Trong năm 2020 này, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN đồng thời cũng là năm Hải quân nhân dân Việt Nam kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập. Nhân những sự kiện trọng đại này, Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện quốc tế, trong đó có Duyệt binh hàng hải quốc tế và Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.
Hải quân Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với Hải quân các nước
Như phát biểu của các quan chức quốc phòng cấp cao của Việt Nam, một trong những mũi nhọn mà chiến lược đối ngoại quốc phòng mà Hà Nội hướng đến chính là việc tăng cường hợp tác, giao lưu, quan hệ đa phương với các quốc gia, trong đó chú trọng hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, thường xuyên giao lưu học hỏi kinh nghiệm cũng như nâng cao tinh thần chiến đấu, kỹ năng cho các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nhằm xây dựng và tăng cường mối quan hệ cũng như học tập kinh nghiệm tổ chức, trong thời gian gần đây, Hải quân nhân dân Việt Nam luôn rất tích cực cử các chiến hạm vượt nghìn dặm xa tham dự nhiều cuộc duyệt binh và diễn tập đa phương do các quốc gia khác tổ chức.
Tháng 8/2019 vừa qua, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 016-Quang Trung đã vượt hơn 4.600 hải lý, thực hiện thành công chuyến thăm xã giao Liên bang Nga và tham gia các hoạt động kỷ niệm 323 năm Ngày truyền thống hải quân Nga tại TP Vladivostok.
Chuyến thăm ghi dấu ấn lần đầu tiên tàu hải quân Việt Nam thăm Liên bang Nga, góp phần tăng cường hợp tác giữa hải quân và quân đội hai nước. Hải trình hơn 4.600 hải lý ấy được coi là một trong những kỷ lục của chiến hạm HQND Việt Nam.
Trước đó, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Việt Nam lần lượt thực hiện các chuyến thăm tới Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2016, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 011-Đinh Tiên Hoàng đã vượt gần 5.000 hải lý từ Biển Đông qua eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương tham gia Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế tại căn cứ hải quân Visakhapatnam (Ấn Độ).
Năm 2018, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 015-Trần Hưng Đạo lập thêm kỷ lục mới khi vượt qua hơn 5.000 hải lý đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các hoạt động đối ngoại quân sự trên biển còn là dịp để tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân Việt Nam. Thông qua các hoạt động huấn luyện khả năng phối hợp hoạt động trên biển với hải quân các nước, cán bộ, chiến sĩ hải quân có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ.
Thông qua các hoạt động đối ngoại quân sự, HQND Việt Nam gửi tới hải quân và quân đội các nước thông điệp hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Các thỏa thuận hợp tác, cơ chế đối thoại, tham vấn song phương mà hải quân Việt Nam đạt được với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới là cơ sở để HQND Việt Nam xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với hải quân các nước, phối hợp và ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, hợp tác trong lĩnh vực cứu hộ - cứu nạn, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực cũng như trên thế giới.
Với vai trò lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, sự tham gia tích cực của HQND Việt Nam vào các hoạt động đối ngoại quân sự không chỉ nâng cao sức mạnh của lực lượng hải quân mà còn củng cố tiềm lực quốc phòng nói chung, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Các hoạt động nổi bật trong năm 2020
Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, quân chủng Hải quân được sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị làm tốt sự kiện Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN.
Đây là một trong những sự kiện lớn để khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế; khẳng định Quân đội thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Đảng về đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, khi đất nước chưa nguy.
Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 14 (ANCM-14) sẽ diễn ra vào ngày 5/5/2020 tại thành phố biển Nha Trang với sự tham gia của đại biểu Hải quân đến từ các nước ASEAN. ANCM là Hội nghị thường niên của Hải quân các nước ASEAN, trước đây chỉ là các cuộc gặp gỡ giao lưu của hải quân các nước trong khu vực.
ANCM chính thức trở thành Hội nghị theo sáng kiến của HQND Việt Nam vào năm 2011 khi được Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Sáng kiến này đã đưa Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN trở thành một diễn đàn chính thức được tổ chức hằng năm cấp tư lệnh hải quân các nước ASEAN.
ANCM đã hoạt động rất hiệu quả và đã trở thành một cơ chế quan trọng trong hợp tác quốc phòng và Hải quân trong cơ chế của Hội nghị Tư lệnh lực lượng quốc phòng không chính thức (nay là Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới, nhất là an ninh biển.
IMR là sáng kiến đề xuất của Hải quân Việt Nam vào Kế hoạch hoạt động của WPNS (Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước Thái Bình Dương) năm 2020. Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, tạo cơ hội cho Quân chủng Hải quân nâng cao năng lực phối hợp với Hải quân các nước và tăng cường quan hệ hợp tác với Hải quân các nước.
Duyệt binh Hàng hải quốc tế năm 2020 (IMR-2020) sẽ diễn ra vào ngày 7/5/2020 trên vịnh Nha Trang. Các lực lượng Hải quân tham gia gồm 9 nước ASEAN (bao gồm Việt Nam); tàu các nước thành viên tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, WPNS và Hải quân các nước khác có quan hệ hợp tác với Hải quân Việt Nam (khoảng 43 nước tham dự).
Việc lần đầu tiên đăng cai các hoạt động lớn của hải quân khu vực chứng tỏ sự trưởng thành và lớn mạnh của HQND Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hải quân, quân đội và nhân dân các nước trên thế giới, khẳng định năng lực, vị thế của HQND Việt Nam, QĐND Việt Nam trên trường quốc tế.
Vì sao Việt Nam tăng cường sức mạnh cho Hải quân?
Chia sẻ về vấn đề Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa Hải quân với những khoản đầu tư mua sắm tàu ngầm, máy bay, phục vụ chiến đấu, Thứ trưởng Phan Văn Giang cho hay, việc mua sắm trang thiết bị vũ khí là cần thiết và phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Trước khi mua sắm vũ khí, chúng tôi phải có chủ trương, xin ý kiến, bàn bạc, thống nhất mua loại gì để phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay hiện đại của Hải quân đều phát huy tác dụng”, Thứ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ.
Điểm lại những nhiệm vụ đối nội và đối ngoại của lực lượng Hải quân Việt Nam trong năm qua, Thượng tướng Phan Văn Giang chỉ rõ, thời gian qua, Hải quân Việt Nam tích cực tham gia duyệt binh, diễn tập với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực khắc phục an ninh phi truyền thống như chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, khắc phục thảm họa, đồng thời tham gia phòng thủ dân sự.
“Mỗi chuyến ra khơi, tàu ngầm không chỉ khẳng định chủ quyền của Việt Nam dưới biển mà còn trinh sát, nắm tình hình xung quanh. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân cho biết, có đi tàu ngầm mới biết trong lòng đại dương có rất nhiều tàu ngầm của các nước hoạt động. Nếu mình không có tàu ngầm thì phần dưới mặt nước không quản lý được”, Thượng tướng Phan Văn Giang thông tin.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam lý giải, bất cứ phương tiện, khí tài hiện đại nào sau một thời gian cũng sẽ trở nên lạc hậu. Vậy nên kế hoạch mua sắm củng cố và phát triển khí tài quân sự của Bộ Quốc phòng là hoàn toàn hợp lý.
“Chúng tôi luôn nghiên cứu xây dựng kế hoạch mua sắm, trang bị vũ khí phù hợp, cùng với đó là đánh giá, rút kinh nghiệm với vũ khí hiện có. Trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam có thể chưa mua thêm tàu ngầm, nhưng tàu mặt nước thì sẽ tiếp tục được bổ sung. Hải quân Việt Nam hiện nay được đánh giá là hiện đại nhất ASEAN”, Thượng tướng Phan Văn Giang khẳng định.