Các nhà khoa học đã đi đến kết luận này dựa trên kết quả thí nghiệm khoa học thu hút 50 người tham gia. Các tình nguyện viên trong một cuộc khảo sát trực tuyến được thiết kế đặc biệt đã ghi nhận lại tình trạng của họ, bao gồm cảm giác ngái ngủ, tỉnh táo và các cảm giác khác, sau khi được đánh thức bằng các loại âm thanh đồng hồ báo thức khác nhau.
Quan sát cho thấy âm lượng, thời lượng của tín hiệu chuông và các thông số khác thực tế không ảnh hưởng đến chất lượng thức giấc. Trong khi đó, loại chuông báo thức có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của những người tham gia thí nghiệm.
Cụ thể, các tình nguyện viên thường ít có cảm giác ngái ngủ hơn vào buổi sáng khi được báo thức bằng tiếng chuông có giai điệu, chứ không phải tín hiệu chuông không tự nhiên, có âm thanh lớn và sắc nét. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng tiếng chuông càng du dương thì tình trạng ngái ngủ càng ít đi hẳn.
“Tất cả chúng ta trước đây đều cho rằng tiếng chuông báo thức “píp píp píp” sắc nét truyền thống sẽ đánh thức người ta nhanh nhất và hiệu quả nhất, nhưng các thí nghiệm của chúng tôi lại cho thấy rằng những tiếng chuông báo thức có giai điệu lại hữu hiệu hơn về mặt này. Đây là một bất ngờ lớn”, ông Stuart McFarlane, tác giả của công trình nghiên cứu cho biết.
Theo đồng tác giả của công trình này, phó giáo sư Adrian Dyer, loại tín hiệu chuông không tự nhiên và sắc nét, thường được phát ra từ các phương tiện báo động, sẽ làm gián đoạn hoạt động bình thường của não tại thời điểm tỉnh giấc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Các nhà khoa học hy vọng rằng những nghiên cứu bổ sung sẽ giúp họ xác định được giai hiệu âm thanh báo thức giúp con người tỉnh giấc một cách sảng khoái nhất.