Ở Việt Nam, dịch viêm phổi do chủng coronavirus mới đã lây đến thế hệ F3.
Trung Quốc cảm ơn Việt Nam hỗ trợ chống dịch coronavirus
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi lời bày tỏ cảm ơn đối với Việt Nam sau khi tiếp nhận lô hàng mà Hà Nội hỗ trợ nước này trong công tác phòng, chống dịch viêm phổi cấp do coronavirus gây ra trị giá 500.000 USD được chuyển tới thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 10.2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ sự biết ơn với các nước đã viện trợ cho nước này trong cuộc chiến chống coronavirus, trong đó có Việt Nam, Nga và một số nước châu Phi khác đã cùng chung tay giúp đỡ.
“Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, lô hàng và trang thiết bị y tế được chính phủ Việt Nam hỗ trợ đã chuyển đến thành phố Vũ Hán hôm 10.2. Chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả vì sự hỗ trợ và giúp đỡ đối với Trung Quốc trong giai đoạn khó khăn này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh hôm nay.
Trước đó, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, chính chuyến bay đặc biệt đầu tiên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) mang số hiệu HVN68 đã vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân cùng Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, đồng thời giúp đưa 11 công dân Trung Quốc về Vũ Hán sau đó đón 30 công dân Việt Nam về nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng khẳng định Việt Nam luôn dành cho quốc gia láng giềng những trang thiết bị vật tư và hy vọng Chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Đây là các trang thiết bị, vật tư y tế tốt nhất Việt Nam đang có trong bối cảnh Việt Nam cũng rất cần những thiết bị này để chống lại ảnh hưởng của virus corona mới (nCoV). Chúng tôi mong chúng sẽ góp phần động viên và hỗ trợ nhân dân Trung Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng nhấn mạnh.
Bộ Y tế: Ca nhiễm coronavirus thứ 15 của Việt Nam là bé gái 3 tháng tuổi
Ngày 11.2, Bộ Y tế thông tin về trường hợp thứ 15 cho kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus chủng mới (nCoV-2019). Đáng chú ý, em bé này mới chỉ ba tháng tuổi và lây bệnh từ bà ngoại.
Theo Bộ Y tế, bệnh nhân N.G.L, giới tính nữ, 3 tháng tuổi, mới sinh ngày 5.11.2019, địa chỉ cư trú xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đường lây nhiễm Bộ Y tế chỉ ra có liên quan đến bệnh nhân Nguyễn Thị Dự, 23 tuổi, là một trong 8 công nhân trở về từ Vũ Hán, từng nhiễm coronavirus đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đã bình phục, xuất viện chiều 10.2 vừa qua.
Bé N.G.L cũng là cháu ngoại bệnh nhân P.T.B (mẹ của chị Nguyễn Thị Dự).
Bộ Y tế cho biết, ngày 28.01.2020, bệnh nhân N.G.L được mẹ đưa đến nhà bà ngoại P. T. B chơi và hai mẹ con ở cùng nhà bà ngoại trong 4 ngày tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi xác định bệnh nhân P. T. B (bà ngoại) bị mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành điều tra lập danh sách người tiếp xúc gần trong đó có cháu N.G.L và mẹ cháu. Trong quá trình theo dõi người tiếp xúc gần hàng ngày theo quy định, y tế cơ sở phát hiện ngày 6.2.2020, cháu N.G.L có biểu hiện ho và chảy nước mũi, không rõ sốt. Ngay sau đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Hiện tại, do bệnh nhân N.G.L còn quá nhỏ, nên em và mẹ đang được cách ly cùng nhau tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và đang trong tình trạng ổn định. Hiện tại, mẹ cháu L vẫn khỏe mạnh, đang được theo dõi chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm chờ kết quả từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Nguồn lây nhiễm coronavirus tại Vĩnh Phúc liên quan đến nhóm 8 công nhân Công ty Nohon Plast của Nhật Bản được cử đi tập huấn ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhóm cùng nhau về nước hôm 17.1, sau đó đến công ty họp và làm việc, về quê ăn Tết, gặp gỡ nhiều người, di chuyển nhiều nơi. Nguyễn Thị Dự là người đầu tiên trong nhóm có biểu hiện bệnh viêm phổi gồm sốt, ho, ngày 25.1 cách ly ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.
5 người khác trong nhóm lần lượt xác định nhiễm coronavirus, cách ly điều trị. 2 người còn lại hiện chưa có dấu hiệu bệnh. Trước khi được cách ly ở bệnh viện, bệnh nhân Dự đã lây nCoV cho 4 người trong cộng đồng. Em bé 3 tháng tuổi là người thứ 5 lây nhiễm có liên quan đến chị Nguyễn Thị Dự. Đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết ngày Tết bé cùng người thân đã gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người, trong đó có bà ngoại dương tính với coronavirus, nên ở trong danh sách cách ly giám sát.
Bộ Y tế Việt Nam cho hay, tính đến 11h ngày 11.2, Việt Nam đã ghi nhận 15 ca dương tính với coronavirus. Trong đó, riêng tỉnh Vĩnh Phúc đã có 10 người nhiễm bệnh, TP.HCM 3 người, Khánh Hòa 1 trường hợp và Thanh Hóa 1 trường hợp. Chưa có ca nào tử vong. 6/15 người đã khỏi bệnh và được xuất viện. Số ca xét nghiệm âm tính là 789 trường hợp. Số ca nghi ngờ đã loại trừ là 723. 64 trường hợp tiếp tục cách ly theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm coronavirus ra cộng đồng. Đây là những người nghi ngờ nhiễm với các biểu hiện ho, sốt, có tiền sử liên quan đến vùng dịch. Ngoài ra, Việt Nam còn có 483 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu ho sốt nhưng có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm coronavirus.
15 người dương tính với coronavirus chủng mới là 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 6 người Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (4 người đã khỏi và xuất viện); 5 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV (01 người đã khỏi và xuất viện); 1 người Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc. 1 bệnh nhi 3 tháng tuổi, có tiếp xúc gần với bệnh nhân nCoV.
Tình hình nhiễm coronavirus ở Việt Nam có phức tạp lên?
Sau khi Bộ Y tễ xác nhận ca thứ 15 nhiễm coronavirus của Việt Nam là bệnh nhi chỉ mới ba tháng tuổi, dư luận xã hội đã dấy lên nhiều lo ngại về các đối tượng dễ bị lây nhiễm cũng như việc liệu ca bệnh mới này có thể làm cho tình hình nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới coronavirus gây nên phức tạp hơn ở Việt Nam.
Lên tiếng về trường hợp đặc biệt thứ 15 nhiễm bệnh này, trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, thông tin cho biết đây vẫn là ca bệnh lây trong cộng đồng ở Vĩnh Phúc và có nguồn gốc tiền sử liên quan đến vùng có dịch là thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tình huống đối tượng dễ bị ảnh hưởng là trẻ nhỏ nhiễm bệnh đã được tính trước. PGS. Trần Đắc Phu khẳng định, điều này không nằm ngoài dự đoán của ngành y tế Việt Nam.
“Do trẻ con ít đi lại nên được đánh giá sự lây lan không nhiều, không phải do hệ miễn dịch có thể chống lại virus. Bản chất việc lây bệnh là có tiếp xúc hay không nên bất cứ ai cũng có khả năng nhiễm virus. Đó là lý do chúng ta cho học sinh các cấp nghỉ học, bao gồm cả trẻ mầm non”, PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải.
“Khi đứa trẻ (như trường hợp của bé N.G.L) ở chung với một người bệnh trong 4 ngày thì lây là điều dễ hiểu. Tất cả đều có nguy cơ lây bệnh như nhau”, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đồng thời khẳng định, trẻ sơ sinh nhiễm bệnh không phải là điều lạ.
Đối với phương hướng điều trị cho bệnh nhi chỉ mới ba tháng tuổi này, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho hay, phác đồ điều trị của Bộ Y tế không có sự khác biệt giữa người lớn và trẻ nhỏ. Theo đó, bé bị viêm đường hô hấp trên (xoang, đường mũi, hầu họng, thanh quản) không cần điều trị. Hiện tại, bệnh nhi này chỉ cần bù đủ nước bằng cách cho bú nhiều cữ.
Với 10/15 ca nhiễm coronavirus ở tỉnh Vĩnh Phúc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, Vĩnh Phúc chính là “tâm dịch” của Việt Nam. Nhiều biện pháp quyết liệt đã được Chính phủ và địa phương thực hiện nhằm ngăn chặn lây lan và đối phó với dịch bệnh.
“Qua ca bệnh này, chúng ta thấy rõ dịch bệnh lây rất mạnh, dù các ca bệnh không nặng. Nếu không khoanh vùng, cách ly, giải quyết tốt vấn đề, dịch sẽ lây lan nhanh. Chúng ta cần vào cuộc quyết liệt, trong đó, từng người dân phải có ý thức tự biết cách phòng bệnh, có ý thức cộng đồng cao. Nếu các ngành làm tốt, người dân lại không hợp tác, bỏ mặc thì rất khó”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định.
Hiện tại, ở Vĩnh Phúc đã chỉ đạo lập chốt kiểm dịch tại xã Sơn Lôi, các khu công nghiệp. Chính quyền địa phương chỉ đạo kiểm soát 100% doanh nghiệp, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh này.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo dự kiến đưa 249 người đang cách ly tại nhà, tức cách ly ở cộng đồng, về cách ly tập trung ở Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc. Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết bệnh viện dã chiến sẽ có quy mô khoảng 300 giường bệnh sau khi trưng dụng Trường Văn hóa nghệ thuật. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu lực lượng công an giám sát chặt chẽ việc cách ly người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các địa phương thực hiện giám sát tốt việc cách ly trong giai đoạn hiện nay.
Nhận xét về diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, hiện tại mọi người nên hạn chế đi lại, chuẩn bị bệnh viện dã chiến và phân tuyến điều trị.
“Điều quan trọng nhất là phải bảo vệ yếu tố nguy cơ. Đó là những người mang thai, lớn tuổi, có yếu tố bệnh nền, dễ dẫn đến biến chứng nặng. Vì vậy, các đối tượng này không nên đến những nơi đông người, giữ gìn vệ sinh, tăng cường đề kháng”, BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Trước đó, cũng đồng quan điểm về điều trị các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, không di chuyển các bệnh nhân nhiễm bệnh, điều trị ngay tại địa phương để tránh nguy cơ lây lan.
“Bệnh xảy ra ở khu vực nào, địa phương đó tiến hành cách ly, điều trị tại đấy, vì trong quá trình di chuyển rất dễ lây lan bệnh ra cộng đồng, trừ trường hợp bệnh nhân vượt khả năng điều trị mới vận chuyển đưa lên tuyến trên điều trị”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Về trường hợp chị Nguyễn Thị Dự lây bệnh cho nhiều người, vị chuyên gia cũng nhận định đây không phải là trường hợp siêu lây nhiễm.
“Siêu lây nhiễm phụ thuộc tính lây lan và sống ngoài cộng đồng của virus và độ cảm miễn của cộng đồng. Với virus corona, người ta tính mức độ lây từ 1,4-2,5, chưa là gì so với các dịch khác như sởi, thủy đậu, rubella, quai bị, ho gà”, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết.
Coronavirus mới đã lây sang thế hệ thứ ba (F3) tại Việt Nam
Phát biểu tại buổi họp báo thông tin về tình hình điều trị bệnh do virus corona mới, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, tại Việt Nam đã có ca bệnh thứ 15, là ca lây nhiễm từ bà ngoại sang cháu, trong đó bà ngoại lây từ con gái. Điều này cho thấy, dịch viêm phổi do chủng coronavirus mới đã lây đến F3.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin, cháu bé bị nhiễm bệnh chỉ mới 3 tháng tuổi. Như vậy, hiện ở Việt Nam đã có đủ các nhóm lứa tuổi mắc bệnh, từ trẻ nhỏ đến người già. Trong khi đó, hai bệnh nhân người Trung Quốc được điều trị tại BV Chợ Rẫy đã có kết quả xét nghiệm âm tính, sắp được cho ra viện.
Mới đây, Bộ Y Tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 700 bệnh viện. Bộ đã quán triệt mục tiêu thu dung và điều trị kịp thời, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Hiện Bộ cũng đã cử độ ngũ chuyên gia chi viện cho Vĩnh Phúc trong các lĩnh vực y tế dự phòng, truyền nhiễm, nhi khoa. Thời gian sắp tới sẽ cử chuyên gia trực tiếp đến huyện Bình Xuyên.
Về tình hình cháu bé, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết bệnh nhi vẫn đang được kiểm soát tốt. Nếu tình trạng trở nặng, bệnh nhân sẽ được điều trị kịp thời. Các bệnh viện đang được phân công điều trị tại Vĩnh Phúc đã đưa bệnh nhân khám ở tuyến huyện với những triệu chứng nhẹ. Hiện tại, Trung tâm Y tế Bình Xuyên hiện đã có đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ, đồng hành cùng theo dõi và điều trị cho bệnh nhân. Lúc này, sức khoẻ 2 bệnh nhân ổn định, sắp được về nhà và tiếp tục giám sát tại gia đình bởi y tế tuyến xã.
“Hiện chưa đưa bệnh nhân nào ở Trung tâm Y tế Bình Xuyên về tỉnh Vĩnh Phúc vì tuyến dưới đang điều trị tốt”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, việc phân tuyến điều trị hiện nay là hợp lý và đúng với đặc tính của căn bệnh do chủng mới gây ra, dù thông tin về loại virus này vẫn chưa đầy đủ.
Về phân tuyến điều trị, ông Khuê cho hay, các bệnh nhân tại miền Bắc có tình trạng bệnh nhẹ, không phải dùng máy thở nên có thể giữ bệnh nhân điều trị tại tuyến huyện. Cả ba trường hợp điều trị khỏi bệnh được cho xuất viện đều được tập trung tại bệnh viện, cách xa trung tâm thành phố nhằm tránh lây lan dịch ra cộng đồng.
Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược cách ly toàn bộ bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với 500 giường bệnh. Hiện tại, 30 người từ Vũ Hán trở về đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ngoài ra, trong bối cảnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa có chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng bố trí 20-40 giường bệnh phòng trường hợp có trẻ bị trở nặng.