Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ mở rộng các đối tượng được xét nghiệm COVID-19
Sáng ngày 15/3, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Triển khai Tập huấn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19”. Hội nghị được truyền đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, phần lớn những ca bệnh dương tính với COVID-19 ở nước ta là xâm nhập từ nước ngoài vào, do đó chúng ta dễ xác định được bệnh nhân số 0, điều này khác hẳn các nước khác thường rất khó xác định được bệnh nhân số 0. Đây là điểm mạnh trong phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thah Long, hiện việc phòng, chống dịch COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi cách ứng phó với dịch phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã có những thay đổi trong biện pháp chống dịch để phù hợp với tình hình mới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, trong công tác phòng chống dịch, chúng ta đã làm tốt ở phía Bắc, tuy nhiên nếu tiếp tục để những ca bên ngoài xâm nhập vào thì việc ứng phó sẽ khó khăn hơn. Do đó, kiên trì, quyết tâm ngăn chặn những ca xâm nhập.
Việt Nam đã quyết định tạm dừng cấp visa cho hành khách du lịch đến các nước thuộc khu vực Schengen, Vương quốc Anh và Bắc Ireland từ ngày 15/3.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định:
“Nhờ kiên quyết thực hiện khai báo y tế điện tử của tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, từ những thông tin khai báo đó, chúng ta đã kịp thời lấy mẫu, xét nghiệm, ngăn chặn kịp thời các ca dương tính và tiến hành cách ly ngay lập tức tại cửa khẩu”.
Tiếp tục thực hiện cách ly, cách ly triệt để
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày hôm qua (14/3), Thủ tướng Chính phủ đã tiếp Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam. Trong cuộc tiếp này, TS Kidong Park cho rằng thành công nhất của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 đến nay là thực hiện cách ly.
Từ ngày 14/3, tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đến từ vùng dịch tiến hành cách ly ngay tại cửa khẩu, bao gồm cả hành khách Việt Nam. Điểm mới trong cách ly tại Việt Nam là khoanh vùng nhỏ hơn, chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo vấn đề đời sống cho người dân, vừa đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch. Điều quan trọng là không được để lây nhiễm trong các trường hợp cách ly.
“Nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời thì các ca bệnh dương tính sẽ trào vào Việt Nam, nếu vào sẽ rất nguy hiểm”, - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về điều trị, cách thức Việt Nam đang áp dụng khác với một số nơi. Trong giai đoạn đầu, chỉ tập trung điều trị những ca bệnh ở tuyến cao nhưng cũng đang tiếp tục phân tuyến, kể cả tuyến xã, theo dõi những ca có triệu chứng lâm sàng rất nhẹ.
“Quan điểm của chúng ta là không tập trung mà phân tán tất cả các tuyến, ca nặng điều trị tuyến trên. Một số nước áp dụng chính sách khác nhau, không thể so sánh. Có nước ca nhẹ thì điều trị tại nhà, có nước thì vào bệnh viện. Việt Nam luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi kịch bản. Bên cạnh đó, phác đồ điều trị cũng luôn thay đổi, phù hợp tiệm cận với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm của các nước”, - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Điểm thay đổi của Việt Nam trong vấn đề phát hiện sớm. Theo đó, tới đây sẽ mở rộng các đối tượng được xét nghiệm. Công suất xét nghiệm hiện được đẩy nhanh lên rất nhiều. Các đơn vị được yêu cầu trả kết quả trong vòng 24 giờ, tới đây cố gắng rút ngắn hơn thời gian này.
Cuối cùng, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, cần áp dụng khoa học công nghệ. Đây là một trong những thay đổi chiến lược của công cuộc phòng, chống dịch.
Ngành Y tế đang làm việc với các hãng hàng không, đề nghị các chuyến bay khi đến Việt Nam ngoài kiểm dịch y tế, hành khách phải khai tờ khai điện tử, khai ngay trên máy bay. Điều này nhằm tránh gây ùn ứ, khai trên giấy phải nhập lại mất rất nhiều thời gian. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, để rút ngắn thời gian này không có cách gì khác ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ.
Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý người có nguy cơ lây nhiễm
Tại hội nghị, Bộ Y tế cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và chính thức công bố ra mắt Hệ thống khai báo sức khỏe du lịch do Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) triển khai dành cho các sân bay, cửa khẩu và 100% cơ sở lưu trú, nhà hàng trên toàn quốc, liên quan đến dịch COVID-19.
Hệ thống khai báo sức khoẻ được xây dựng nhằm hỗ trợ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong việc chủ động nắm được lịch trình của hành khách trong nước và quốc tế khi du lịch tại Việt Nam. Hệ thống sẽ được tích hợp vào ứng dụng Vietnam Health Declarations để thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh và khách du lịch sử dụng.
Được biết, hệ thống sẽ được áp dụng tại 100% cơ sở du lịch trên toàn quốc, bao gồm: Toàn bộ các địa điểm nhập cảnh (sân bay, cửa khẩu); Địa điểm ăn uống (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…); Địa điểm lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ); Khu vui chơi, giải trí, trung tâm hội nghị; Hãng vận tải hành khách đang hoạt động trên cả nước.
Người quản lý và điều hành tại các địa điểm cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện quét QR code của hành khách khi tiếp đón và cung cấp dịch vụ tại cơ sở mình để lưu lại thông tin.
Ứng dụng Vietnam Health Declaration được chính thức ra mắt ngày 9/3 là ứng dụng dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng để khai báo y tế (hỗ trợ 12 ngôn ngữ và hiện đã có hơn 100.000 hồ sơ).
Việc tích hợp khai báo sức khỏe du lịch trên ứng dụng này sẽ hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phát hiện nguồn lây bệnh và kiểm soát được hoạt động du lịch trong thời điểm dịch đang có diễn biến phức tạp tại Việt Nam.
Tổng giám đốc Viettel Solutions Nguyễn Mạnh Hổ cho biết, hệ thống đi vào triển khai sẽ hỗ trợ kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động cũng như tình trạng sức khỏe của du khách một cách chính xác, linh hoạt; từ đó sớm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng, chống dịch một cách chủ động và nhanh nhất.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là biện pháp mà tất cả các tuyến từ tỉnh, thành, quận huyện, xã, phường áp dụng để nhanh chóng xử lý kịp thời những người có nguy cơ lây nhiễm, đồng thời hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng.