Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín “Nanomedicine: Nanotechnology, Biology, and Medicine”.
Nhiệt từ trị là một phương pháp điều trị ung thư được phát triển bởi các nhà khoa học, trong đó nhiệt độ cao có thể hủy hoại protein của tế bào, điều đó dẫn đến việc phá hủy nhanh chóng các tế bào khối u. Để các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể không chết cùng với các tế bào ung thư, các nhà khoa học tiêm vào khối u một chất có tính chất từ tính, đây là các hạt nano oxit kim loại. Dưới ảnh hưởng của trường điện từ dao động lệch pha nhau, các hạt nano được nung nóng có thể phá hủy các tế bào khối u.
Các nhà khoa học đang tìm kiếm vật liệu, và quan trọng nhất là chế độ nhiệt có thể mang lại hiệu quả cao nhất cho quy trình này. Các nhà hóa sinh học từ Phòng thí nghiệm “Vật liệu nano y sinh” thuộc Đại học Tổng hợp Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia Nga (MISIS) cùng với các đồng nghiệp từ Nga, Đức và Hy Lạp đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, để điều trị chống ung thư thành công, cần phải lựa chọn một phương pháp điều trị thích hợp riêng cho từng loại ung thư.
Các tác giả của công trình nghiên cứu đã sử dụng tổng hợp coban ferit cấp hạt nano có tính chất từ tính cao và nhờ đó có thể cung cấp nhiệt cho các tế bào và mô trong phạm vi nhiệt độ rộng để đáp ứng với sự ảnh hưởng của trường điện từ. Các hạt nano này rất ổn định trong điều kiện sinh lý, không có tác dụng độc hại đối với các tế bào và mô của cơ thể, ngoài ra, hiện có một phương pháp dễ dàng và không tốn kém điều chế các hạt nano như vậy.
"Các nhà khoa học đã quan sát các nhóm động vật với hai mô hình khối u khác nhau – với dòng tế bào ung thư đại trực tràng xâm lấn nhẹ CT-26 và dòng tế bào ung thư vú xâm lấn mạnh 4T1. Cả hai nhóm đều được tiêm tổng hợp coban ferit cấp hạt nano vào khối u và sau đó được điều trị bằng phương pháp nhiệt từ trị ở ba chế độ nhiệt khác nhau," – dịch vụ báo chí của đại học MISiS trích dẫn lời giải thích của bà Anastasia Garanina, một trong những tác giả, kỹ sư tại Phòng thí nghiệm vật liệu nano y sinh.
Các nhà khoa học đã phân tích so sánh một số chỉ số để thấy được sự ảnh hưởng của các nhiệt độ khác nhau đối với hai mô hình khối u - xâm lấn nhẹ và xâm lấn mạnh, và phát hiện ra rằng, các tế bào ung thư ruột kết nhạy cảm hơn với liệu pháp tăng thân nhiệt và chết khi nhiệt độ lên đến khoảng 41-43 độ C. Kết quả là, khối u ác tính ở tất cả những con chuột bị ung thư ruột kết đã biến mất hoàn toàn.
Theo kết quả của một loạt các thí nghiệm, ung thư vú có khả năng chịu nhiệt tốt hơn và các tế bào ung thư chỉ chết khi nhiệt độ lên đến 47 độ C. Trong các nhóm động vật được điều trị ở nhiệt độ 46-48 độ và 58-60 độ, tỷ lệ sống sót là 25-40%.
“Một phát hiện quan trọng là liệu pháp tăng thân nhiệt từ tính làm giảm tỷ lệ di căn trong cơ thể động vật so với phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u”, - chuyên gia Garanina nói.
Nhóm các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tối ưu hóa hoạt động của các chế phẩm hạt nano trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu tiền lâm sàng.
Tham gia nghiên cứu cũng có các nhà khoa học từ Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov, Đại học Tổng hợp Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Nga mang tên Pirogov, Đại học Hóa học và Công nghệ Nga mang tên Mendeleev, Trung tâm Sáng tạo Skolkovo, Đại học Aristotle tại Thessaloniki (Hy Lạp) và Đại học Duisburg-Essen (Đức).