Đơn đặt hàng đầy tham vọng của chính phủ: “Thợ săn tàu sân bay”
Năm 1961, quân đội Liên Xô đã tổ chức cuộc thi về việc tạo ra “tổ hợp hàng không tầm xa tốc độ cao để trinh sát và tiêu diệt các mục tiêu mặt nước” với tầm bắn ít nhất 7.000 km. Nhiệm vụ chính của máy bay là trinh sát chiến lược vùng biển và tiêu diệt tàu sân bay của đối phương tiềm nămg. Phòng thiết kế của Pavel Sukhoi đã giành phần thắng trong cuộc thi vượt trước Phòng thiết kế của Andrei Tupolev - "ông vua máy bay ném bom hạng nặng". Pavel Sukhoi đề xuất dự án máy bay ném bom siêu thanh mang tên lửa với trọng lượng cất cánh hơn 110 tấn, có khả năng đạt tốc độ 3.000 km / h ở độ cao 20 - 25 km, với tầm bay hơn 6.000 km.
Vào tháng 12 năm 1963, Chính phủ Liên Xô đã thông qua quyết định “bật đèn xanh” cho dự án T-4 (hoặc Project 100). Phó trưởng Phòng thiết kế Sukhoi, ông Naum Chernyakov, người đã có kinh nghiệm chế tạo máy bay đánh chặn mọi thời tiết, tên lửa điều khiển và tên lửa hành trình chiến lược siêu thanh “Burya” đầu tiên trên thế giới, đã dẫn đầu quá trình phát triển loại máy bay mới.
Project 100 - hoàn thành 100%
Để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, máy bay phải khác hoàn toàn so với tất cả các loại máy bay ném bom tầm xa tồn tại vào thời điểm đó. Khung máy bay được làm phần lớn từ hợp kim titan chịu nhiệt và thép không gỉ có thể chịu được nhiệt độ tới 330 độ. Các nhà thiết kế chọn sơ đồ “không có cánh đuôi” với đôi cánh lớn (diện tích gần 296 m2) và cánh ngang nhỏ gần mũi máy bay trước đôi cánh chính. Mũi máy bay được hạ thấp xuống để cung cấp tầm nhìn khi hạ cánh và cất cánh cũng như khi phi cơ bay với tốc độ cận âm. Khi đạt tốc độ siêu âm, một kính tiềm vọng được sử dụng để nhìn phía trước khi mũi máy bay được rút lại.
Soviet Mach 3 reconnaissance and strategic bomber Sukhoi T-4 Sotka . pic.twitter.com/BoPtXym62M
— TRUFAULT (@TRUFAULT) March 21, 2018
Một số tổ hợp thiết bị điện tử siêu tân tinh tại thời điểm đó đã được cài đặt trên T-4: hệ thống điều hướng, quan sát và trinh sát, kể cả hai trạm radar. Nhờ các thiết bị tự động, trong phi đội chỉ có hai người: phi công lái máy bay và phi công dẫn đường. Trong buồng lái có hai chỗ ngồi, phi công dẫn đường ngồi sau. Tất nhiên, máy bay được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không.
Máy bay mang tên lửa được cho là phải bay khá lâu với tốc độ siêu âm. Để đáp ứng yêu cầu này, các chuyên gia đã tạo ra động cơ phản lực RD-36-41. Bốn động cơ này được đặt dưới thân máy bay. Tổng công suất của bốn động cơ là gần 65.000 kgf.
Các chuyên gia cũng đã chế tạo các loại vũ khí cho máy bay mới:
tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Kh-45 và tên lửa Molniya (vào cuối những năm 1960 đầu những năm 1970). Theo thông số kỹ thuật, tên lửa Kh-45 được cho là có thể đạt tốc độ 5-7 Mach và có tầm bắn từ 500 đến 1.500 km. Ngoài tên lửa hành trình, T-4 có thể mang bom.
Từ khởi đầu đầy hứa hẹn dự án bị hủy bỏ
Hai chiếc máy bay đầu tiên đã được chế tạo vào mùa thu năm 1971. Vào ngày 22/8/1972, chiếc máy bay đã bay lần đầu. Phi công lái máy bay là Vladimir Ilyushin, con trai của nhà thiết kế nổi tiếng Sergei Ilyushin, và phi công dẫn đường là Nikolai Alfyorov. Chiếc máy bay dễ dàng được điều khiển - không phức tạp hơn máy bay tiêm kích. Các phi công có đủ cơ sở để gọi T-4 là máy bay của thế kỷ XXI. Đến tháng 1 năm 1974, máy bay đã thực hiện 10 chuyến bay thử nghiệm và đạt tốc độ 1.682 km / h (Mach 1.36) ở độ cao 12 km.
Tuy nhiên, vào năm 1974, theo chỉ thị của Bộ Công nghiệp Liên Xô, dự án T-4 đã bị đình chỉ. Vào tháng 2 năm 1976, dự án đã bị hủy bỏ hoàn toàn. Có một vài lý do cho điều đó. Đầu tiên, các yêu cầu của quân đội đã thay đổi, nghiêng về phía máy bay chiến lược mang tên lửa đầy hứa hẹn với cánh quét biến đổi của Phòng thiết kế Tupolev - Tu-160. Thứ hai, Phòng thiết kế Sukhoi đã nhận được nhiệm vụ phát triển loại máy bay truyền thống của họ - máy bay chiến đấu đa chức năng hạng nặng (Su-27 trong tương lai).
22/8/72 First flight of Soviet strategic bomber Sukhoi T-4 analougos to the American XB70. Only 4 built (p https://t.co/2RGEF0I00H) #avgeek pic.twitter.com/6c0w78PIPj
— LaRoccaMax (@LaRoccaMax) August 22, 2017
Thứ ba (và đây là lý do quan trọng nhất), ngay cả đối với Liên Xô, nước đã chi nhiều tiền cho các dự án vũ khí, dự án máy bay T-4 bằng titan hóa ra quá đắt. Mẫu máy bay duy nhất có tên gọi “101” được trưng bày tại Bảo tàng Không quân ở ngoại ô Matxcơva.