Tòa tuyên án vụ Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên quan ông Lê Bạch Hồng
Sau nhiều ngày xét xử, chiều 25.9 Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 6 bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án Bảo hiểm Xã hội cho Công ty cho thuê tài chính II thuộc ngân hàng Agribank (ALC II) vay vốn sai quy định gây thiệt hại cho Nhà nước 1.700 tỷ.
Theo HĐXX, tại phiên tòa, về cơ bản các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Căn cứ lời khai của người làm chứng, tài liệu chứng cứ thu thập được, hoàn toàn có đủ cơ sở kết luận các bị cáo có hành vi vi phạm pháp luật như cáo trạng truy tố của VKS.
Sai phạm của cựu thứ trưởng Lê Bạch Hồng trong vụ liên quan đến BHXH
Theo cáo trạng của VKS chỉ rõ: Bảo hiểm xã hội Việt Nam được phép sử dụng nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của quỹ để thực hiện các biện pháp đầu tư, tăng trưởng.
Theo đó, ngày 25.12.2003, ông Lê Văn Sở với tư cách là Tổng Giám đốc Agribank khi đó và ông Nguyễn Huy Ban ký kết thỏa thuận hợp tác đồng ý cho Agribank, các chi nhánh cấp I và các công ty thuộc Agribank vay vốn.
Ngày 1.1.2007, Luật Bảo hiểm xã hội bắt đầu có hiệu lực. Theo quy định của Luật này cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ được cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Thương mại nhà nước vay vốn.
Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu phát triển theo chiều hướng xấu khi năm 2011, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại Công ty ALC II do Vũ Quốc Hảo làm Tổng Giám dốc, tổng dư nợ lên tới hơn 1000 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty cho thuê tài chính II thuộc ngân hàng Agribank (ALCII) là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chỉ được phép nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên của các tổ chức cá nhân theo quy định, được vay vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước.
Sau quá trình làm việc, bàn bạc, Nguyễn Phước Tường đã thống nhất với Vũ Quốc Hảo để ALC II được vay vốn cần phải được Agribank bảo lãnh.
Sau đó, dựa vào đề nghị của ALC II, Tổng giám đốc Agribank khi đó là ông Nguyễn Thế Bình đã ký phát hành ba thư bảo lãnh thanh toán để ALC II của Vũ Quốc Hảo được chấp thuận vay vốn từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo cáo trạng của cơ quan điều tra cho biết, từ tháng 3.2008- 8.2009, Nguyễn Phước Tường đã chỉ đạo Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà lập 14 tờ trình đề nghị Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng cho ALC II vay vốn từ quỹ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nhờ chữ ký, bút phê đồng thuận của ông Nguyễn Huy Ban và cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng, 14 hợp đồng Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ALC II vay hơn 100 tỷ đã được ký kết. Theo kết luận của cơ quan điều tra, việc này hoàn toàn không đúng đối tượng, không tuân thủ nguyên tắc đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, trái với Luật bảo hiểm xã hội.
Đến năm 2015, Kiểm toán nhà nước đã kiểm tra và xác định việc thu hồi nợ công tại ALC II không đạt tiến triển gì.
Vào thời điểm cuối năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thu hồi được hết cả nợ gốc lẫn lãi của công ty ALC II với số tiền 769 tỷ đồng vốn quá hạn và 735 tỷ đồng tiền lãi. Khi đó, công ty ALC II đã không còn khả năng trả nợ.
Đến thời điểm ngày 31.7.2018, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên bố ALC II chính thức phá sản. Như vậy, tính đến nay, Bảo hiểm xã hội vẫn chưa thể thu hồi cả gốc lẫn lãi từ Công ty ALC II với tổng số tiền 1700 tỷ đồng.
Bản án dành cho ông Lê Bạch Hồng và các bị cáo
Theo cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Huy Ban biết hoạt động đầu tư của Quỹ BHXH phải thực hiện theo một số quy định của pháp luật về nguyên tắc và các hình thức đầu tư quỹ. Tuy nhiên, khi thực hiện, ông Ban không chỉ đạo nhân viên kiểm tra tính pháp lý, tổ chức hoạt động của ALC II trước khi cho vay.
Ông Nguyễn Huy Ban ký và chỉ đạo thực hiện tất cả 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỷ đồng không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1.263 tỷ đồng. Căn cứ tài liệu điều tra đủ cơ sở kết luận hành vi của ông Nguyễn Huy Ban đã phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các luật sư của bị cáo Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban (Cựu Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nêu quan điểm: Các bị cáo cho ALC II vay không sai luật, không thể buộc các bị cáo biết điều không biết.
Tuy nhiên, HĐXX đã bác bỏ luận điểm này của các luật sư và cho rằng:
“Xét tính chất nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo xâm hại trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại về tài sản của Bảo hiểm xã hội, xâm hại đến tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm các bị cáo trước pháp luật với hình phạt tương xứng”, VOV dẫn lời cho biết.
Do đó, trong vụ án này, theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Huy Ban giữ vai trò chính, hành vi gây hậu quả đặc biệt lớn. Bị cáo phạm tội 2 lần trở lên, thân nhân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.
Sau khi xem xét đầy đủ các yếu tố, HĐXX tuyên phạt bị cáo Ban 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, yêu cầu bồi thường 290 tỷ đồng.
Về sai phạm của cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng, cơ quan điều tra xác định, ông Hồng đã ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho Công ty ALC II vay vốn, đến nay vẫn chưa thu hồi được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 434 tỷ đồng. HĐXX cho rằng có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của ông Lê Bạch Hồng như cáo trạng của VKS truy tố. Bị cáo Lê Bạch Hồng giữ vai trò sau Nguyễn Huy Ban - trực tiếp chỉ đạo cho ALC II vay vốn. Bị cáo Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - tài chính) khởi xướng, tham mưu cho Tổng Giám đốc Bảo Hiểm xã hội Việt Nam, hành vi của bị cáo gây hậu quả đặc biệt lớn cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
HĐXX tuyên phạt cựu thứ trưởng Lê Bạch Hồng 6 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố, bồi thường hơn 150 tỷ đồng.
Các bị cáo còn lại là Hoàng Hà (cựu Trưởng Phòng kế hoạch - tổng hợp, ban kế hoạch - tài chính) bị tuyên phạt 7 năm tù; bị cáo Trần Tiến Vỹ (cựu Trưởng phòng kế hoạch - tổng hợp) bị tuyên phạt 3 năm tù, cùng về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng.
Riêng bà Trần Thị Thanh Thủy (chuyên viên Phòng kế hoạch - tổng hợp, Ban kế hoạch - tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) bị tuyên phạt 20 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, HĐXX cũng buộc Agribank phải bồi thường cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam 870 tỷ đồng vì đã có trách nhiệm liên quan đồng thời chứng thư bảo lãnh cho ALC II vay tiền.