Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2020 và nỗi lo coronavirus
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp tháng 1/2020.
Về chương trình phiên họp thường kỳ tháng 1.2020, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, nội dung thảo luận chủ yếu là về tình hình kinh tế-xã hội, trong đó có tình hình đón Tết Âm lịch vừa qua, Chính phủ đồng thời cũng nghe báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do coronavirus chủng mới gây nên, nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng, đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề của dịch bệnh coronavirus.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ nghe báo cáo đánh giá tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán do coronavirus đối với các ngành và lĩnh vực liên quan của Việt Nam từ các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, tại phiên họp thường kỳ tháng đầu tiên của năm 2020 này, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ nghe báo cáo về đề nghị xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động, đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Biên phòng Việt Nam, về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý (tháng 1.2020 chỉ có 18 ngày làm việc). Các ngành nghề cơ bản như nông nghiệp vẫn phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, đây là mức cao nhất trong 4 năm qua. Vốn FDI thực hiện cũng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán.
Hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí.
PMI ngành sản xuất của Việt Nam tháng 1/2020 đạt 50,6 điểm, thể hiện sự cải thiện nhỏ về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, số lượng đặt hàng mới tiếp tục tăng; tuy nhiên đây là điểm thấp nhất trong 6 năm qua. Chỉ số này vẫn cao hơn chỉ số PMI ASEAN chỉ đạt 49,8 điểm (cao hơn tháng 11/2019 0,1 điểm), báo hiệu sức khỏe của lĩnh vực sản xuất trong ASEAN tiếp tục suy giảm.
Chính phủ Việt Nam xác định, dù chỉ mới bước vào năm 2020, nhưng đất nước đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi chưa xử lý dứt điểm. Dịch coronavirus diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội.
Tết chu đáo cho người dân, cả nước nỗ lực chống dịch coronavirus
Trong lời phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao kết quả công tác phục vụ Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 cho bà con nhân dân của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng nhận định, trước Tết, một lượng hàng hóa dồi dào đã được chuẩn bị tốt phục vụ nhân dân. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người ở vùng thiên tai được đảm bảo. Quản lý vĩ mô được thực hiện tốt, không có biến động lớn về giá cả hàng hóa. Nhiều chương trình Tết với nộ dung đa dạng, hình thức đặc sắc của các Đài Truyền hình, cơ quan báo chí được tổ chức, làm phong phú thêm về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Nghị định 100 sau khi ban hành đã được nhân dân đồng tình, hoan nghênh. An ninh trật tự trên địa bàn cả nước cơ bản được đảm bảo. Cũng ngay sau sáng Mồng 1 Tết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn đã đi kiểm tra thiệt hại do mưa đá tại các tỉnh phía Bắc.
“Chúng ta đã lo 1 cái Tết chu đáo cho người dân với trách nhiệm cao nhất của Chính phủ và các cấp các ngành”, Thủ tướng ghi nhận.
Nói vền vấn đề đang “nóng” trong thời điểm này là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, chủ động triển khai các biện pháp toàn diện, mạnh mẽ với các giải pháp cụ thể để phòng, chống, kiểm soát dịch và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại chủ trương chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Thủ tướng cho biết, đến nay, mặc dù là nước có giao thương lớn, có đường biên giới dài với Trung Quốc, Việt Nam về cơ bản đã ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh. Hiện trong nước đã phát hiện 10 ca nhiễm bệnh, trong đó chữa khỏi 3 trường hợp và chưa có trường hợp nào bị ảnh hưởng đến tính mạng. Tất cả những kết quả trên là cả sự cố gắng rất lớn của hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân triển khai các ý kiến chỉ đạo, chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Tuy nhiên, chúng ta không thể không có giải pháp mạnh mẽ để bảo đảm phát triển vì năm nay, chúng ta cam kết tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội giao. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ về tác động của dịch nCoV đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu năm nay”, Thủ tướng Việt Nam phát biểu và nhận định, trong lúc khó khăn như vậy, việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo phòng chống dịch đến người dân khá quyết liệt nhưng cũng phải đảm bảo nỗ lực duy trì các mục tiêu kinh tế-xã hội.
Thủ tướng: Lập đội phản ứng nhanh về kinh tế
Với tinh thần ấy, Thủ tướng nhấn mạnh, song song với việc triển khai công tác phòng, chống dịch, cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm đảm bảo tăng trưởng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
“Trong bối cảnh như vậy, tinh thần và thái độ của chúng ta như thế nào, đó là câu hỏi đặt ra tại phiên họp Chính phủ hôm nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Dù gặp phải những khó khăn liên tiếp xuất hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ “không đặt vấn đề giảm tăng trưởng, chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng trưởng đối với năm 2020”.
Thủ tướng bày tỏ hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì đã có những giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ, với những biện pháp tìm thị trường mới, tái cơ cấu sản xuất. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có chủ trương giảm lãi suất hỗ trợ xử lý dịch bệnh. Một số ngành khác cũng triển khai biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
“Có thể nói, những người chống dịch là những chiến sĩ xung kích bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những người sản xuất, kinh doanh để tăng cường bù đắp sự thiếu hụt cho nền kinh tế cũng là những người dũng cảm tiên tiến. Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để giảm sâu tăng trưởng trong điều kiện có thể. Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống virus nCoV thì chúng ta cũng phải thành lập những đội phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp lại sự giảm sút về kinh tế”, VGP dẫn phát biểu của Thủ tướng đề nghị.
Trong bối cảnh dịch bệnh, để thích nghi với điều kiện phát triển đặc biệt là về kinh tế, Thủ tướng yêu cầu đặt ra mục tiêu “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục để đưa nền kinh tế Việt Nam tiến bước, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành có các giải pháp cụ thể, phấn đấu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu; trước mắt cần khắc phục những khuyết điểm đặt ra như: Giải ngân vốn đầu tư công, chuyển hướng thị trường, cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, tái cơ cấu ngành hàng không; triển khai các công trình xây dựng cơ bản; cơ cấu lại phát triển du lịch…
Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đồng thời đề nghị các bộ, ngành xác định trước những khó khăn, thách thức; đưa ra các kịch bản, các phương án phù hợp. Bên cạnh những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cần có những giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.
“Chúng ta thấy hình ảnh nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rất hăng hái trong phát triển kinh tế TP. HCM- đã có dự án gần 1 tỷ USD. Ở Hải Dương, đã có những giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn. Tổng mức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp được thành lập”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng bày tỏ và khẳng định, điều đó cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ về sự tiến bước của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách.
Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình xấu để kích động tâm lý, ảnh hưởng đến phát triển. Yêu cầu đặt ra là “Chống dịch quyết liệt nhưng không được hoang mang dao động, không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và đang thực hiện rất tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an với tư cách Ủy viên không thường trực trong tháng 1 vừa qua.
Dự kiến, phiên họp diễn ra đến hết ngày 5.2.
Việt Nam đề xuất ASEAN phối hợp chống dịch coronavirus
Trước đó, ngày 4.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo về hợp tác giữa các nước ASEAN nhằm đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng điều phối ASEAN, đã gửi thư đến các nước ASEAN thể hiện tinh thần phối hợp hành động chung phòng, chống dịch do nCoV gây ra.
Việt Nam đã đề xuất ASEAN thành lập Nhóm công tác chung cấp Bộ trưởng với sự tham gia của các cơ quan về vận tải, xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới, lãnh sự và sẽ sớm tổ chức họp trực tuyến để kịp thời chia sẻ thông tin và điều phối hành động của các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong trao đổi điện đàm với người đồng cấp Việt Nam đánh đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhanh chóng, đồng bộ để ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh lan rộng. Lãnh đạo quốc gia xứ vạn đảo tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và với năng lực ngành y tế đã được minh chứng, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng ngăn chặn thành công dịch bệnh này.