Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tới trên 12 tháng thì quốc gia nào dự trữ nhiều năng lượng hơn sẽ chiếm ưu thế. Đằng sau lệnh cấm của Tổng thống Trump có thể là gì?
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, với các ca bệnh tăng kỷ lục, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định bất ngờ: Cấm toàn bộ đi lại giữa Mỹ với 26 nước thuộc khu vực Schengen của EU và cả nước Anh (một ngày sau đó). Trong khi đó, Trung Quốc - nơi khởi nguồn của dịch bệnh tuyên bố rằng, dịch COVID-19 đã qua đỉnh ở nước này, và tình hình dịch bệnh trên toàn cầu có thể suy giảm vào tháng 6 này. Tại Trung Quốc, giao thông đã phục hồi, việc đi lại trên toàn quốc đã dần dần mở trở lại. Người Trung Quốc tại Vũ Hán đã có thể tiếp tục làm việc.
Động thái của Mỹ khiến sắc đỏ tràn ngập các thị trường chứng khoán, với giá cổ phiếu châu Âu lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm, và giá dầu cũng như giá vàng đều giảm mạnh.
Hai sự kiện trên có liên quan với nhau như thế nào? Đằng sau “quyết định bất ngờ” của Tổng thống Mỹ có thể là gì?
Lệnh cấm của Trump đối với các chuyến đi từ Châu Âu đến Hoa Kỳ có nghĩa gì?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm nhằm ngăn chặn lưu lượng hành khách giữa Châu Âu và Châu Mỹ trong 30 ngày. Lệnh cấm này có hiệu lực từ 7h (giờ GMT) ngày thứ Bảy 14/3, áp dụng cho các nước thuộc Schengen. Và chỉ 24 giờ sau, lệnh cấm nói trên cũng được áp dụng với Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Lệnh cấm trên thực tế có nghĩa gì?
Vấn đề là có thể thoát lệnh cấm trên mà vẫn vào được Mỹ.
Đơn giản là những người châu Âu đi du lịch bằng ô tô riêng ở các quốc gia Schengen chắc chắn không có dấu thị thực (visa) trong hộ chiếu để chứng minh họ đã qua biên giới những nước đó. Hành khách đi máy bay và tàu Eurostar chạy giữa lục địa châu Âu và Anh có tên trong cơ sở dữ liệu, nhưng EU có quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân và hiếm khi chia sẻ chúng với các quốc gia khác.
Lệnh cấm trên sẽ được thực hiện như thế nào? Hay là vấn đề thực hiện nó hiệu quả không phải là vấn đề quan trọng nhất?
Chúng ta thấy rõ rằng Trung Quốc đã làm những gì để giảm hiệu quả sự lây lan của virus Corona: Trung Quốc đã cách ly toàn bộ cả một thành phố 11 triệu dân và chỉ một tuần sau đó, đã cách ly cả một tỉnh Hồ Bắc với 65 triệu dân! Các nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế không tin rằng, lệnh cấm du lịch từ châu Âu sẽ cho kết quả tương tự. Dù sao, hiện tại, tính đến này 15/3, ở Mỹ đã có 2655 trường hợp bị nhiễm virus Corona ở 49 tiểu bang. Virus corona và dịch tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Ngày 9-3-2020, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng: “Năm ngoái có 37.000 người Mỹ chết do cúm phổ thông. Mức trung bình dao động từ 27.000 đến 70.000 mỗi năm. Chẳng có gì phải đóng cửa cả, cuộc sống và kinh tế vẫn tiếp diễn. Còn vào lúc này mới có 546 trường hợp nhiễm virus corona (tức SARS-CoV-2) được xác nhận ở Mỹ, với 22 ca tử vong. Hãy suy nghĩ về điều này!”.
So last year 37,000 Americans died from the common Flu. It averages between 27,000 and 70,000 per year. Nothing is shut down, life & the economy go on. At this moment there are 546 confirmed cases of CoronaVirus, with 22 deaths. Think about that!
— Donald J. Trump (@realDonaldTrump) March 9, 2020
Vậy mà, chỉ 4 ngày sau, 13/3, Donald Trump quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp. Với con số 2655 trường hợp dương tính với virus Corona (thống kê ngày 15/3) và dịch đang lan nhanh tại Mỹ, lệnh của Donald Trump là dễ hiểu. Nhưng tại sao nó không được áp dụng ngay cho nước Anh – hiện cũng là một ổ dịch, mà chỉ một ngày sau? Theo nguồn tin riêng của Sputnik, Donald Trump đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các quan chức của Bộ Y tế Mỹ. Họ nói thẳng với Trump rằng ông đóng cửa nhưng vẫn để một khe hở. Và như thế, một con ruồi cũng bay lọt chứ đừng nói là virus. Cực chẳng đã, 24 giờ sau, Donald Trump phải siết luôn cả giao thông hàng không với Anh Quốc. Sputnik được biết, cộng thêm vào đó, Boris Johnson và các cố vấn y tế của ông ta như David Halper và Patrick Vallance đang có ý định "thả nổi đỉnh dịch" ở Anh. Có nghĩa là cứ để mặc cho dịch bệnh lan tràn tới cả nửa dân số cho đến khi người Anh có được sự "miễn dịch cộng đồng" một cách tự nhiên mà không cần chờ đợi có vaccine. Lo sợ rằng Chính quyền Anh có thể dùng cả chính người Mỹ là vật thí thân để có được cái gọi là "miễn dịch cộng đồng” ấy, Donald Trump đã quyết định "thí mã" (Vương quốc Anh là đồng minh chiến lược của Mỹ).
Thậm chí, Tổng thống Trump còn tuyên bố cấm nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu. Ngay sau đó, giá dầu lập tức giảm 5% và thị trường chứng khoán ở châu Á sụp đổ.
Một ngày sau đó, Nhà Trắng nói rằng lệnh cấm sẽ không áp dụng đối với hàng hóa. Mới nhìn thì việc “tuyên bố cấm nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu” chỉ “sống” có một ngày cũng như việc “tháo khoán” cho công dân Anh có thêm 24 giờ để đến Mỹ có vẻ không nghiêm túc cho lắm. Nhưng sâu xa hơn, có thể hiểu, đây là một trò chơi.
Vậy, sự thay đổi quan điểm và những động thái trên có phải do tình hình đòi hỏi hay đó là chiến lược “thí mã giữ xe” và “tát nước theo mưa” của Mỹ mà đã được tính toán kỹ?
Mỹ đang “thí mã giữ xe” và “tát nước theo mưa”?
Vấn đề đối với Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN giờ đây là phong tỏa biên giới, phòng dịch từ xa, phát hiện từ sớm, bao vây kịp thời, cô lập kiên quyết tiến tới dập tắt hẳn dịch bệnh trong nước và bắt đầu tính đến giai đoạn phục hồi "hậu COVID-19". Còn đại dịch COVID-19 ở châu Âu và Châu Mỹ thì chỉ mới bắt đầu.
Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế quốc tế, hiện nay, nền kinh tế Mỹ có ba thị trường đầu tư ngoại biên lớn nhất. Đó là Trung Quốc - số 1, Liên minh Châu Âu (EU) - số 2 và Đông Bắc Á - số 3.
“Từ năm 2018, giới tư bản tài phiệt Mỹ đã xúc tiến kế hoạch xâm nhập thị trường Ấn Độ để cạnh tranh với Nga và thị trường Đông Nam Á để cạnh tranh với Trung Quốc. Điều đặc biệt là trong kinh tế đối ngoại của Mỹ thì Trung Quốc đóng vai trò kép, vừa là đối tác, vừa là đối thủ. Hơn nữa, Trung Quốc lại là đối thủ cân tài cân sức (ngoại trừ lĩnh vực vũ khí chiến lược), khác hẳn với các đối tác khác của Mỹ. Với việc xâm nhập được vào Ấn Độ đã mở đầu bằng chuyến thăm của Donad Trump vừa qua, Mỹ bắt đầu thiết lập ảnh hưởng của mình lên vành đai kinh tế liên vùng Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương nhằm đối phó lại với sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc”, - Chuyên gia trên phân tích với Sputnik.
Nhưng Châu Âu “già cỗi và bảo thủ” lại đang trở thành gánh nặng cho Mỹ. EU có tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ bằng 2/3 Mỹ. Sở dĩ Mỹ duy trì tăng trưởng cao hơn EU là nhờ vào các thị trường Trung Quốc, Đông Bắc Á và Châu Mỹ, chủ yếu là Cannada và Mexico chứ không nhờ EU, trừ Anh là đồng minh chiến lược tối quan trọng. Có vẻ như Donald Trump coi quốc đảo Anh như một “buồng khử khuẩn” để bảo đảm rằng không một hành khách nào xuất phát từ Anh mang theo virus SARS-COV-2 tới Mỹ. Tuy nhiên, như Sputnik đã nói ở trên, khi biết Thủ tướng Anh Boris Johnson, nghe theo một số cố vấn y tế, như David Halper và Patrick Vallance đã đề xuất chủ trương “thả nổi đỉnh dịch” thì mọi cố gắng nhằm níu giữ Anh của Donad Trump đã vô ích. Và cái “buồng khử khuẩn” Anh Quốc đối với Mỹ cũng sớm bị vứt bỏ. Thêm vào đó, các quan chức y tế Mỹ cũng cực lực phản đối chủ trương “tháo khoán cho nước Anh”. Họ cho rằng tổng thống chỉ khép hờ cánh cửa với Châu Âu chứ không khóa chặt
Từ thời Barack Obama còn làm tổng thống, Mỹ đã có dấu hiệu muốn các nước EU phải san sẻ gánh nặng cho mình cả về quân sự và kinh tế, nhưng chưa có thời cơ. Và nay, với sự lan rộng của COVID-19 sang EU, thời cơ đó đã đến!
Rất có thể, lệnh cấm mọi tuyến bay thương mại chở khách giữa Châu Âu và Mỹ ít nhất 30 ngày với mục đích ngăn chặn COVID-19 xâm nhập sang Mỹ chỉ là cái cớ. Việc hiệu lực và thực hiện lệnh của Tổng thống Mỹ như đã phân tích ở trên và các sự kiện đã và đang diễn ra cho thấy rằng, đây là một động thái đã được tính toán rất kỹ.
Vì sao?
“Về chiến lược, Mỹ có thể “buông” Châu Âu chứ không thể “buông” Trung Quốc (“thí mã giữ xe”), mặc dù Mỹ vẫn còn cần EU và NATO để chống Nga. Nhưng Mỹ cho rằng, tiềm năng kinh tế-quốc phòng của một NATO không có Mỹ tham gia hoặc tham gia hạn chế vẫn có thể đương đầu với Nga”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Giống như người Nga, giới tinh hoa ở Mỹ đã nhận định rất đúng rằng, dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã qua “đỉnh” và suy giảm. Trung Quốc có thể kiểm soát được dịch bệnh khi mùa hè tới và hiện đang có dấu hiệu phục hồi sản xuất. Đây chính là thời cơ để kết thúc “Thương chiến Mỹ-Trung“ và tái đầu tư vào thị trường 1,4 tỷ dân với những thỏa thuận mới có lợi cho Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ đã có trong tay quân bài Ấn Độ để dự trữ trong trường hợp Trung Quốc vẫn tỏ ra “cứng đầu” và hướng về Moskva nhiều hơn là hướng sang Washington.
Việc giá dầu giảm cũng như việc FED cắt giảm lãi suất đồng Dollar càng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược ở Mỹ và kể cả chính phủ Mỹ chuyển vốn sang mua dầu mỏ và tăng khối lượng dự trữ để đối phó với các đối thủ Nga và OPEC.
Một khi dịch COVID-19 được kiểm soát và thoái lui, sản xuất phục hồi, kinh tế toàn cầu bắt đầu trạng thái phục hồi thì khi đó, số dầu dự trữ sẽ được tung ra. Ngay cả trong trường hợp ngược lại, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tới trên 12 tháng thì quốc gia nào dự trữ nhiều năng lượng hơn sẽ chiếm ưu thế. Đa số các nhà khoa học hy vọng rằng khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra tuy rất nghiêm trọng ở mức độ toàn cầu nhưng vẫn chỉ là khủng hoảng ngắn hạn vì không có nguồn gốc từ việc vi phạm các quy luật kinh tế. Vì vậy, dù cho các đối thủ lớn trên thế giới đều có những tính toán riêng để có lợi cho mình nhưng vẫn tuân theo một quy luật chung để tìm kiếm lợi nhuận là “mua vào lúc rẻ, bán ra khi đắt”.
Một trận đại dịch cũng như một trận đại thiên tai. Có thể ban đầu, nó bắt đầu tự nhiên. Nhưng trong quá trình diễn biến, con người có thể hướng lái tác động của nó theo mục tiêu lợi ích của mình hoặc lợi dụng nó để thực hiện các hành động chính trị, kinh tế. Đó là "Té nước theo mưa" hay "mượn gió bẻ măng". “Quyết định bất ngờ” của Tổng thống Mỹ rất có thể là như vậy. Và không chỉ vậy, trong chiến lược này, Donald Trump đã “thí mã giữ xe”.