Việt Nam: Chưa có ca tử vong nào do nhiễm coronavirus
Ngày 31.1, Bộ Y tế lên tiếng về tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội về trường hợp bệnh nhân ở Vĩnh Phúc tử vong vì viêm phổi cấp do nhiễm coronavirus dù được điều trị ở Bệnh Viện Nhiệt đới Trung ương. Tin đồn này liên quan đến thông tin sau khi Bộ Y tế xác nhận Việt Nam đã có ba công dân dương tính với nCoV. Mạng xã hội cho rằng nữ bệnh nhân bị viêm phổi Vũ Hán ở Vĩnh Phúc đã qua đời.
Sau khi tiến hành kiểm chứng, Bộ Y tế khẳng định, đây là tin đồn thất thiệt, sai sự thật.
Để tránh những thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận xã hội, Bộ Y tế cũng đề nghị các các cơ quan truyền thông lên tiếng, đưa thông tin chính xác tới người dân để tránh làm người dân lo lắng, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do chủng mới coronavirus đang diễn biến phức tạp trên thế giới hiện nay.
Bộ Y tế tái khẳng định, tính đến ngày 31.1, Việt Nam đã xác nhận 5 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nhiễm chủng mới coronavirus. Ngoài hai cha con người Trung Quốc (trong đó, người con trai đã khỏi bệnh), có thêm ba công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc cũng mắc bệnh viêm phổi cấp. Một trường hợp đang điều trị tại Thanh Hóa, hai trường hợp đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2.
Trong một động thái liên quan, sáng 31.1, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khẳng định, nữ bệnh nhân có tên N.T.T.T. 25 tuổi, ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá (là một trong 3 công dân Việt Nam dương tính với coronavirus vừa được công bố) đã hết sốt, sức khỏe dần ổn định.
“Bệnh nhân này đã hết sốt mấy ngày hôm nay, không ho, không khó thở, sức khỏe ổn định. Chiều nay, chúng tôi tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm. Nếu âm tính với virus corona, cô ấy sẽ được ra viện”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa Lê Văn Sỹ cho hay.
Hai bệnh nhân đều còn trẻ, nên sức khỏe khá tốt. Đại diện bệnh viện xác nhận các bệnh nhân đã hết sốt và sinh hoạt bình thường. Do phải cách ly nên bệnh viện tiến hành cung cấp bữa ăn tại phòng bệnh, đồng thời cũng có một y tá trực tại phòng.
Được biết, những bệnh nhân người Việt Nam bị viêm phổi cấp đều là công nhân được Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc tập huấn hai tháng trước. Họ cùng đáp chuyến bay mang số hiệu CZ8315 của Hãng hàng không Southern China Airlines về Việt Nam ngày 17.1 vừa qua.
Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Lê Quang Thọ cũng bác tin đồn rằng có trường hợp nghi nhiễm coronavirus đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Ông Lê Quang Thọ cũng khẳng định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vẫn chưa tiếp nhận, cách ly trường hợp nào nghi nhiễm coronavirus. Đồng thời, cũng không có du học sinh nào trở về từ Vũ Hán đến khám tại Bệnh viện tỉnh. Những thông tin trên mạng xã hội đều không chính xác.
Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo những người từ Trung Quốc trở về cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày và khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trong trường hợp nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, người dân phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Tạm dừng lễ hội để phòng chống coronavirus
Ngày 31.1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn đề nghị các địa phương trong trường hợp cần thiết tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo ngưng các hoạt động lễ hội.
Cụ thể, công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 79 ngày 29.1.2020 và Chỉ thị số 05 ngày 28.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCov) gây ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa & Thể thao tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách.
“Trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 110 ngày 29.8.2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.
Thực hiện thông báo này của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngày 30.1.2020, Cục Văn hóa cơ sở đã gửi công văn tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ liên quan đến việc tổ chức Lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ để ngừng lễ hội “chọi trâu Phù Ninh”.
Cùng với đó, Lễ hội Lồng Tồng- Lễ Hội xuống đồng của dân tộc Tày xuân Canh Tý 2020 huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cũng sẽ không được tổ chức.
Hà Nội: Xem xét cho học sinh, sinh viên nghỉ học, khử trùng chống coronavirus
Sáng 31.1 tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến quán triệt công tác phòng, chống dịch bệnh Corona do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức.
Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo quan tâm và có nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do coronavirus gây nên, từ đó quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về công tác phòng chống dịch.
Đặc biệt, ngay trong ngày 31.1 và 1.2, các trường học phải quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về nội dung phòng chống dịch bệnh của cơ quan y tế chính thống. Nhà trường tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đeo khẩu trang khi đến lớp. Nếu gia đình nào gặp khó khăn thì nhà trường chủ động trang bị khẩu trang cho học sinh.
“Hiện có khá nhiều trường học hỏi về việc có nên cho học sinh nghỉ học hay không. Tôi xin trả lời rằng khi nào có khuyến cáo của cơ quan chức năng thì Sở sẽ thông báo chính thức việc có nghỉ học hay không. Hà Nội chỉ cho học sinh nghỉ học khi có khuyến cáo từ cơ quan có chức năng có thẩm quyền”, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin cho biết.
Bên cạnh đó, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường cần lưu ý bố trí nguồn nước sạch, xà phòng rửa tay, khuyến khích học sinh dùng bình nước cá nhân, không uống chung. Hàng ngày các trường, nhóm trẻ theo dõi sát diễn biến sức khỏe của giáo viên và học sinh, nắm sĩ số đầy đủ. Nếu bất kỳ ai có biểu hiện sốt, phải yêu cầu nghỉ, không tham gia các hoạt động, đồng thời phối hợp với gia đình theo dõi, đề nghị gia đình đưa đi khám để điều trị và kiểm soát.
“Trong 2 ngày cuối tuần các trường sẽ phun khử khuẩn 100% trường học. Hiện đang cập nhật số lượng học sinh, giáo viên để cấp khẩu trang miễn phí. Các trường được yêu cầu thành lập tổ công tác phòng chống dịch trong mỗi trường học trong đó bắt buộc phải có đại diện phụ huynh”, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân phát biểu cho biết.
Về công tác phun thuốc khử trùng tại các trường trong hai ngày 1 và 2.2, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị y tế địa phương để thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Các trường học chủ động phân công, cử người phối hợp với cơ quan chuyện môn và phải có mặt Ban giám hiệu nhà trường.
Việt Nam có nguy cơ thiếu khẩu trang y tế?
Hơn 30 doanh nghiệp chuyên cung cấp khẩu trang y tế của Việt Nam đang lo ngại khi hầu hết nguyên liệu đều nhập từ Trung Quốc. Còn tại quốc gia khởi phát dịch viêm phổi Vũ Hán thì đang khan hiếm khẩu trang.
“Hôm qua chúng tôi nhận được 20.000 chiếc khẩu trang nhưng đã phát hết về các đơn vị. Bệnh viện chúng tôi mỗi ngày có 3.000 - 4.000 bệnh nhân đến khám, đi kèm 1-2 người nhà, ngoài ra còn 1.400 – 1.900 bệnh nhân nội trú nên số khẩu trang trên chỉ đủ vài ngày”, đại diện Bệnh viện Nhi trung ương thông tin.
Vị này cho biết, nếu các công ty trúng thầu dừng cung cấp khẩu trang cho các bệnh viện sẽ vô cùng nguy hiểm vì đây là khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất.
“Virus corona lây truyền qua giọt bắn hô hấp như hắt hơi, ho, khẩu trang y tế giúp ngăn ngừa các giọt bắn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa người bệnh, người nhà và nhân viên y tế, giờ không có, nguy cơ lây lan dịch càng cao”, đại diện BV Nhi Trung ương khẳng định.
“Bộ chỉ yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng này phải chủ động, ổn định sản xuất và cung ứng, không được tăng giá, trục lợi, không được thu gom, đầu cơ và không được xuất đi các nước khi nhu cầu trong nước chưa đảm bảo”, Vụ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, điều khiến Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế lo ngại chính là việc tại Việt Nam có hơn 30 đơn vị đang sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế. Tuy nhiên, việc sản xuất mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu trong nước không chủ động được, hầu hết phải nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi tại quốc gia trên gần hiện cũng không đủ nguồn cung phục vụ ngành y tế và nhân dân.
Tại thời điểm này ở Việt Nam, các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay cũng đang khan hàng trên thị trường dù nhiều nơi giá cả thiết bị, vật tư bị nâng giá đắt đỏ.
Đồng thời, ông Tuấn cũng khẳng định, găm hàng khẩu trang, nước diệt khuẩn nhằm đẩy giá lên cao, vụ lợi sẽ bị xử phạt nghiêm minh.
“Chúng tôi đang trao đổi với vụ Kế hoạch - tài chính và các sở y tế để có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không găm hàng, đẩy giá. Với các cửa hàng thuốc nơi bán số lượng lớn khẩu trang thì có ngành dọc là các sở y tế. Trong Luật giá hay Luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định xử phạt nếu đầu cơ, tăng giá hàng hóa”, Vụ trưởng Tuấn nhấn mạnh.