Bộ Y tế sẽ áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế
Ngày 29/2, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu với khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống COVID-19, trong đó chỉ cho phép xuất khẩu mặt hàng này với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng; 75% dành cho phòng, chống dịch bệnh trong nước).
Tuy nhiên, quy định trên không áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1/3/2020.
Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính ban hành hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn về tiêu chuẩn khẩu trang y tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phối hợp giám sát việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất có trách nhiệm báo cáo về năng lực sản xuất theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Hơn 5.400 vụ vi phạm về mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, từ ngày 31/1 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 5.417 vụ vi phạm về thiết bị y tế, các mặt hàng phòng chống dịch COVID-19 với tổng số tiền xử phạt lên tới trên 1,66 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp và đã xuất hiện những ổ dịch mới tại Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có quan hệ du lịch, thương mại lớn với Việt Nam. Do đó, dự báo trong thời gian tới, nhu cầu các trang thiết bị y tế phòng dịch tiếp tục ở mức rất cao.
Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng tập trung kiểm soát ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm chất lượng nhằm ổn định thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân về các trang thiết bị y tế và mặt hàng phục vụ phòng chống dịch.
Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế.
70% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc
Đầu tháng 2/2020, trước tình hình diễn biến mới của dịch COVID-19 gây ra tại Việt Nam, để không thiếu khẩu trang y tế và trang phục phòng, chống dịch bệnh, căn cứ số liệu theo dõi, nắm bắt và báo cáo của các đơn vị sản xuất trong nước, Bộ Y tế thông báo nhanh danh sách 33 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế và trang phục phòng, chống dịch để các đơn vị chủ động liên hệ, có kế hoạch trang bị phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cụ thể, có 22 doanh nghiệp trên cả nước sản xuất khẩu trang y tế 3 lớp, 4 lớp với tổng công suất sản xuất dự kiến 2.107.000 chiếc/ngày. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp khác có khả năng sản xuất 82.000 chiếc khẩu trang N95/ngày (lọc 95% các hạt siêu nhỏ có kích thước đến 0,3μm). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất dưới công suất bởi không có nguyên liệu.
Trong bối cảnh nhu cầu khẩu trang y tế, nước sát trùng tăng mạnh ở mùa dịch, Chính phủ đã quyết định miễn thuế với nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước sát trùng cũng như hoá chất phục vụ sản xuất các sản phẩm chống dịch.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, 2 loại nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang y tế là vải không dệt và màng lọc kháng khuẩn. Được biết, trong nước đã sản xuất được vải không dệt và thời gian tới có thể tăng cường sản lượng nhưng không nhiều. Riêng màng lọc kháng khuẩn, Việt Nam hiện phải nhập khẩu từ Trung Quốc đến khoảng 70%; 30% còn lại có thể mua từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu (Pháp, Ý).
Hiện nay, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không thể nhập do quốc gia này cấm xuất khẩu cả sản phẩm, nguyên liệu và máy móc sản xuất khẩu trang. Hàn Quốc và Nhật Bản rơi vào tình trạng khan hàng, không có nguồn cung để xuất khẩu; còn nhập từ châu Âu thì giá rất cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ nhưng cũng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá cũng tăng rất mạnh.