.
Giai đoạn 1941-1945, khi nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô và Hoa Kỳ đã là hai đồng minh chống phát xít Đức. Tuy nhiên, người Mỹ khôn khéo trì hoãn ba năm rồi mới thực sự tham chiến, trong khi đó đã có hàng chục triệu công dân Liên Xô hy sinh trong cuộc đấu tranh chống Đức quốc xã, tác giả Ted Rall viết.
Còn có một sự kiện khác - đó là chiếc máy bay do thám của Mỹ do gián điệp Francis Gary Powers lái, bị tên lửa Liên Xô bắn rơi năm 1960. Nhà báo Ted Rall cho rằng, việc máy bay Mỹ xuất hiện trên không phận Liên Xô là một hành động gây chiến.
Năm 1982, Tổng thống Ronald Reagan đã thông qua một kế hoạch có vẻ “vô tội” của CIA, đề ra ý tưởng cho nổ đường ống dẫn khí đi qua Siberia. Dự tính rằng, họ sẽ cho phép Liên Xô ăn trộm hệ thống quản lý đường ống dẫn khí của phương Tây, nhưng, sau một thời gian hoạt động bình thường, hệ thống này sẽ bị hỏng nặng vì quá tải. Kết quả lẽ ra phải có là “vụ cháy nổ phi hạt nhân lớn nhất trong số những sự cố có thể ghi lại được từ vũ trụ”.
Một dự án khác của thời kỳ Reagan liên quan đến sự phá hoại về kinh tế. Hiểu rõ tầm quan trọng của ngành khai thác nhiên liệu đối với Liên Xô, Hoa Kỳ đã thuyết phục Ả Rập Saudi tăng sản lượng khai thác dầu. Kết quả là giá dầu và khí đốt bị sụt giảm trên toàn thế giới, khiến nền kinh tế Liên Xô rơi vào vòng suy thoái, bài báo viết.
Cuối bài viết, tác giả Ted Rall kết luận rằng, Hoa Kỳ đã "tốn không ít công sức” để phá hủy Liên Xô.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, phó giáo sư Evgeny Sobolev từ Đại học Sư phạm Bashkir, thành viên Hiệp hội các nhà sử học Nga nghiên cứu về nước Mỹ, nhận xét về nội dung này.
Theo ông, nguyên nhân chính khiến Liên Xô sụp đổ là các quá trình chính trị và kinh tế nội bộ nước. Mặc dù sự cạnh tranh gay gắt giữa Liên Xô và Hoa Kỳ cũng đóng một vai trò nhất định, chuyên gia nói.
“Đây là sự cạnh tranh và cuộc ganh đua. Hoa Kỳ không bao giờ che giấu sự thật rằng, Mỹ là đối thủ của Liên Xô, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vì vậy họ đã đấu trang chống lại Liên Xô. Cho dù họ muốn hay không muốn sự sụp đổ của Liên Xô, đây là một câu hỏi khác. Nhưng, theo như tôi biết, hầu hết các nhà phân tích và chuyên gia ở Mỹ đã ngỡ ngàng khi Liên Xô lại bất ngờ sụp đổ. Ví dụ, Zbigniew Brzezinski, Henry Kissinger và những người khác", - ông Yevgeny Sobolev nói.
Cuộc cạnh tranh chính giữa hai nước đã diễn ra trên trường quốc tế, ông Sobolev nói tiếp.
"Ví dụ, Hoa Kỳ đã tích cực ủng hộ, dù ủng hộ ngầm phía sau, các phong trào chống Liên Xô ở Đông Âu. Đây là sự thật. Hoa Kỳ đã tích cực ủng hộ Taliban ở Afghanistan. Và chúng tôi hiểu rằng, Liên Xô đã phải chi rất nhiều tiền cho chiến tranh, điều này làm suy yếu nền kinh tế của chúng tôi. Tuy nhiên, theo tôi, không nên tìm kiếm những hậu quả thực tế của các hành động can thiệp do Mỹ thực hiện, bởi vì chúng tôi có các cơ quan tình báo hoạt động hiệu quả và họ không cho phép Mỹ làm như vậy", - nhà sử học Yevgeny Sobolev nói.