Chuyên gia quân sự Vladimir Evseev của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISI) đưa ra dự báo này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik. Vào ngày 11 tháng 2, Philippines đã chính thức thông báo cho Hoa Kỳ về việc chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA).
Với thông báo này được gửi đến Đại sứ quán Mỹ ở Manila, Philippines đã bật đồng hồ đếm ngược. Thỏa thuận VFA sẽ hết hiệu lực sau 180 ngày. Vào ngày 12 tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã gọi quyết định của Philippines là động thái đi sai hướng trong mối quan hệ lâu đời giữa hai nước.
Thỏa thuận này có hiệu lực từ năm 1998. Nó xác định cơ sở pháp lý để gửi các đơn vị quân đội Mỹ đến Philippines tham gia các cuộc tập trận chung, đồng thời quy định các quy tắc cho việc điều luân phiên quân đội Mỹ đến các căn cứ quân sự tại Philippines. Tờ The New York Times trích dẫn ý kiến của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề quân sự và chính trị R. Clarke Cooper nói rằng, thỏa thuận VFA cho phép khoảng 300 cuộc tập trận chung hàng năm giữa quân đội Mỹ và Philippines.
Các nhà quan sát cho rằng, quyết định của Philippines là bước đi đầu tiên hướng tới việc chấm dứt quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ. Việc hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chiến lược quân sự của Mỹ trong khu vực, Tiến sĩ Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vụ hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
“Sau khi thỏa thuận VFA hết hiệu lực, Hoa Kỳ sẽ mất trung tâm chính để duy trì các căn cứ quân sự tiền phương ở Đông Nam Á và Biển Đông, cũng như để mở rộng quy mô hoạt động. Việc mất quyền tự do tiếp cận các cảng và cắt đứt quan hệ đối tác chặt chẽ với Philippines sẽ hạn chế khả năng của Mỹ phản ứng kịp thời trước những tình huống không lường trước được ở Đông Á, sẽ khiến “cái ô an ninh” của Hoa Kỳ chuyển đến Thái Bình Dương. Hoa Kỳ sẽ tìm cách điều chỉnh chiến lược trong khu vực và sẽ tìm kiếm những đối tác khác để lấp đầy khoảng trống. Trong khi đó, không có bất kỳ ai trong số các quốc gia trong khu vực có thể cung cấp những lợi thế mà Philippines đã cung cấp cho Mỹ về mặt vị trí địa lý, khả năng tương tác, thiết bị, hậu cần và cơ chế hỗ trợ".
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia quân sự Vladimir Evseev của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISI) cũng nói lên ý kiến rằng, quyết định của Philippines sẽ khiến Hoa Kỳ rơi vào tình huống khó khăn:
“Đối với Hoa Kỳ, nước đang đặt cược vào việc kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đây là một cuộc gọi đáng báo động cho thấy rằng, ngay cả trong một khu vực mà Mỹ cho là nằm dưới sự kiểm soát của họ, vẫn có những quốc gia không đồng ý với chính sách đối ngoại của Washington. Hơn nữa, những quốc gia này chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Cuộc chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng cường”.
Đồng thời, những nỗ lực của Mỹ lôi kéo các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines vào cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực là không hiệu quả, chuyên gia Vladimir Evseev nói. Tấm gương Philippines cho thấy rằng, Hoa Kỳ không thành công trong việc biến các đồng minh thành công cụ ảnh hưởng của họ bởi vì các quốc gia này có lợi ích riêng. Không ai trong số họ muốn tranh cãi với Trung Quốc, vì điều này dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể.
Chuyên gia Vladimir Evseev cũng dự đoán rằng, ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng tại Philippines trong bối cảnh mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ bị suy yếu. Đồng thời, chuyên gia nhắc nhở rằng, quân đội Philippines chủ yếu được trang bị vũ khí của Mỹ, vì vậy Philippines vẫn phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong việc sửa chữa, bảo dưỡng và hiện đại hóa vũ khí.
Về phần mình, chuyên gia Zhang Jie từ Viện châu Á-Thái Bình Dương và Chiến lược Toàn cầu tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhắc nhở về việc, mối quan hệ quân sự của Manila với Hoa Kỳ hoặc với Trung Quốc luôn là một chủ đề nhạy cảm trong dư luận Philippines. Do đó, theo bà Zhang Jie, không có mối liên hệ bắt buộc nào giữa việc giảm bớt quan hệ với Mỹ và việc củng cố quan hệ với Trung Quốc:
“Theo tôi, vẫn còn nhiều điều chưa rõ trong việc chấm dứt thỏa thuận này. Việc rút khỏi thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực trong 180 ngày sau khi thông báo chính thức về điều đó. Trong thời gian này sẽ tổ chức nhiều cuộc họp của các nhân vật cao cấp trong quân đội Mỹ và Philippines, sẽ tổ chức cuộc đàm phán ở cấp cao. Trong nhiều năm liền, liên minh quân sự Mỹ-Philippines đã có một cơ sở vững chắc trong xã hội Philippines. Tổng thống Duterte tuyên bố chấm dứt thỏa thuận VFA, nhưng, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng và những sĩ quan cấp cao trong quân đội Philippines có ý kiến khác về điều này. Phe đối lập ở Philippines vẫn rất mạnh. Tổng thống nói, Philippines cần có một chính sách "độc lập" trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng, sự hỗ trợ quân sự từ Hoa Kỳ là rất lớn, vì vậy trong ngắn hạn, Philippines sẽ không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực này".
Ngoài ra, không có mối liên hệ bắt buộc nào giữa việc giảm bớt quan hệ với Mỹ và việc củng cố quan hệ với Trung Quốc. Trên thực tế, trong xã hội Philippines có những ý kiến khác nhau về việc "tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc". Đây là một chủ đề rất nhạy cảm và thậm chí đau đớn. Kể từ năm 2016, sự hợp tác Trung-Philippines đã phát triển chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế. Trong khi đó chưa ghi nhận những thay đổi tích cực nào trong sự hợp tác phòng chống các mối đe dọa an ninh truyền thống. Do đó, ngay cả việc hủy bỏ thỏa thuận VFA cũng không có nghĩa là mối quan hệ an ninh Trung-Philippines sẽ tiến triển nhanh chóng.
“Tổng thống Trump và một số người khác muốn cứu VFA, nhưng tôi đã nói không đời nào”, - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố trong một bài phát biểu tại Manila vào ngày 11 tháng 2. Bloomberg dẫn lời ông Duterte.