Ấn Độ dự định mua máy thở và khẩu trang từ Trung Quốc. Thông tin này được Reuters đưa ra, dẫn tin từ một nhà chính trị Ấn Độ cấp cao ẩn danh, tham gia vào kế hoạch của chính phủ đối phó với dịch bệnh. Nguồn tin thứ hai của hãng tin, liên quan đến chương trình dịch tễ, cũng ghi nhận sự quan tâm của các nhà sản xuất Trung Quốc trong việc cung cấp thiết bị y tế cho Ấn Độ. Ông nói đề xuất chào hàng đã được gửi đến các cơ quan ngoại giao Ấn Độ ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Nhận xét về thông tin này, chuyên gia từ Viện Á - Phi tại Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, ông Vladimir Volkhonsky, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhắc lại Trung Quốc là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, cùng với Hoa Kỳ và UAE. Chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tiềm năng của Hoa Kỳ và UAE, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, trước tình hình dịch tễ học hiện khó khăn ở các nước này, để thực sự giúp Ấn Độ khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung cấp vật tư y tế.
«Trung Quốc thực sự có khả năng giúp đỡ Ấn Độ, quốc gia đang đứng trước sự lây lan virus mạnh mẽ. Rất khó để Ấn Độ tự giải quyết vấn đề trong một thời gian ngắn. Đặc biệt sẽ mất nhiều thời gian để định hướng lại ngành công nghiệp dược phẩm, mặc dù họ là một trong những nước lớn nhất trên thế giới, sản xuất thuốc men chống virus. Các chính trị gia có đầu óc thực tế ở Ấn Độ trông cậy vào sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tuy nhiên có những người nghi ngờ việc Trung Quốc có thể hỗ trợ, lý do từ những giáo điều về ý thức hệ và chính trị. Điều này là không tự nhiên trong mối quan hệ Trung-Ấn».
Ấn Độ với dân số hơn 1,3 tỷ người, số ca nhiễm và tử vong do coronavirus được xác nhận chưa phải quá cao - 1251 và 32 vào ngày 31 tháng 3. Nhưng tình trạng đông đúc ở các khu dân cư, một số lượng lớn người vô gia cư làm phức tạp đáng kể việc thực hiện các biện pháp kiểm dịch của chính phủ, đặc biệt là chế độ «giữ khoảng cách xã hội» trong 21 ngày.
Một vấn đề nghiêm trọng trong việc cô lập dân chúng là những người lao động di cư. Hàng trăm ngàn công nhân nhập cư không thể trả tiền ăn hoặc thuê nhà do hoạt động kinh tế bị đình trệ trong thời gian phát dịch. Nhiều người cùng với trẻ em của họ, trong những ngày này đi bộ quãng đường dài hàng trăm km từ thành phố về nhà. Đồng thời, chính quyền ban đầu cho phép di chuyển từ thành phố về làng, và từ nửa đêm ngày 24 tháng 3 chính thức áp đặt phong tỏa - yêu cầu các bang đóng cửa biên giới và giải tán đám đông người di cư. Kể từ ngày 30 tháng 3, những người lao động nhập cư bị cảnh sát cưỡng bức quay trở lại nơi sinh sống cũ của họ, mặc dù thực tế họ không có đồ ăn và nơi trú ẩn ở đó. Tất cả điều này làm tăng nguy cơ lây lan virus, khả năng xảy ra hiệu ứng domino rất cao.
Trung Quốc, ngay từ đầu, có thể chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, theo ông Lung Xingchun - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ của Đại học Sư phạm Tây Trung Quốc.
Ấn Độ có nền tảng y tế công cộng yếu kém, khả năng cực kỳ hạn chế để kiểm nghiệm (test) dân số về coronavirus, cũng như theo dõi các con đường lây nhiễm virus và thống kê ca bệnh. Đồng thời, truyền thông Ấn Độ đưa tin Tòa án Tối cao, hiện đang xử lý việc kiểm dịch người lao động di cư, đã lo lắng nhớ lại rằng "nỗi sợ hãi và hoảng loạn là một vấn đề lớn hơn chính coronavirus". Trong những điều kiện này, sự lựa chọn nhanh chóng của Ấn Độ đối tác quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19 sẽ giúp họ tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc, cũng như cứu nhiều mạng sống.