Cơ sở kinh doanh ăn uống ngừng phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ mang đi
Ngày 28/3, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND 24 quận, huyện triển khai hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, trong đó có cửa hàng, quầy hàng, quán giải khát, nhà hàng, khách sạn, căng tin cơ quan, bệnh viện, thức ăn đường phố.
Cụ thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn gồm: cửa hàng, quầy hàng, quán ăn, quán giải khát, nhà hàng khách sạn, căng-tin cơ quan, bệnh viện, thức ăn đường phố không được tổ chức phục vụ cho khách ăn, uống tại chỗ, chỉ được bán hàng mang đi, bán hàng, đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi.
Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa 2 người, bảo đảm an toàn khi giao nhận hàng.
Riêng các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể của công ty, xí nghiệp vẫn hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo an toàn chống dịch cho người ăn, giảm số lượng người sử dụng suất ăn trong cùng một thời điểm, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa 2 người ăn.
Thời điểm áp dụng các biện pháp nêu trên từ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4.
Đến từng nhà lấy mẫu xét nghiệm những người nhập cảnh từ 8/3
Nhằm tăng cường giám sát tại cộng đồng, từ ngày 28/3 đến ngày 5/4, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị các quận, huyện trên địa bàn tổ chức đến từng nhà, các cơ sở lưu trú rà soát kỹ, lập danh sách tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 8/3 đang cư trú, lưu trú trên địa bàn quận, huyện để yêu cầu cách ly tại nhà theo quy định, khai báo y tế (nếu chưa thực hiện) và cập nhật tình hình sức khỏe.
Ngoài ra, trung tâm y tế quận, huyện cũng phải rà soát trong cơ sở cách ly tập trung và lập danh sách những người chưa được xét nghiệm COVID-19. Để thực hiện điều này, các địa phương huy động đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh của địa phương thực hiện việc cập nhật tình hình sức khỏe người nhập cảnh và lấy mẫu xét nghiệm; khẩn trương tập huấn phương pháp lấy mẫu cho nhân viên y tế của đơn vị để tham gia thực hiện.
Sở Y tế thành phố cũng đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể thành phố phổ biến việc rà soát người nhập cảnh chưa được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm như trên để cán bộ, công chức cùng biết, chủ động thông báo cho địa phương nơi cư trú nếu thuộc vào các trường hợp trên.
Tính đến sáng ngày 28/3, TP.HCM đã ghi nhận 44 ca nhiễm COVID-19. Hơn 9.000 người đang được cách ly tập trung tại các cơ sở của thành phố, 551 trường hợp theo dõi tại các cơ sở cách ly quận huyện và 1.536 ca giám sát tại nhà, nơi lưu trú.