Bộ Công thương lên tiếng về việc hai thị trường Mỹ và EU có chủ trương ngưng nhập hàng dệt may từ Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.
Bộ Công thương phản hồi về việc EU, Mỹ muốn ngưng nhập hàng dệt may Việt Nam
Ngày 20.3, Bộ Công thương thông tin khẳng định, quy định kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của EU trước mắt có thể sẽ chưa tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU.
Cụ thể, trả lời báo chí, Đại diện Bộ Công thương cho biết, khi EU và Mỹ đóng cửa biên giới, hàng hoá khó lưu thông hoặc chưa lưu thông được nên nhiều đối tác từ EU nhập hàng của doanh nghiệp Việt đã báo cho nhau tạm thời chưa giao hàng, tạm ngưng nhập hàng.
“Đến nay, Bộ chưa có bất cứ thông tin nào về chủ trương tạm ngưng nhập hàng của EU hay Mỹ”, Bộ Công thương nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng lưu ý, trước diễn biến dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là việc “châu Âu trở thành tâm dịch Covid-19 mới của thế giới”, các nước EU quyết áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Điển hình như việc ngày 17.3, lần đầu tiên lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu thông qua một kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực EU.
Bộ Công thương cho rằng, quy định kiểm soát dịch bệnh này của EU trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU.
Do quy định chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân, hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế.
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương cũng nhận định, xét trên một số khía cạnh kinh tế, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa, đồng thời gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ.
Ngoài ra, lượng cung - cầu của thị trường, nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác, trong đó có Việt Nam cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại (đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU) khả năng sẽ suy giảm. Tuy nhiên, dự báo sức mua đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn có thể được duy trì.
Bộ lưu ý, trong bối cảnh dịch Covid-19, hàng hóa nhập khẩu vào các nước EU bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Ngoài ra, vận tải nội khối cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới.
Do đó, Bộ Công thương cho rằng, các quy định liên quan đến kiểm soát dịch cũng có thể gây đình trệ việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới giữa Việt Nam với các đối tác EU, cản trở các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư hai bên hay cản trở việc di chuyển của các chuyên gia và lao động trong những lĩnh vực bị hạn chế trong bối cảnh siết chặt cách ly để chống dịch.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc mở cửa thị trường, tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới, khơi thông hàng hóa cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh cơ hội cho hàng hóa sau dịch bệnh là rất lớn, qua đó có thể mở rộng, chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu phải làm rõ khó khăn của từng ngành hàng, các doanh nghiệp để từ đó có giải pháp cụ thể.
EU, Mỹ quyết định dừng nhập hàng dệt may khiến doanh nghiệp Việt Nam bất an
Mặc dù các nước EU và Mỹ không có chủ trương ngưng nhập hàng hoá vì Covid-19, tuy nhiên, nhưng do khó khăn nên nhiều đối tác vẫn buộc phải dừng đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
Từ đầu tháng 3, các doanh nghiệp dệt may đã phần nào giảm bớt các nỗi lo khi nguồn cung nguyên liệu được nối lại. Nhiều doanh nghiêp thậm chí đã dự định dồn lực sản xuất để bù đắp cho các đơn hàng cũ bị chậm. Tuy nhiên, mới đây việc một số đối tác đơn phương ngưng nhập hàng lại một lần nữa khiến các doanh nghiệp lao đao.
Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư & Thương mại TNG (Thái Nguyên) Nguyễn Văn Thời cho biết, do diễn biến phức tạp, lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 mà phía đối tác Pháp buộc phải thông báo dừng nhận đơn hàng.
Với TNG, thị trường EU là thị trường xuất khẩu chủ lực thời gian qua, chiếm tỷ trọng lên tới khoảng 40%. Việc các đối tác dừng nhận hàng khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi phải cơ cấu lại các mặt hàng sản xuất.
“Chúng tôi đang gấp rút tính toán lại, đơn hàng nào còn kịp xuất đi trong nay mai thì nhanh chóng chuyển, còn lại sẽ dừng”, ông Thời cho VnExpress biết. Theo dự tính, tới cuối tháng 4, TNG sẽ tồn khoảng 200 container hàng xuất đi EU, Mỹ bị đọng lại các kho. Điều này sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ khi mỗi container hàng có trị giá từ vài chục tới hơn một trăm nghìn USD.
Chung cảnh ngộ trên, một doanh nghiệp chuyên gia công hàng xuất khẩu sang Mỹ tại TP.HCM cho biết, vừa nhận được loạt thông báo từ khách hàng Mỹ về việc dừng nhập khẩu trong 3 tuần.
“Họ nói là tạm dừng, nhưng chúng tôi hiểu là có thể huỷ luôn đơn hàng, vì tình hình dịch bệnh phức tạp chưa biết tới bao giờ”, chủ doanh nghiệp bày tỏ.
Bà nhận định, trong bối cảnh dịch lây lan nhanh, đây là tình trạng chung khiến nhiều ngành, trong đó có thương mại dịch vụ tại Mỹ bị tê liệt.
“Mong khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn tại Mỹ, ngành bán lẻ, tiêu dùng khởi động lại thì lúc đó đối tác sẽ nối lại đơn hàng”, bà Sinh nói.
EU, Mỹ dừng nhập hàng, doanh nghiệp thành con nợ khó đòi của ngân hàng
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho biết, ban đầu, những tưởng đầu vào nguyên liệu là khó, thì nay khi đã có lại đầu vào nguyên liệu cho sản xuất, thì ngay lập tức đầu ra lại khó. Nhiều đơn hàng bị hủy hoặc tạm hoãn. Thời gian mở LC cũng kéo dài, nếu trước đây là 60 ngày, thì bây giờ là 120 ngày. Do vốn đọng ở nguyên phụ liệu, doanh nghiệp càng làm nhiều FOB càng khó khăn.
“Doanh nghiệp trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng. Quý I doanh thu của Hugaco đã giảm 20%”, ông Dương chia sẻ. Công ty cũng phải rà soát lại từng khâu và toàn bộ các khâu để giảm thiểu chi phí.
“Chúng tôi chưa đánh giá được toàn bộ thiệt hại. Chưa biết sắp tới sẽ hành động thế nào, tình hình thay đổi từng ngày, từng giờ...”, người đứng đầu Hagaco chia sẻ thêm.
Là một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, May 10 cũng không kém phần lo lắng.
“Chúng tôi gặp khó khăn kép, trong tháng 2 doanh nghiệp phải lo nhập nguyên vật liệu đảm bảo sản xuất liên tục, giờ đủ nguyên vật liệu thì dừng sản xuất, dừng giao hàng những lô đã sản xuất”, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 chi biết.
Theo ông Việt, các lô hàng đường biển của công ty trong tháng 3 đã phải dời sang tháng 4 và 5. Không những thế, hàng trăm ngàn sản phẩm khác phục vụ khách hàng Mỹ đang trên chuyền sản xuất thì cũng bị yêu cầu ngừng.
“Nếu việc ngừng này xảy ra trên diện rộng thì tổn thất sẽ rất lớn”, ông Việt nói.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm, đây chỉ là yêu cầu tạm dừng của các đối tác nhỏ lẻ, không phải là chủ trương của chính quyền các nước sở tại. Đây là điều dễ hiểu khi trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, đối tác gặp khó khăn, không bán được hàng.
“Khó khăn này là bất khả kháng, không riêng doanh nghiệp dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác của các quốc gia cũng đang bị tác động tương tự”, ông Cẩm cho hay.
Trong khi đó, việc xuất khẩu hàng hoá hiện vẫn diễn ra bình thường bên ngoài hai thị trường Mỹ, EU.
Sau khi nhận được thông báo từ các đối tác ở Mỹ, bà Sinh đã lập tức gọi điện, gửi email xác nhận lại với một loạt các đối tác khác tại Canada, Nga, Anh.
“Chúng tôi muốn hỏi kỹ lại họ về việc nhận đơn hàng, vì nếu vải cắt rồi, công nhân chạy chuyền rồi, hàng tới cảng mà đối tác không nhận là mình mất trắng. Hàng FOB mà không đi được, vốn chôn lại ở đó không biết khi nào mới thu hồi được”, bà cho biết.
May mắn là, các đối tác khác đều khẳng định sẽ nhận hàng, thậm chí chuyển trả gần hết luôn đơn hàng ngoài phần tiền cọc đã nhận khi ký kết hợp đồng trước đây. Nhờ đó, doanh nghiệp của bà phần nào đảm bảo có đủ đơn hàng chạy tới hết tháng 5. Tuy nhiên, bà không chắc chắn về tình hình sau đó, vì không rõ dịch sẽ còn kéo dài đến bao giờ.
Về phần mình, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú cho biết, doanh nghiệp của ông không mấy bị ảnh hưởng. Điều này chủ yếu bởi đa phần hàng của Phong Phú xuất sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, vì tình hình dịch có nhiều chuyển biến phức tạp nên bước sang quý II, doanh nghiệp dệt may sẽ bị tác động mạnh bởi nhiều thị trường khác sẽ đóng băng. Ngay cả là với đối tác Nhật, đơn hàng của công ty xuất sang nước này cũng sẽ có nguy cơ giảm mạnh trong quý II.
Theo ông Trình, ngành dệt may đang gặp khó bởi cả thị trường nội địa và quốc tế đều giảm sức tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp phải tìm cách cắt giảm các chi phí khác và giữ chân người lao động để tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thời (Chủ tịch TNG) cho biết, doanh nghiệp sẽ tính tới điều chỉnh lại sản xuất, thay đổi kế hoạch kinh doanh trong năm nay 2020.
“Cuối tháng 2, chúng tôi dự tính doanh thu có thể tăng khoảng 4% so với năm ngoái, nhưng diễn biến dịch phức tạp không ngờ khiến kế hoạch bị đảo lộn. Năm nay đạt được doanh thu bằng năm ngoái đã là quá may mắn, chỉ sợ cuối năm tình hình phức tạp thì sụt giảm doanh thu là điều không tránh được”, ông cho biết.
Được biết, Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm ngoái 2019, Việt Nam xuất siêu gần 26,6 tỷ USD sang thị trường EU. Trong số đó, các mặt hàng đem lại kim ngạch tỷ USD là dệt may, da giày, nông sản, máy móc thiết bị...
Việt Nam cũng xuất khẩu hàng dệt may gần 15 tỷ USD vào thị trường Mỹ năm ngoái. Theo số liệu ghi nhận của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ vẫn đạt xấp xỉ 2,3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay, mặc cho ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu quý I và II của Việt Nam sang EU có thể giảm 6-8% nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6. Các mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn sự giảm sút của nhu cầu thị trường.
Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, trước mắt công ty không tăng giờ làm, người lao động được cho nghỉ 2 ngày một tuần. Nếu vẫn tiếp tục gặp khó khăn hơn nữa thì giảm số ngày làm việc, cả lãnh đạo và công nhân cùng chia sẻ việc giảm thu nhập, nhưng vẫn đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu theo luật định.
“Vinatex vẫn thống nhất ưu tiên số 1 là giữ chân người lao động cho dù khó khăn đến thế nào đi chăng nữa để cố gắng vượt qua điểm đáy của thị trường”, ông Trường khẳng định.
Về phần mình, ông Trương Văn Cẩm hy vọng Chính phủ sẽ sớm có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách như miễn, giãn nợ, giảm lãi suất vay... càng sớm đi vào thực tế ngày nào thì sẽ càng giúp doanh nghiệp bớt đi gánh nặng ngày đó.
Trong khi đó, ông Thân Đức Việt đề nghị, ngoài chính sách giảm lãi, thúc, giãn nợ, Chính phủ nên hỗ trợ tiền lương cho người lao động tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, giống như điều mà Chính phủ một số nước khác đang làm.