Bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim và các tổ hợp thể thao bị đóng cửa. Các nhà hàng và quảng trường nổi tiếng đều vắng tanh. Không có xe hơi trên đường, không có đám đông người đi bộ dọc theo các đường phố nổi tiếng. Đây là quanh cảnh Madrid sau khi coronavirus xuất hiện.
Hầu hết cư dân thủ đô Tây Ban Nha đều ở nhà theo các khuyến nghị của chính phủ. Bằng cách như vậy, họ đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus nguy hiểm, tính đến ngày 13 tháng 3 đã cướp đi mạng sống của hơn 100 người và lây nhiễm cho hơn 4.000 người, trong đó có các đại diện lãnh đạo cao nhất của đất nước như Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Irene Montero, hoặc Santiago Abascal, lãnh đạo đảng Vox.
Du lịch và mọi thứ liên quan đến ngành này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng tình trạng "tê liệt" này.
Ở góc gần khách sạn sang trọng trên phố La Goya ở Madrid, sáu tài xế taxi bàn luận về thực tế mới này.
“Ở Madrid, mọi thứ giống như ngày cuối tuần: không kẹt xe và không có người dân trên đường phố. Mọi người ai cũng sợ hãi. Chúng tôi cũng vậy, cho nên tôi rửa xe mỗi ngày để giữ vệ sinh."
Bất chấp các biện pháp phòng ngừa, họ thừa nhận rằng có một nỗi sợ khác, nghiêm trọng hơn nhiều.
"Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng tôi: chỉ trong tuần này, thu nhập của chúng tôi ít hơn 50-60% so với bình thường", ông Jose María giải thích.
Đồng nghiệp của ông là Antonio, một người đã làm tài xế taxi trong 40 năm, nói rằng ông chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy.
“Tôi không muốn khóc, vì nếu không tôi sẽ cắt tĩnh mạch của mình ngay tại đây, nhưng hãy xem những gì đang xảy ra. Điều khiến tôi lo sợ là chính quyền đã không kịp thời chiến đấu với dịch bệnh” - ông Antonio nói, lùi lại vài mét nhưng ngay lập tức quay lại và nói thêm: “Tôi nói với bạn điều này: theo tôi, đây là một kiểu thao túng, với các âm mưu chính trị. Chắc là một số người có tầm ảnh hưởng đã kích động tất cả những điều này để gây tác động kinh tế đến một số quốc gia, biện minh cho việc sa thải công nhân và hạn chế quyền lợi của họ. Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi phải nói điều đó".
Một tài xế taxi khác chia sẻ mối quan tâm của Jose Maria và Antonio.
"Thành phố đã chết, và mỗi ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi quan tâm nhất đến khía cạnh kinh tế, vì bản thân coronavirus chỉ là cơn cảm lạnh."
“Không, không, không phải đâu” - một tài xế taxi khác ngắt lời, người này cũng tên là Jose.
"Điều này tồi tệ hơn nhiều. Nếu đó là một cơn cảm lạnh thông thường, tất cả tình hình này sẽ không xảy ra. Nhiều người trong số họ bị nhiễm hiện đang trong phòng chăm sóc đặc biệt, và hơn 40 người đã chết. Nhưng chúng ta sẽ vượt qua nó. Tất nhiên, chúng ta có thể. Nếu như chúng ta đã qua được Nội chiến, thì lần này chúng ta cũng sẽ qua được thôi. Cần phải lạc quan, vi nếu không, chúng ta sẽ chết."
Ít lo lắng và thận trọng hơn.
Chính quyền của đất nước và khu vực đã áp dụng các biện pháp, như chuyển sang làm việc từ xa, hủy bỏ các sự kiện lớn, cho học sinh sinh viên nghỉ học, hoãn họp quốc hội, cũng như khử trùng các phương tiện giao thông công cộng hàng ngày, sử dụng hệ thống mở cửa tự động trong xe điện ngầm (theo cách này, mọi người có thể không chạm vào các vật thể ở nơi công cộng).
Một trong những người dọn dẹp vệ sinh ở nhà ga Goya nói: “Nói chung, chúng tôi hơi lo lắng. Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp ở đây, chúng tôi lau lan can và băng ghế 2-3 lần mỗi ca bằng dung dịch kiềm”.
Đến lượt mình, hành khách tàu điện ngầm Alessandro, một người Ý sống ở Tây Ban Nha được 4 năm, cho rằng “cần phải thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Ở Ý, thậm chí người dân không được rời khỏi nhà của mình. Tôi nghĩ, ở đây cũng phải làm như vậy, ít nhất là 2 tuần để phòng tránh coronavirus."
Alessandro lo sợ những hậu quả kinh tế mà dịch bệnh có thể gây ra.
"Tôi làm nghề cắt tóc. Ông chủ của tôi rất lo lắng vì doanh số tiệm chúng tôi đã giảm, lượng khách trở nên ít hơn nhiều. Ở Ý, chính phủ giúp đỡ dân chúng, nhưng thiệt hại kinh tế vẫn sẽ rất lớn."
Các nhà cổ sinh vật học Sara và Doris đã đến Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia, ở ngay trung tâm thành phố, đặc biệt để xem một số triển lãm nhất định, nhưng họ trở về nhà ngay lập tức.
"Tôi cũng sợ thiệt hại kinh tế nhất, vì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề vệ sinh, và tôi không nghĩ rằng coronavirus sẽ dẫn đến cái chết hàng loạt. Nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nền kinh tế và lĩnh vực du lịch. Các chủ doanh nghiệp buộc phải trả lương cho các nhân viên không thể đến nơi làm việc. Nhưng cần phải lạc quan và mạnh dạn đón đợi những gì đang chờ chúng ta” - Doris nói.
Carlos là người Venezuela, đã sống ở Madrid trong hai năm và làm hướng dẫn viên. Carlos cầm ô đứng đợi xem có vị khách du lịch nào cần đến dịch vụ của anh hay không. Ngày thường, anh chở khách du lịch đến trung tâm thủ đô Tây Ban Nha. Nhưng thứ Năm này không có du khách nào đến với anh.
“Ở Madrid, coronavirus đã ảnh hưởng đến chúng tôi rất nhiều. Nhiều chuyến đặt tour đã bị hủy. Mọi người hủy chuyến đi vì họ không muốn mạo hiểm. Nhưng du khách không chỉ hủy những chuyến cũ mà còn không đặt tour mới. Thông thường có rất nhiều khách du lịch vào tháng 3, nhưng hãy nhìn xem, quảng trường gần như trống không. Một điều khác cũng làm tôi ngạc nhiên là rất ít người đi tàu điện ngầm: thông thường, vào ngày này trong tuần, trong thời tiết như vậy, sẽ rất đông người. Vậy mà hôm nay vắng tanh, những chiếc xe ngựa cũng không có khách. Thật đáng kinh ngạc."
Một người đàn ông mặc trang phục nhân vật của trò chơi “Anh em nhà Mario”, làm việc trên quảng trường Puerta del Sol và thường được khách du lịch vây quanh để chụp ảnh cùng, cũng rất buồn trước tình huống này.
Cho đến gần đây, anh ta có thể kiếm được khoảng 50 euro mỗi ngày, nhưng hôm nay chỉ kiếm được từ 6 đến 10 euro.
"Thành phố bị bỏ lại một mình. Không có khách du lịch, và nếu bạn thấy họ, họ đã vội rời đi. Tôi có thể nói gì khác? Hầu hết trong tình huống này, tôi sợ bị đánh vào cái ví tiền của mình chứ không phải sợ bệnh dịch, vì nếu tôi không có tiền, tôi sẽ ăn bằng gì? Làm thế nào để trả tiền ngủ trọ? Tôi không còn sợ bị lây nhiễm, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều đã bị nhiễm bệnh, rất có thể là về mặt tâm lý, nhưng thật đáng tiếc, ở Tây Ban Nha chúng tôi sống nhờ vào du lịch. Và chúng tôi không kiếm được đủ tiền để sống."