Nhưng tất nhiên chủ đề chính và nóng nhất là diễn biến với coronavirus, cuộc đấu tranh chống dịch bệnh và những tổn thất mà nó gây ra. Với đề tài này, chúng tôi sẽ mở đầu tổng quan hàng tuần «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Biện pháp hành chính và hệ quả kinh tế
Trong số 16 trường hợp nhiễm coronavirus tại Việt Nam thì 11 trường hợp phát hiện trong cộng đồng dân cư xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Để ngăn chặn sự lây lan của virus sang các khu vực và tỉnh thành khác của Việt Nam, chính quyền đã quyết định thiết lập vùng cách ly kiểm dịch và cấm 10 nghìn cư dân của xã rời khỏi địa phương trong vòng 20 ngày, - theo The Japan Times thông báo. Chính quyền địa phương đã cho mở các cửa hàng trên địa bàn xã và cung cấp cho cư dân cả thực phẩm và khẩu trang.
The Star Online dành bài báo nói về tác động của dịch bệnh do coronavirus và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố hiện tại không có cơ sở nào để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và ông nhấn mạnh rằng «cần phải chống cả hai loại virus, một là nCoV và một loại nữa là «virus trì trệ», không chịu làm việc, lấy lý do có dịch bệnh nên không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước». Reuters viết về các ưu đãi của Chính phủ dành cho nền kinh tế, cụ thể như hỗ trợ tín dụng, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ nông dân bị ảnh hưởng bởi thứ virus này. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến ở mức 6,25% trong thời gian kiềm chế dịch ở quý I và 5,96% trong quý II, - các chuyên gia nhận xét.
CNA thông báo rằng hãng hàng không «Vietnam Airlines» chịu lỗ tới 10,8 triệu USD mỗi tuần do cắt giảm các chuyến bay vì dịch bệnh coronavirus. The Star Online đưa tin các công ty dệt may đang tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu thô ở Malaysia và Ấn Độ để thay thế bạn hàng Trung Quốc đang tê liệt trong bão dịch. Theloadstar kể về những dòng xe tải chở đầy trái cây bị thối hỏng do mắc kẹt ở biên giới với Trung Quốc. Hồi tháng 1, theo dữ liệu của Bộ Công Thương Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam giảm sút 14,3% so với năm trước do coronavirus. Trong nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp Việt Nam, khoảng 50% các thành phần cần thiết được sản xuất tại Trung Quốc, và sự gián đoạn từ nguồn cung ắt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nội địa và tiếp theo là xuất khẩu.
BFM cho biết rằng đợt chạy thử tuyến tàu điện trên cao ở Hà Nội dự kiến vào tháng 2 đã bị hoãn do thực tế các chuyên gia Trung Quốc không thể trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ. The New York Times phản ánh rằng Việt Nam đang cố gắng tăng xuất khẩu hàng nông sản sang Ấn Độ để giảm thiểu tác hại mà coronavirus gây ra cho nền thương mại của đất nước Đông Nam Á này với Trung Quốc, vốn luôn là đối tác thương mại lớn nhất.
Cuộc chiến chống tham nhũng, Mê Kông và Hiệp định với EU
Forbes dành một bài viết lớn nói về hoạt động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm nay. Nếu bên cạnh vấn đề Biển Đông mà Việt Nam có thể nêu cả vấn đề về Mê Kông với việc Trung Quốc xây dựng đập không chính đáng, thì sẽ là thành tựu lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với toàn bộ lưu vực sông Mê Kông phía nam Trung Quốc, - tờ báo viết.
The Diplomat nêu câu hỏi liệu năm 2020 cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam có được tiếp nối với cường độ như trước hay không, khi mà đã thông qua quyết định biện pháp kỷ luật 2 Uỷ viên Bộ Chính trị, 21 cán bộ diện Trung ương và 23 vị tướng trong số 38 sĩ quan cao cấp của quân đội và công an. Cũng tờ báo này lưu ý đến cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam với người đồng cấp Nga, còn báo The Hindu viết về những chiếc tàu tuần tra cao tốc mà Ấn Độ đang chế tạo dành cho Việt Nam.
Một số tờ báo và tạp chí tuần qua có bài viết về sự kiện Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và lợi ích của thoả thuận này đối với cả hai bên. Reuters nhận xét rằng EU đã đồng ý mở thị trường của mình cho Việt Nam sau khi đóng cửa giao dịch với Campuchia, như là phần thưởng cho những thành tựu của Hà Nội trong lĩnh vực bảo đảm lao động và áp dụng trừng phạt Phnom Penh vì vi phạm nhân quyền. Cũng có lưu ý trong bài báo đăng trên The Guardian về những vấn đề của cộng đồng LGBT ở Việt Nam.
Liệu cuộc đua Formula-1 có diễn ra tại Việt Nam?
Kết luận tổng quan báo chí tuần này là một chút về thể thao. GrandPrix báo tin rằng FIA đã dẹp cuộc đua F1 ở Trung Quốc và để ngỏ khả năng hủy cuộc đua ở Việt Nam, vốn dự kiến vào ngày 3-5 tháng 4. Theo tính toán, tổn thất doanh thu F1 do hủy Grand Prix Trung Quốc là khoảng 30 triệu USD, và con số đó sẽ tăng gấp đôi nếu cuộc đua ở Việt Nam chung số phận. Còn The Star Online viết rằng Vietnam Grand Prix Corporation xác nhận rằng hỗ trợ cho Formula-1 VinFast Vietnam Grand Prix 2020 sẽ có hai cuộc đua là Porsche Carrera Cup Asia và Thailand Super Series.
SportBusiness thông báo rằng CLB bóng đá «Sài Gòn» sẽ kết hợp với đội bóng mạnh hàng đầu của J-League là Tokyo FC mở Học viện đào tạo cầu thủ, còn trên trang điện tử FIFA dành bài viết khen ngợi ngôi sao bóng đá Việt Nam Nguyễn Tiến Linh.