Ngày càng nhiều báo chí và chuyên gia từ các nước khác nhau cố gắng tìm giải đáp cho câu hỏi này. Coronavirus tiếp tục là chủ đề chính trong các bài viết và tin tức về Việt Nam trên báo chí Nga và nước ngoài. Đồng thời còn có các bài viết thú vị về lịch sử, các vấn đề xã hội và kinh tế, mà chúng tôi cũng sẽ giới thiệu sau đây. Xin mời các bạn theo dõi tổng quan hàng tuần của Sputnik trong chuyên mục «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Cách ly nghiêm ngặt và theo dõi rộng các tiếp xúc
Mặc dù Việt Nam là một trong những nước nghèo ở Đông Nam Á, nhưng những nỗ lực thông minh chống coronavirus đã đảm bảo tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn so với nhiều nước láng giềng, - The New York Times viết và thông báo về những biện pháp mới trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Việt Nam hạn chế các chuyến bay nội địa và dừng tất cả các cuộc họp công cộng trong hai tuần kể từ thứ Bảy. Hơn 57 nghìn người đang ở các khu cách ly.
«Việt Nam không có khả năng chống coronavirus theo phong cách của Hàn Quốc, tức là tiến hành 350 nghìn xét nghiệm. Mà nước này áp dụng cách ly kiểm dịch nghiêm ngặt, sớm hơn nhiều so với Trung Quốc, và không giống như các nước phương Tây, Việt Nam không chỉ theo dõi ở cấp thứ nhất, mà chú ý cả cấp thứ hai, thứ ba và thứ tư về các tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Việt Nam đã thực hiện một hệ thống giám sát công cộng rộng rãi, sử dụng lực lượng các quân nhân vốn có kỷ luật, được dân chúng tin cậy và tôn trọng. Chính phủ đã ví cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh như chiến dịch quân sự và huy động các cư dân, trong khi chấp nhận dự kiến phí tổn kinh tế không nhỏ. «Mọi người đang làm tất cả những gì có thể bởi vì họ tin vào Chính phủ nước mình trong cơn khủng hoảng này và tin vào thành công của cuộc chiến chống coronavirus», - báo Đức nhận xét.
Trong kinh tế, không phải mọi thứ đều tệ
Tờ National Post thông báo rằng Bộ Tài chính Việt Nam tuyên bố sẽ cung cấp gói 80 nghìn tỷ đồng (3,39 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi coronavirus. Bloomberg viết rằng GDP Việt Nam tăng trưởng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ chí ít là năm 2013, so với mức tăng trưởng trung bình dự kiến là 5,1% trong một khảo sát của Bloomberg. Còn The Star Online cho rằng Việt Nam đã tận dụng tối đa Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để đạt sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể sang Canada và Mexico.
Seeking Alpha dẫn ý kiến của các chuyên gia phương Tây cho rằng khi Trung Quốc bị dịch bệnh coronavirus hoành hành, các nhà đầu tư ngày càng tích cực suy tính thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tờ Daily News Vladivostok báo tin rằng Việt Nam đang xem xét mở cửa khẩu biên giới ở tỉnh Lạng Sơn giáp với Trung Quốc để thu xếp cung cấp nông sản cho Trung Quốc. Và ấn phẩm Fintech giới thiệu 4 công ty khởi nghiệp Việt Nam quan tâm thú vị từ ví điện tử cho đến nền tảng trao đổi quà tặng.
Bài học từ chiến tranh Việt Nam
Ngày 29 tháng 3 đánh dấu mốc 47 năm Mỹ rời khỏi Việt Nam. Tờ Milwaukee Independent dành bài viết nói về tác động rất mạnh từ những bài học của chiến tranh Việt Nam. Ấn phẩm gọi cuộc chiến này là «sản phẩm hôi thối của nền chính trị dối trá» và liệt kê tất cả những thủ đoạn lừa dối của Chính phủ Hoa Kỳ với dân Mỹ và toàn thế giới. "Trên thực tế, khó tìm ra một vũ đài chính trị lớn ở Hoa Kỳ, nơi mà chính sách cơ bản không dựa trên sự dối trá", - tác giả viết, khi liên tưởng từ quá khứ đến hiện tại. Còn Bloomberg so sánh thất bại ở Việt Nam với lối hành xử của Tổng thống Trump trong cuộc chiến chống lại coronavirus.
«Cách xử lý kém cỏi của Donald Trump trong đại dịch Covid-19 không khác gì sự bất lực chết người của Tổng thống George Bush trước siêu bão Katrina năm 2005. Nhưng đây không phải là cơn bão Katrina của Trump mà đây thực sự là một Việt Nam của ông ta», - tác giả bài báo kết luận.