TCP / IP được nghĩ ra trước giao thức http. Đây là cơ sở của kết cấu mà mạng lưới internet trên toàn thế giới hoạt động cho đến ngày nay. Điểm mấu chốt là số lượng thông tin được truyền từ người dùng A sang người dùng B. Tuy nhiên do lượng lớn dữ liệu có thể được truyền tới nhiều người dùng một lúc qua một kênh vật lý, để tránh “chờ đợi xếp hàng”, nên thông tin được truyền đồng bộ đến những người dùng khác nhau theo từng phần, hoặc gọi là các gói. Sau đó, chúng được lắp ráp lại từ các gói khác nhau cho người nhận cuối. Do đó, giao thức TCP mô tả các quy tắc phân chia thông tin thành các gói, sau đó ghép lại với nhau. Còn giao thức IP không gì khác hơn là các quy tắc gán địa chỉ thống nhất cho người gửi và người nhận thông tin.
Theo Huawei, giờ đây quy tắc vận hành mạng internet này không còn có thể đáp ứng nhu cầu hiện đại của người dùng, và trong tương lai vấn đề sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Khi dữ liệu chỉ là văn bản, hay các tệp kích thước nhỏ được truyền qua mạng, TCP / IP là một thiết kế khá tốt. Nhưng bây giờ sự tương tác trong mạng không chỉ ở người dùng. Internet vạn vật, giao tiếp giữa các máy, Internet xúc giác, khám chẩn bệnh từ xa, xe tự lái, thông tin liên lạc ba chiều...v..v đang tích cực phát triển. TCP / IP, mang tính trung lập, tỏ ra không còn phù hợp. Mạng trở nên đa lớp tùy thuộc vào các lĩnh vực ứng dụng khác nhau, và các tham số riêng của nó trở nên cực kỳ quan trọng cho mỗi lớp và tổng thể. Ví dụ các cuộc gọi ba chiều video độ phân giải cao yêu cầu tốc độ truyền dữ liệu cực nhanh. Và đối với giao tiếp giữa các máy, điều quan trọng nhất là không có sự chậm trễ và kết nối phải đáng tin cậy. Về mặt lý thuyết, với kiến trúc mạng hiện có, xe ô tô tự lái có thể “đóng băng” nếu mạng bị quá tải, ví dụ như do phát trực tuyến (life - streaming). Nhưng điều này không thể được cho phép.
Các chi tiết kỹ thuật trong tiêu chuẩn mới đề xuất của Huawei vẫn chưa được tiết lộ. Theo FT, công ty nói tiêu chuẩn đang được phát triển, các yếu tố hệ thống mới sẽ sẵn sàng để thử nghiệm vào năm 2021. Sau khi thử nghiệm, sẽ rõ ràng hơn về tiêu chuẩn mà Huawei đề xuất áp dụng. Rõ ràng, các giao thức hiện tại đang trở nên lỗi thời và cần phải thay đổi. Trong tình thế này, điều quan trọng là phần còn lại của cộng đồng toàn cầu chấp nhận các tiêu chuẩn Trung Quốc đến đâu, giáo sư Hu Xianfeng từ Viện Phần mềm tại Đại học Tongji (Thượng Hải), nói với Sputnik.
"Khi khoa học và công nghệ phát triển, các giao thức cũ có thể không còn đáp ứng yêu cầu về tính ổn định, hiệu quả trong việc truyền thông tin, ví dụ như truyền âm thanh, video, cho xe tự lái, ứng dụng tài chính hoặc kinh doanh, v.v. Rốt cuộc, các giao thức được phát triển có tính đến thực tế khi đó và nếu bây giờ mọi thứ đã thay đổi, cần tạo ra cái gì đó mới. Bất kỳ công nghệ nào cũng có vòng đời riêng. Nếu giao thức cũ không đáp ứng các yêu cầu hiện đại, nó sẽ được thay thế bằng thứ mới. Nhưng vấn đề ở chỗ tiêu chuẩn mới sẽ được cộng đồng thế giới chấp nhận đến đâu. Giao thức TCP / IP đã hoạt động rộng rãi trên toàn thế giới, sẽ không dễ dàng để thay thế nó chỉ qua một đêm. Vì vậy phải một thời gian nữa, chúng ta mới nhìn thấy giao thức mới được đề xuất sẽ ở đâu".
Trong đề xuất tiêu chuẩn ITU của mình, Huawei đã chứng minh lợi thế của giao thức mới bằng ví dụ. Giả sử cảm biến chuyển động ngôi nhà thông minh phát hiện ra “hoạt động đáng ngờ” và gửi báo động. Camera giám sát nhận tín hiệu và ghi lại chuỗi video, gửi cho chủ sở hữu qua điện thoại thông minh. Đánh giá tình hình, người chủ quyết định không có nguy hiểm, gửi lệnh đến camera rằng mọi thứ đều bình thường. Camera truyền tín hiệu tương ứng đến các cảm biến và tất cả các thiết bị trong chuỗi này lại bắt đầu hoạt động ở chế độ "chờ". Với kiến trúc mạng hiện tại, tất cả các giao tiếp được thực hiện thông qua mạng toàn cầu và liên quan đến các máy chủ tên miền DNS gốc. Tiêu chuẩn Huawei đề nghị thực hiện liên lạc trực tiếp giữa các thiêt bị, bỏ qua cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu và chỉ sử dụng trong một liên kết - khi truyền thông tin cho chủ sở hữu trên điện thoại thông minh ở xa. Do đó, bạn có thể giảm tải cho mạng internet toàn cầu và tối ưu hóa công việc.
Tối ưu hóa hoạt động trên nguyên tắc bỏ qua mạng trung gian. Theo FT, trong các cuộc thảo luận tại ITU, Huawei đã đề xuất làm cho mạng internet trở nên được điều tiết hơn từ “phía trên”, việc định tuyến lưu lượng, cũng như mức độ ưu tiên các lớp khác nhau trong mạng có thể được xác định trực tiếp. Cách tiếp cận này đã gây ra phản ứng tiêu cực trong một số thành viên ITU. Cụ thể, Patrik Fältström, người điều hành Internet ở châu Âu và hiện là thành viên của Ban kiểm soát ICAAN, lưu ý sự quyến rũ của kiến trúc hiện tại của Internet là sự trung lập, dành cho mọi đối tượng và không bị ai kiểm soát. Và các tiêu chuẩn do Trung Quốc đề xuất vô hiệu hóa ý tưởng tự do này.
Mặt khác, Internet ở dạng hiện tại cũng không phải là một cộng đồng tự do và không được quản lý. Sau bong bóng dot-com, internet đã bị độc quyền bằng những gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook, Amazon. Họ thiết lập quy tắc riêng cho sự tương tác của mọi người với nhau trong không gian mạng, quản lý theo quyết định của họ dựa trên dữ liệu cá nhân người dùng. Họ quyết định ai sẽ nhận được quyền truy cập vào dịch vụ và ai không có, bảo lưu quyền không giải thích lý do từ chối. Internet hiện giờ, thực sự ít bị nhà nước kiểm soát, nhưng điều này không có nghĩa là nó được cung cấp công khai và miễn phí như trước đây. Do đó Trung Quốc hiện đã chọn thời điểm tốt để đề xuất các tiêu chuẩn mới cho tổ chức không gian mạng toàn cầu.