Tuyên án cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng vụ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ALC II
Chiều 21.2, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sau ba ngày xét xử đã tiến hành tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ sai phạm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc ngân hàng Agribank vay vốn sai quy định làm thiệt hại cho nhà nước tới 1.700 tỷ đồng.
Trước đó, các bị cáo Nguyễn Huy Ban, cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Nguyễn Phước Tường, cựu Kế toàn trưởng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hoàng Hà, cựu Trưởng phòng Kế hoạch- tổng hợp, Ban kế hoạch- tài chính Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trần Tiến Vỹ, cựu Trưởng phòng kế thoạch- tổng hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.
Tất cả các bị cáo này đều bị xét xử liên quan đến tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại các phiên xét xử sơ thẩm cũng như diễn biến trong phiên toàn, về cơ bản, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. HĐXX căn cứ lời khai của người làm chứng, tài liệu chứng cứ thu thập được, hoàn toàn có đủ cơ sở kết luận những bị cáo trong vụ án này có hành vi vi phạm pháp luật như trong cáo trạng nêu rõ.
Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Lê Bạch Hồng, đã ký và chỉ đạo thực hiện ba hợp đồng cho phép ALC II vay vốn sai quy định, đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho nhà nước 434 tỷ đồng.
Cựu Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Huy Ban đã ký và chỉ đạo thực hiện tổng cộng 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỷ đồng không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tưu Quỹ Bảo hiểm xã hội khiến Nhà nước thiệt hại hơn 1.263 tỷ đồng (tính cả tiền lãi).
Trong phiên xét xử, cơ quan tố tụng nhận định, bị cáo Nguyễn Huy Ban giữ vai trò chính trong vụ án, là người đầu tiên quyết định cho ALC II vay vốn trái quy định của Nhà nước, sau đó ALC II phá sản không còn khả năng trả nợ, gây hậu quả thiệt hại trên 1.200 tỷ đồng. Bị cáo Lê Bạch Hồng là người giữ vai trò sau bị cáo Nguyễn Huy Ban, là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện hai hợp đồng cho ALC II vay vốn trái với quy định của Nhà nước, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam hơn 154 tỷ đồng.
Bên cạnh nhưng sai phạm nghiêm trọng này, HĐXX cũng nhận định, các bị cáo là người có nhân thân tốt, có công với Cách mạng và đã được Nhà nước thưởng nhiều huân huy chương.
Ngoài ra, trong quá trình công tác trước đây, các bị cáo cũng có chỉ đạo, điều hành giúp Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoạt động hiệu quả, có lãi. Dựa trên cơ sở đó, HĐXX nhận định, có cơ sở để giảm án cho các bị báo.
Theo đó, HĐXX phiên tòa phúc thẩm tuyên phạt, cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Lê Bạch Hồng bị tuyên phạt 5 năm ba tháng tù (giảm 9 tháng tù so với bản án sơ thẩm), bị cáo Nguyễn Huy Ban lĩnh 12 năm tù, giảm 2 năm tù so với bản án sơ thẩm.
Bị cáo Hoàng Hà được giảm ba năm tù so với án sơ thẩm, bị cáo Hà nhận 4 năm tù.
Các bị cáo Nguyễn Phước Tường và Trần Tiến Vỹ giữ nguyên mức án lần lượt là 14 năm tù và 3 năm tù.
Đối với trách nhiệm dân sự, Tòa tuyên các bị cáo phải chấp hành như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân Cấp cao Hà Nội cũng bác kháng cáo của đại diện Agribank về số tiền hơn 800 tỷ đồng phải bồi thường cho Bảo hiểm xã hội do Agribank thực hiện bảo lãnh cho ALC II vay vốn từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Vụ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ALC II vay sai quy định
Theo cáo trạng của VKS chỉ rõ: Bảo hiểm xã hội Việt Nam được phép sử dụng nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của quỹ để thực hiện các biện pháp đầu tư, tăng trưởng.
Theo đó, ngày 25.12.2003, ông Lê Văn Sở với tư cách là Tổng Giám đốc Agribank khi đó và ông Nguyễn Huy Ban ký kết thỏa thuận hợp tác đồng ý cho Agribank, các chi nhánh cấp I và các công ty thuộc Agribank vay vốn.
Ngày 1.1.2007, Luật Bảo hiểm xã hội bắt đầu có hiệu lực. Theo quy định của Luật này cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ được cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Thương mại nhà nước vay vốn.
Đến năm 2011, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại Công ty ALC II do Vũ Quốc Hảo làm Tổng Giám dốc, tổng dư nợ lên tới hơn 1000 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty cho thuê tài chính II thuộc ngân hàng Agribank (ALCII) là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chỉ được phép nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên của các tổ chức cá nhân theo quy định, được vay vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước.
Theo quy định của pháp luật, ALC II không được phép vay vốn từ Bảo hiểm xã hội và ngược lại. Tuy nhiên, trong thời điểm từ tháng 2- tháng 3 năm 2008, do thiếu vốn để kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê tài chính, Vũ Quốc Hảo- Tổng giám đốc ALC II đã gặp gỡ Nguyễn Huy Ban, Nguyễn Phước Tường đặt vấn đề cho vay vốn tại Bảo hiểm xã hội.
Sau quá trình làm việc, bàn bạc, Nguyễn Phước Tường đã thống nhất với Vũ Quốc Hảo để ALC II được vay vốn cần phải được Agribank bảo lãnh.
Sau đó, dựa vào đề nghị của ALC II, Tổng giám đốc Agribank khi đó là ông Nguyễn Thế Bình đã ký phát hành ba thư bảo lãnh thanh toán để ALC II của Vũ Quốc Hảo được chấp thuận vay vốn từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo cáo trạng của cơ quan điều tra cho biết, từ tháng 3.2008- 8.2009, Nguyễn Phước Tường đã chỉ đạo Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà lập 14 tờ trình đề nghị Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng cho ALC II vay vốn từ quỹ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nhờ chữ ký, bút phê đồng thuận của ông Nguyễn Huy Ban và cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng, 14 hợp đồng Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ALC II vay hơn 100 tỷ đã được ký kết. Theo kết luận của cơ quan điều tra, việc này hoàn toàn không đúng đối tượng, không tuân thủ nguyên tắc đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, trái với Luật bảo hiểm xã hội. Đến năm 2015, Kiểm toán nhà nước đã kiểm tra và xác định việc thu hồi nợ công tại ALC II không đạt tiến triển gì.
Đến cuối năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thu hồi được hết cả nợ gốc lẫn lãi của Công ty ALC II với số tiền 769 tỷ đồng vốn quá hạn và 735 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, ALC II đã gần như phá sản và không còn khả năng trả nợ.
Ngày 31.7.2018, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên bố ALC II chính thức phá sản. Tính đến nay, Bảo hiểm xã hội vẫn chưa thể thu hồi cả gốc lẫn lãi với tổng số tiền 1.700 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định rõ về sai phạm của cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng, cơ quan điều tra xác định, ông Hồng đã ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho Công ty ALC II vay vốn, đến nay vẫn chưa thu hồi được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 434 tỷ đồng. Nguyễn Huy Ban ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỷ cũng không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1.263 tỷ đồng.