Một trong những nguyên nhân của điều đó có thể là miễn dịch suy giảm cùng với tuổi tác: số lượng và sự đa dạng của các tế bào lympho T đều giảm, và các tế bào còn lại không thể phản ứng với nhiễm trùng nhanh hơn trước. Sau đây là bài của Sputnik về cách tăng cường hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể.
Giấc ngủ củng cố khả năng miễn dịch
Vào năm 2015, các nhà khoa học từ Đại học California tại San Diego đã thực hiện một cuộc thí nghiệm: 164 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 55 đã được chích Rhino virus, sau đó các nhà khoa học theo dõi quá trình nhiễm trùng. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận ở những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm trong một tuần. Còn những tình nguyện viên ngủ 7-9 giờ mỗi đêm vẫn khỏe mạnh, mặc dù bị nhiễm trùng.
Theo các tác giả của cuộc nghiên cứu, điều này đã chứng minh mối liên hệ giữa khả năng miễn dịch và chất lượng giấc ngủ. Bốn năm sau, các nhà khoa học Đức cũng đã chứng minh rằng, khả năng kháng virus và vi khuẩn tùy thuộc vào chất lượng giấc ngủ của chúng ta.
Hóa ra các tế bào lympho T phối hợp các phản ứng miễn dịch đóng vai trò chính trong quá trình này. Tế bào lympho T nhận ra các tế bào bị nhiễm bệnh, gắn vào chúng và sau đó tiêu diệt chúng. Hơn nữa, trong cơ thể con người có một số loại chất (ví dụ như hormone tuyến tiền liệt) có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống bảo vệ. Dưới ảnh hưởng của chúng, các tế bào T tạo ra ít protein đặc biệt hơn, khả năng gắn vào các tế bào bị bệnh giảm đi, do đó kết quả hoạt động là kém hơn. Tuy nhiên, trong khi ngủ, nồng độ hormone ức chế trong cơ thể giảm đi rõ rệt và các tế bào lympho T hoạt động thành công hơn.
Kết quả nghiên cứu về các mẫu sinh học được lấy từ những người khỏe mạnh và những người tình nguyện bị chứng mất ngủ đã xác nhận giả định của các chuyên gia. Bây giờ các nhà khoa học cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi: liệu có thể làm giảm nồng độ hormone ức chế tế bào T hay không.
Không phải tất cả mọi thứ ngọt ngào đều gây hại
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, chỉ 48 gram socola đen chứa ít nhất 70% ca cao có thể củng cố đáng kể hệ thống miễn dịch. Năm tình nguyện viên được cho ăn socola đen trong vài ngày, và hoạt động não của các đối tượng được đo bằng điện não đồ.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc ăn socola đen tác động tích cực đến các vùng não liên quan đến trí nhớ và xử lý cảm giác. Điều này dẫn đến việc kích hoạt các tế bào lympho T và cải thiện khả năng miễn dịch. Người tham gia thí nghiệm ăn socola đen càng lâu thì điều này càng củng cố thêm hệ thống phòng thủ của cơ thể.
Các nhà khoa học cho rằng, hạt ca cao giúp ngăn chặn protein kinase hoạt hóa bởi mitogen, một loại enzyme ảnh hưởng đến chức năng của protein trong các tế bào miễn dịch. Trong khi đó, các kênh truyền tín hiệu khác với sự tham gia của các tế bào lympho T được kích hoạt.
Uống rượu không giúp được gì
Theo công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Maryland (Mỹ), ngay cả một lượng rượu nhỏ sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến con người dễ bị nhiễm virus và vi khuẩn.
Các nhà nghiên cứu đề nghị 15 tình nguyện viên trẻ (độ tuổi trung bình 27 tuổi) uống liên tiếp năm ly shot rượu vodka có dung tích 50ml. Sau đó, các nhà khoa học lấy máu ba lần - sau 20 phút, sau 2 giờ và sau 5 giờ.
Phân tích các mẫu đầu tiên cho thấy rằng uống rượu đã khiến hệ miễn dịch của cơ thể đáp ứng tích cực. Tuy nhiên, sau một vài giờ, nồng độ bạch cầu đóng vai trò chính trong việc bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh bên trong và bên ngoài đã giảm đáng kể. Các phân tích sau đó cho thấy rằng, nồng độ protein cytokine trong máu đã tăng cao, điều đó cho thấy cơ thể bị suy giảm miễn dịch.
Trạng thái tâm lý lành mạnh
Các nhà khoa học Israel đã phát hiện ra rằng, việc kích hoạt trung tâm khoái cảm trong não (ví dụ, khi con người trải qua cảm xúc tích cực hoặc giải quyết vấn đề một cách chính xác) giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã kích thích khu vực này trong não của chuột thí nghiệm và ghi nhận sự kích hoạt nhỏ nhưng có ý nghĩa thống kê của các tế bào miễn dịch trong máu và gan của động vật. Tuy nhiên, chưa phát hiện định hướng chống viêm rõ ràng trong phản ứng này.
Một ngày sau khi kích thích khu vực này trong não, các con chuột thí nghiệm đã được tiêm vi khuẩn Escherichia coli, và các nhà khoa học đã thấy rằng, mức độ hấp thu vi khuẩn bởi đại thực bào và tế bào đuôi gai là cao gấp 2,5 lần so với các động vật chưa bị nhiễm bệnh từ nhóm đối chứng. Ngoài ra, ở những con chuột bị nhiễm bệnh, đáp ứng miễn dịch ở lá lách và gan là mạnh hơn. Hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại vi khuẩn và virus bắt đầu suy giàm chỉ một tuần sau khi các nhà khoa học kích thích khu vực này trong não.
Các tác giả của cuộc nghiên cứu cho rằng, điều này giải thích hiệu quả giả dược (placebo effect) trong quá trình điều trị nhiễm trùng. Hiệu quả placebo dựa vào niềm tin chữa hết bệnh mà bạn có thể cảm thấy. Và hệ thống phần thưởng của bộ não cũng tham gia vào việc hình thành các kỳ vọng.