Giá trưng bày mới ngay bên cạnh các vật trưng bày nói về sự tham gia của các chuyên gia quân sự Nga trong Chiến tranh Việt Nam.
Phần thưởng đặc biệt
Liên Xô đã quyết định sử dụng huân chương này vào cuối năm đầu tiên của cuộc chiến, vào tháng 5 năm 1942. Trong những năm chiến tranh và thời hậu chiến, 345 nghìn người đã được tặng thưởng huân chương Chiến tranh Vệ quốc. Phần thưởng cao quý được trân trọng lưu giữ trong gia đình họ. Khi đó đã có quy tắc: sau khi người được tặng qua đời, gia đình phải trao lại phần thưởng này cho nhà nước. Một ngoại lệ chỉ là huân chương Chiến tranh Vệ quốc.
Trước thềm lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng, vào tháng 3 năm 1985, theo sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô, hơn hai triệu người tham gia chiến tranh đã được trao tặng phần thưởng cao quý này. Bạn có thể đọc trên Wikipedia rằng, vào tháng 11 năm 1985, Liên Xô đã tổ chức lễ trao tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc lần cuối cùng. Tuy nhiên, sau đó đã có một sắc lệnh khác: vào ngày 12 tháng 12 năm 1986 cơ quan nhà nước cao nhất của Liên Xô đã ký sắc lệnh năm người Việt từng tham gia bảo vệ Mátxcơva được truy tặng huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất. Chính họ là những ngưười cuối cùng được truy tặng phần thường cao quý này. Sau đó không có người nào được tặng huân chương này. Phái đoàn Liên Xô đến Hà Nội để tham dự Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao phần thưởng này cho những người thân của các anh hùng. Tên tuổi của những chiến sĩ Hồng quân người Việt được tôn vinh trong triển lãm của Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Nga. Đó là Vương Thúc Tình, Lý Anh Tạo, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất và Lý Phú San.
Con đường đến Nga và con đường chiến đấu. Nhiều năm tìm kiếm
Lần đầu tiên, sự thật về những người Việt tham gia bảo vệ Matxcơva được công chúng biết đến vào năm 1967, từ một cuộc phỏng vấn của Đài Phát thanh Matxcơva (tiền thân của Sputnik hiện tại) với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng. Vào năm 1971, nhà xuất bản của Bộ Quốc phòng Liên Xô.đã ra mắt cuốn hồi ký của Ivan Vinarov, người Bulgaria, Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, nguyên chỉ huy lực lượng phòng thủ Matxcơva.
Như vậy khi đó thông tin duy nhất được biết đến là trong số những người lính Liên Xô bảo vệ Matxcơva vào cuối năm 1941 có những người Việt. Chưa biết tên, chưa biết bất kỳ chi tiết nào. Sau đó Ban Việt ngữ của Đài phát thanh Matxcơa cùng với các cựu nhân viên của Ủy ban Quốc tế Cộng sản, các đảng viên lão thành của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Việt Nam, các nhà sử học, các nhân viên bảo tàng và kho lưu trữ của cả hai nước, những người từng tham gia trận chiến ở Matxcơva, các Hội Hữu nghị ở Nga và Việt Nam, đã bắt đầu cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều năm.
Đã có rất nhiều khó khăn. Vấn đề phức tạp nhất là trong các kho lưu trữ không có tài liệu nào cho thấy rằng, những người Việt mang các tên này đã phục vụ trong các đơn vị Hồng quân. Vấn đề là ở chỗ, tất cả những người này đã đến Matxcơva để nghiên cứu học tập sự nghiệp cách mạng. Các cơ quan an ninh của Pháp và Đông Dương thuộc Pháp đã truy tìm những người đó và thường xuyên theo dõi gia đình của họ ở quê hương. Ở Liên Xô, những người Việt Nam đã sống với hộ chiếu giả, tên họ theo kiểu Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Quốc tịch thực sự của họ cũng không được chỉ ra trong các tài liệu thời đó. Họ đã được liệt kê vào danh sách công dân các nước cộng hòa Trung Á của Liên Xô vì họ trông giống như người Kazakhstan hoặc Kyrgyzstan.
Quá trình tìm kiếm mang lại những kết quả nào?
Đường dài đến Matxcơva
Vào ngày 10 tháng 7 năm 1926, Hồ Chí Minh đã gửi một báo cáo đến đoàn chủ tịch Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc, trong đó ông cho biết rằng ông đã thành lập một nhóm thiếu niên tiên phong Việt Nam tại Quảng Châu. Mười hai ngày sau, ông hướng tới Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản yêu cầu gửi một số thiếu niên yêu nước Việt Nam từ Quảng Châu sang Matxcơva để họ có thể theo học tại các cơ sở đào tạo đại học Xô-viết.
Và ngày hôm sau, 23 tháng 7 năm 1926, Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư chi tiết hơn về chủ đề này tới Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Liên Xô. Ông đã viết:
“Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu - Trung Quốc) một nhóm thiếu niên Việt Nam. Các em từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước Việt Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức và ở đó mọi việc giáo dục điều bị cấm. Các em đã để cha mẹ ở nhà cách hàng nghìn ki-lô- mét để bí mật đến Trung Quốc. Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em bỏ nhà đi ra nước ngoài, như những người cách mạng. Lúc chúng tôi nói với các em về cách mạng Nga, về Lê - nin và về các bạn những chiến sĩ Lê - nin - nít nhỏ tuổi thì các em rất sung sướng và đòi sang với các bạn học tập với các bạn và để trở thành như các bạn - những chiến sĩ Lê - nin - nít nhỏ tuổi”
Và cuối thư Hồ Chí Minh hỏi, nếu đề nghị của ông được chấp nhận, xin thông báo Matxcơva có thể chấp nhận bao nhiêu trẻ em, các cháu sẽ sống theo địa chỉ nào để ông có thể liên lạc với họ.
Yêu cầu của Hồ Chí Minh đã được hưởng ứng rất tích cực. Và một nhóm thiếu niên Việt Nam đã được thành lập để sang Liên Xô. Họ đã vượt qua hành trình dài và khó khăn từ Quảng Châu qua Xiêm và Hồng Kông, và đã đến Matxcơva vào những năm 1930-31, tức là ở độ tuổi 17-22.
Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi họ không liệt vào danh sách học sinh của trường nội trú cho con cái của các nhà cách mạng nước ngoài ở thành phố Ivanovo gần Matxcơva. Họ lớn tuổi hơn so với đội ngũ học sinh của trường này. Những người Việt - không còn là trẻ em, mà là những người trẻ tuổi - được đưa vào một trong những ký túc xá sinh viên của Matxcơva, vì điều đầu tiên họ phải làm là học tiếng Nga.
Điều gì xác nhận rằng, họ đã đến Matxcơva vào thời điểm đó chứ không phải sớm hơn? Trong nhóm thanh niên này có Vương Thúc Thoại, sinh ở tổng Kim Liên, năm 1911. Em trai út của ông, Vương Thúc Sâm cho biêt rằng, ngay sau năm 1931, một sĩ quan cảnh sát đã gọi mẹ của họ để thẩm. Sĩ quan muốn biết con trai cả của bà đã đi đâu. Bà đã trả lời, con tôi đã chết.
Nhưng, sĩ quan bác lại: con trai của bà còn sống, đang tham gia hoạt động cách mạng và mang tên Lý Thúc Chất. Để chứng minh điều đó, sĩ quan giới thiệu với bà bức ảnh của một chàng trai trẻ đội mũ kiểu châu Âu. Bức ảnh này được chụp vào năm 1929 tại Hồng Kông. Ông Vương Thúc Sâm hồi tưởng lại, mẹ đã nhận ra con trai cả của bà trên bức ảnh, nhưng, tất nhiên, không thừa nhận điều này với nhân viên cảnh sát.
Theo hồi tưởng của ông Sâm, vài năm sau, gia đình đã nhận được một lá thư không có địa chỉ gửi lại của Vương Thúc Thoại nay mang tên Lý Thúc Chất, cha mẹ nhận ra rằng bức thư đến từ Nga và con trai cả của họ đang ở đó.
Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa, vào năm 1929, Lý Thúc Chất chưa đến Nga mà vẫn còn ở Hồng Kông. Có nghĩa là toàn bộ nhóm thiếu niên Quảng Châu cũng đang ở đó. Vào cuối năm 1929, Hồ Chí Minh có thể đưa họ đến Hồng Kông từ căn cứ của những người di cư Việt Nam ở Xiêm, nơi họ hiện diện sau cuộc đảo chính của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc vào mùa xuân năm 1927.
Cuộc sống ở Matxcơva trước chiến tranh
Cuối cùng họ đã đến Matxcơva. Nhưng họ không phải là những người Việt duy nhất ở đây. Vào thời điểm đó, vài chục đồng bào của họ đang theo học trong các cơ sở giáo dục của Quốc tế Cộng sản. Không có nghi ngờ gì rằng, ở Matxcơva những chàng trai đến từ Quảng Châu đã gặp gỡ với Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Tât nhiên, họ cũng đã tiếp xúc với Hồ Chí Minh, Người đã đến Matxcơva lần thứ ba vào tháng 2 năm 1934 và đã ở lại Liên Xô cho đến tháng 10 năm 1938. Bác Hồ rất quan tâm đến số phận của các thanh niên mà ông biết từ khi họ còn nhỏ ở Quảng Châu. Như vậy, ngoài các đồng chí Nga, còn có những người Việt có thể giúp họ học tiếng Nga, làm quen với điều kiện sống ở Matxcơva với khí hậu lạnh hơn và những món ăn lạ miệng.
Cũng không có nghi ngờ gì rằng, các tổ chức giúp Hồ Chí Minh đưa các thiếu niên từ Quảng Châu đến Matxcơva vào năm 1926, đã tìm việc làm cho họ.
Ông Nikolai Ermolov, cựu nhân viên Ủy ban Quốc tế Cộng sản, người đã làm việc trong ủy ban trung ương của Tổ chức Quốc tế Hỗ trợ các chiến sỹ Cách mạng vào cuối những năm 1930, hồi tưởng lại:
“Cùng với các công dân Liên Xô, nhiều người nước ngoài di cư vì lý do chính trị đã làm việc trong tổ chức này. Chúng tôi không hỏi họ đến từ nước nào, tên thật của họ là gì bởi vì họ phải duy trì bí mật, cảnh sát đang truy tìm họ ở quê nhà, họ hàng của họ vẫn ở đó. Có một lần, ngồi gần tôi tại cuộc họp có một thanh niên tóc đen ngắn. Chủ tọa nói, tiếp theo xin nhường lời cho đồng chí Ly - và người thanh niên này đã lên bục giảng. Anh đã phát biểu rất hay khiến cho mọi người cảm thấy hứng thú lắng nghe về tình hình ở Đông Dương, về những gì cần phải làm để giúp đỡ các chiến sỹ cách mạng, giúp đỡ gia đình của các đồng chí bị bắt giữ và bị xử tử ... Khi anh nói xong, tôi hỏi làm sao anh biết tình hình ở Đông Dương tốt đến vậy. Đây là quê hương tôi, anh Ly trả lời”.
Tất cả những người trẻ này đã tiếp tục sống và làm việc tại Matxcơva cả sau khi hầu hết đồng bào của họ rời khỏi Nga vì các cơ sở giáo dục của Quốc tế Cộng sản đóng cửa. Họ đã hiện diện tại đây vào ngày 22 tháng 6 năm 1941, khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô.