Việt Nam vẫn phải trả nợ dù Cát Linh- Hà Đông chưa chạy thật
Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông đã thi công từ hơn chục năm nay, cũng đã hơn mười lần thất hứa lỗi hẹn với nhân dân, năng lực, uy tín và trách nhiệm của Tổng thầu EPC Trung Quốc cũng như những giải pháp mà Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện thực sự khiến người dân phải nghi ngờ, thậm chí là “nản lòng” khi gọi dự án này là “bảo tàng kinh nghiệm”, lỡ hẹn, đội vốn không biết bao nhiêu lần.
Mốc hẹn từ tháng 9.2016, rồi đến tháng 10.2017, tháng 12.2017, rồi dời sang 9.2018, rồi đến tháng 6.2019 và đến năm 2020 thì vẫn chưa hề có bất cứ thông báo gì nếu không muốn nói là “vô thời hạn với cái 1% còn lại”, dù nguyên nhân cũng đã được Bộ này chỉ ra, đó là do Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đủ tài liệu, hồ sơ để nghiệm thu dự án. Và cho dù khi Bộ GTVT cho rằng, dự án đã hoàn thành 100% thì vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm vận hành chạy thật.
Một động thái liên quan, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa qua đã có văn bản gửi Chính phủ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề rất cấp bách liên quan dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông “thi công mãi vẫn không xong để đưa vào vận hành thật”. Theo đó, đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của dự án Cát Linh- Hà Đông dù dự án vẫn chưa kết thúc và cũng chưa thể được bàn giao để chạy thật.
Cơ chế tài chính của dự án Cát Linh- Hà Đông mà Thủ tướng Chính phủ chấp nhận trước đó quy định, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí nguồn vốn đối ứng để trả nợ cho phía nước ngoài (Trung Quốc) phần vốn vay lại của dự án, các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng cho tới khi hoàn thành và bàn giao cho Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội. Tiếp đến, Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội nhận nợ trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án sau khi đã được Bộ GTVT bàn giao hoàn chỉnh.
Bộ GTVT đánh giá, theo cơ chế tài chính này, trước khi dự án được bàn giao cho UBND TP. Hà Nội, Bộ đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỷ đồng cho hạng mục trả nợ gốc phần vốn vay lại. Dân Trí dẫn báo cáo của Ban Quản lý dự án Đường sắt, hiện số nợ gốc đã trả cho Trung Quốc là 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư còn lại là 1,957 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giữa bối cảnh chồng chất những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án đường sắt đô thị trên cao và nhất là chưa thể khẳng định chính xác thời gian hoàn thành Cát Linh- Hà Đông để bàn giao cho thành phố Hà Nội, Ban Quản lý dự án đưa ra mức phát sinh dự kiến trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 là khoảng hơn 1.500 tỷ đồng (1552,709 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án cũng đề xuất phương án giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP.Hà Nội hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục bố trí trả nợ, nhằm hạn chế vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nghĩa vụ bên vay theo các Hiệp định mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết.
Tuy nhiên, vấn đề khiến Bộ GTVT còn lo ngại đó chính là việc gia hạn thời gian trả nợ gốc có những khó khăn nhất định trong quá trình hoàn thiện các thủ tục gửi cơ quan được ủy quyền cho vay lại để xem xét, thẩm định, quyết định. Trong khi đó, việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để bổ sung vối đối ứng bố trí trả nợ gốc phần vốn vay lại chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Trước tình hình khó khăn, cuối năm 2019, Bộ GTVT đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án giãn thời gian trả nợ gốc phần vốn cho vay lại cho đến khi hoàn thành dự án và chuyển giao trách nhiệm nhận, trả nợ từ Bộ GTVT sang UBND TP.Hà Nội. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất Thủ tướng giao Bộ Tài chính bố trí ngân sách để trả nợ nước ngoài khoản vay lại của dự án theo đúng hạn, đảm bảo uy tín trả nợ của Chính phủ.
Để đảm bảo uy tín trả nợ của Việt Nam cũng như góp phần nhanh chóng đưa dự án vào vận hành, Thủ tướng chấp thuận đề nghị trên, các Bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch- Đầu tư đã họp xem xét, thống nhất phương án bố trí nguồn vốn trả nợ gốc khoản vay lại cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho phía Tổng thầu EPC Trung Quốc.
“Hiệp định vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại việc chậm trả nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và có thể dẫn tới những hệ luỵ hết sức nghiêm trọng về kinh tế. Vì vậy, ngày 21.01.2020, Bộ GTVT đã có Quyết định số 100, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 để trả nợ gốc Hiệp định vay 250 USD của dự án, khoản kinh phí này đang chờ ý kiến thẩm tra của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước mới có thể giải ngân”, Bộ GTVT cho biết tại cuộc họp giao ban Bộ.
Theo đó, xem xét tình hình như hiện tại, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo đối với Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án.
Nếu như Bộ Tài chính không thể sớm xem xét gia hạn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước nhằm giảm bớt thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án Cát Linh- Hà Đông. Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các Hiệp định vay đã ký để đảm bảo trả nợ đúng hạn.
Trước đó, liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, Bộ GTVT đã báo cáo cho biết, nguyên nhân vì sao dự án Cát Linh- Hà Đông chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư thì ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án, tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư, chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.
Cát Linh- Hà Đông lỗi hẹn vì coronavirus: Thông cảm cho chuyên gia Trung Quốc?
Tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT cuối tháng 1.2020 vừa qua, hơn 100 chuyên gia Trung Quốc đang tham gia thi công dự án Cát Linh- Hà Đông hiện chưa thể sang lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vì lệnh “bế quan” do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp với chủng mới virus corona tại nước này.
Bộ GTVT cho biết, việc thiếu đội ngũ chuyên gia Trung Quốc khiến dự án thêm khó khăn trong việc hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác ngay trong năm 2020 này.
Một số ý kiến chuyên gia có chung nhận định rằng, việc các chuyên gia của dự án Cát Linh- Hà Đông chưa thể quay trở lại Việt Nam làm việc do dịch bệnh là “rủi ro, bất khả kháng”.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội trao đổi với Đất Việt về vấn đề này cho hay, do dịch viêm phổi Vũ Hán, chính phủ Trung Quốc đã hạn chế công dân xuất cảnh.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng hủy cấp phép các chuyến bay đã cấp và dừng cấp phép chuyến bay mới cho các hãng hàng không khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chưa hết, Việt Nam cũng đã tạm ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, không khuyến khích giao thương buôn bán cửa khẩu biên giới với Trung Quốc vào thời điểm này.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 3.2 cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thương mại, năng lượng, công nghiệp “tạm thời chưa tiếp nhận lao động, chuyên gia Trung Quốc trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết” cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
“Nếu cứ để chuyên gia Trung Quốc trở lại Việt Nam là trái với chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống dịch virus corona. Hơn nữa, để chuyên gia sang thì cũng phải cách ly họ 14 ngày, bộ phận y tế phải theo dõi, kiểm tra và thêm lực lượng phục vụ. Như vậy, phía Việt Nam lại phải gánh thêm nhiều gánh nặng nữa, nên tốt nhất là các chuyên gia Trung Quốc tạm thời chưa trở lại Việt Nam”, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết đồng thời lưu ý, đối với các chuyên gia tham gia thi công dự án như Cát Linh- Hà Đông, yêu cầu cấp thiết phải có mặt tại hiện trường để giám sát, đánh giá, nghiệm thu.
Đáng chú ý, trước đó, Bộ GTVT Việt Nam không nhận bàn giao đường sắt Cát Linh- Hà Đông do đơn vị thi công và Tổng thầu EPC Trung Quốc chưa chứng minh được chất lượng và tính an toàn đã cam kết trong hợp đồng, thỏa thuận ETC giữa hai bên. Ngoài ra, kể từ khi Chính phủ có báo cáo với Quốc hội về những vấn đề còn tồn tại ở dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, những chuyển biến mới của dự án hầu như là không đáng kể. Tư vấn độc lập ACT chỉ hoàn thành thêm một số báo cáo đánh giá an toàn. Cục Đăng kiểm hoàn thành cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời cho 13 đoàn tàu của dự án này. Do đó, dự án tiếp tục lùi sang đến năm 2020 và vẫn chưa biết khi nào sẽ hoàn thành, xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án như trong phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đại biểu Bùi Huyền Mai (Đoàn ĐBQH Hà Nội) về tháo gỡ khó khăn tại 3 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và trách nhiệm việc tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông chậm trễ hơn một thập kỷ.
Mặt khác, phía tư vấn ACT thông tin, việc tổng thầu EPC Trung Quốc chưa cung cấp được các chứng chỉ an toàn của 13 đoàn tàu, chưa có các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất khiến tư vấn chưa thể hoàn tất đánh giá “đã an toàn, có thể vận hành”.
Theo đó, muốn hoàn thành các hạng mục này sớm để đưa dự án về đích thì cần phải có một đội ngũ chuyên gia làm việc thường xuyên, nhưng hiện tại, các nhân sự người Trung Quốc chưa thể trở lại vì dịch virus corona đang hoành hành ở nước này cũng như gây lo ngại lớn cho Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
“Dự án Cát Linh-Hà Đông đằng nào cũng đã chậm rồi, huống chi dịch bệnh là tình huống bất khả kháng, hai bên phải thông cảm cho nhau. Mà không riêng gì dự án này, nhiều công trình khác, nhiều nhà máy sản xuất cũng bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Phải chấp nhận điều đó và ưu tiên hàng đầu hiện nay là phòng chống dịch”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám chia sẻ sự đồng cảm.
Đồng quan điểm này với nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, chuyên gia Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cũng nhận định, việc các lao động, chuyên gia Trung Quốc chưa thể quay lại Việt Nam làm việc do dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng và đó cũng là chủ trương của cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh dịch viêm phổi do coronavirus đang diễn biến phức tạp.
“Không thể nào vì một công trình, một dự án mà ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe của người dân. Khi dịch bệnh lắng xuống, các đơn vị sẽ khẩn trương làm việc để hoàn thành dự án, đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào vận hành”, chuyên gia Bùi Danh Liên nhấn mạnh.
Về việc Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục để hơn 100 chuyên gia của Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát được sang Việt Nam kịp thời, an toàn, không lây lan dịch bệnh, đáp ứng đúng tiến độ đường sắt Cát Linh- Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông mới đây cho hay, phải đến ngày 9.2, phía Trung Quốc mới có thông báo tiếp theo về việc có chấp nhận cho công dân xuất cảnh hay không.
Dự án Cát Linh - Hà Đông: Lỡ hẹn, đội vốn kỷ lục
Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông được Chính phủ Việt Nam ký kết với Chính phủ Trung Quốc thực hiện bằng vốn vay Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA). Thỏa thuận này có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư sau đó đã đội vốn lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng) sau hai năm chậm dự án.
Đáng chú ý, Bộ GTVT khi ấy là đơn vị thẩm định, phê duyệt cho Tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) - đơn vị mà chính Bộ này cũng lên tiếng thừa nhận, chưa bao giờ thi công đường sắt, trúng thầu.
3 năm sau, ngày 10.10.2011, dự án chính thức khởi công và lộ trình ấn định vận hành vào tháng 6.2014. Từ tháng 10.2014-tháng 6.2015 sẽ tổ chức chạy thử và đưa vào khai thác từ ngày 30.6.2015.
Tuy nhiên, đến tháng 7.2015, Tổng thầu EPC báo cáo tiến độ các nhà ga trên tuyến Cát Linh- Hà Đông chỉ đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ. Ông Đinh La Thăng là Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó đã yêu cầu thay đổi Tổng thầu và phải quyết đưa dự án về đúng đích 30.6.2016.
Đến đầu năm 2016, Cát Linh Hà Đông lại lỗi hẹn khiến ông Đinh La Thăng phải yêu cầu nhà thầu Trung Quốc chạy thử tàu vào tháng 9.2016 và tiến hành khai thác tuyến vào 31.12.2016. Thế rồi sau đó ông Thăng lại được điều chuyển công tác.
Bộ GTVT ra “tối hậu thư” buộc nhà thầu phải hoàn thành xây lắp dự án trước 31.12.2016 và vận hành chính thức vào cuối quý II năm 2017. Tuy nhiên, Tổng thầu EPC lại thất hứa và xin lùi đến năm 2018.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cam kết chốt tiến độ hoàn thành trong quý IV/2018, đồng thời sẽ chạy thử và thực hiện những công việc còn lại từ 3-6 tháng.
Đến hết năm 2018, tiến độ dự án một lần nữa “phá sản”, Tổng thầu Trung Quốc hứa sẽ đưa vào khai thác vào tháng 4.2019 nhưng tới hết năm tuyến đường sắt vẫn không thể đưa vào khai thác do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết.
Ngoài vấn đề tiến độ, tư vấn độc lập của Pháp còn đưa ra nhiều khuyến cáo về sự an toàn của tuyến đường sắt mà nhà thầu Trung Quốc thực hiện suốt 10 năm không xong. Trong khi đó, Tổng thầu thừa nhận “mất giấy tờ” khi không cung cấp được đầy đủ trong hồ sơ dự án mà tư vấn Pháp yêu cầu.