Trong cuộc chiến thuế quan, Trung Quốc không thể phản ứng đối xứng với Mỹ do mất cân bằng thương mại. Ví dụ, khi cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trên cao trào căng thẳng, Hoa Kỳ đã áp thuế tới hơn 500 tỷ USD hầu hết tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp trả điều đó, Trung Quốc áp thuế quan lên 170 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Thuế Trung Quốc dao động từ 5 đến 25% tùy thuộc vào loại hàng hóa cụ thể. Các rào cản phi thuế quan, chẳng hạn như đưa một số công ty Mỹ vào danh sách các pháp nhân không đáng tin cậy, là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Ngoài ra, nhiều biện pháp của Hoa Kỳ nhằm chống lại Trung Quốc đã gây tổn hại cho các công ty Mỹ. Ví dụ, sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa Huawei vào danh sách đen và các đối tác Mỹ bị cấm bán linh kiện và phần mềm cho công ty Trung Quốc nếu không có sự cho phép đặc biệt, hóa ra các doanh nghiệp Mỹ có thể bị giảm doanh thu hơn 10 tỷ USD vì mất một khách hàng lớn như vậy.
Thỏa thuận giai đoạn 1 mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ký kết vào tháng 1, là một thỏa thuận tạm thời với sự nhượng bộ lẫn nhau để tiếp tục giải quyết cuộc đối đầu thương mại. Hoa Kỳ cam kết hủy đợt áp thuế mới dự kiến vào tháng 12, đồng thời giảm thuế với 120 tỷ USD hàng hóa xuống 7,5%. Còn Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD nông sản, năng lượng và hàng hóa khác của Mỹ. Văn bản thỏa thuận giai đoạn 1 không nói gì về việc Trung Quốc cam kết giảm thuế. Trên thực tế, điều này không cần thiết: vì có những con số cụ thể về khối lượng hàng hóa phải mua, thuế quan lên sản phẩm này không còn quan trọng nữa.
Ngay sau khi ký thỏa thuận giai đoạn 1, một số chuyên gia Mỹ đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc có thể thực hiện lời hứa của mình hay không. Đặc biệt là các quan chức ở Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ sẽ gia tăng nhập khẩu từ Mỹ tùy theo yêu cầu của thị trường. Các chuyên gia chỉ ra rằng, Trung Quốc đang đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mình, kể cả thông qua nhập khẩu. Và Bắc Kinh sẽ thực hiện cam kết của mình chỉ trong hai trường hợp: Trung Quốc chỉ đơn giản thay thế nguồn cung hàng hóa từ các quốc gia khác bằng hàng hóa Mỹ, hoặc nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng mạnh do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Sự bùng phát dịch coronavirus đã làm dấy lên những nghi ngờ mới về khả năng của Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình. Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nhận định rằng, dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của virus corona sẽ gây trở ngại cho việc thực thi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Việc Trung Quốc tuyên bố cắt giảm thuế đối với một nửa số hàng nhập khẩu từ Mỹ ngay bây giờ cho thấy rằng, Bắc Kinh muốn thuyết phục các đối tác của mình rằng, mặc dù xảy ra sự kiện bất khả kháng, họ vẫn sẵn sàng thực hiện mọi cam kết của mình. Chuyên gia Zheng Anguang từ Trung tâm Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
“Hai bên đã ký kết thỏa thuận giai đoạn 1. Mặc dù Trung Quốc bất ngờ đối mặt với đại dịch coronavirus, nhưng, trong triển vọng dài hạn, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các cam kết của mình và sẽ thực hiện các chính sách liên quan. Tất nhiên, virus corona có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 2, nhưng, điều này chủ yếu liên quan đến thời gian tổ chức các cuộc gặp. Hiện nay, thời gian tổ chức cuộc đàm phán không phải là ưu tiên đối với các cơ quan chức năng, bây giờ chúng ta cần phải tập trung nỗ lực giải quyết tình huống khẩn cấp với dịch bệnh. Nhưng về lâu dài, tôi chắc chắn rằng, coronavirus sẽ không ảnh hưởng đến cuộc đàm phán Trung-Mỹ. Tất nhiên, virus đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và thương mại Trung Quốc, nhưng đây là những yếu tố được kiểm soát”.