Chỉ 5 năm sau đó các máy bay chiến đấu MiG của Liên Xô lừng danh trong những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược mới bắt đầu được cung cấp cho Việt Nam DCCH, còn vào năm 1960, Matxcơva đưa tới Việt Nam các máy bay vận tải quân sự «Li-2» và «Il-14», có thể sử dụng để vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như phục vụ các chiến dịch đổ bộ. Mục tiêu cơ bản của những người Xô-viết vừa đến là đào tạo nhân sự Việt Nam để điều khiển số máy bay này. Và đồng thời chính các phi công Liên Xô đảm trách công việc đưa hàng vật tư quân sự và thuốc men từ Việt Nam sang đất nước láng giềng để hỗ trợ cho Mặt trận Yêu nước của Lào.
Các phi công trong nhóm này đã là những người thầy đào tạo huấn luyện cho hàng trăm sĩ quan người Việt đủ khả năng thực hiện các chuyến bay độc lập. Các chuyên gia quân sự hàng không cũng thi hành nhiệm vụ đặc biệt. Các tổ lái máy bay trực thăng vận tải quân sự cũng như chính các máy bay từ Liên Xô đã hoàn thành trọng trách đảm bảo các chuyến bay của Hoàng thân Sufanuvong giữa Lào và Campuchia thông qua Việt Nam, chở các nhà lãnh đạo của Mặt trận Yêu nước Lào đến đàm phán với các đại diện đối phương. Cũng là các phi công Xô-viết đã có vinh dự đưa Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh cùng vị khách quý Liên Xô - phi hành gia German Titov đến thăm vịnh Hạ Long, nơi có hòn đảo mà vị Chủ tịch nước đã cho mang tên Titov.
Còn theo hướng Lào, chỉ trong 10 tháng của năm 1962, đã hoàn thành 4 nghìn chuyến bay, đổ bộ hơn 17.000 binh sĩ dù, vận chuyển 3.900 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men và thực phẩm.
Nhiệm vụ chiến đấu trên những chiếc máy bay không trang bị vũ khí
Các chuyến bay được thực hiện trong điều kiện khắc nghiệt và thực chiến, mặc dù trên các máy bay dùng để cung cấp hàng cho lực lượng yêu nước Lào không được trang bị vũ khí, theo thỏa thuận giữa Matxcơva và Hà Nội. Hàng đựng trong những chiếc bao đặc biệt, được ném từ độ cao thấp xuống những địa điểm đã chuẩn bị sẵn cho việc này trong các thung lũng vùng núi.
Tuy nhiên, điều kiện chuyến bay như vậy không phải là cái gì bất ngờ đối với các phi công Liên Xô. Dành cho chuyến công tác tới Việt Nam, phía Liên Xô đã chọn lựa những người có được kinh nghiệm bay xuất sắc trong những năm chiến tranh chống bọn phát-xít Đức Quốc xã. Ví dụ, Đại tá Sergei Somov, một thành viên tham gia cuộc diễu binh Chiến thắng lịch sử trên Quảng trường Đỏ ở Matxcơva năm 1945.
Anh hùng chiến trận chống phát-xít nhận Sao vàng Anh hùng sau nửa thế kỷ
Từ tháng 10 năm 1944 cho đến ngày Chiến thắng, Sergei Somov tham gia các trận không chiến đánh bọn phát-xít Đức trên lãnh thổ Đông Phổ và Đức. Ông là chỉ huy phi đội, thực hiện 118 chuyến bay chiến đấu. Do thành tích tiêu diệt đoàn tàu bọc thép phát-xít gần Koenigsberg ngày 14 tháng 4 năm 1945, ông được đề nghị phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tuy nhiên, hồ sơ giới thiệu bị thất lạc và chỉ được phát hiện trong kho lưu trữ vào…nửa thế kỷ sau. Mãi đến năm 1996, ông Somov mới được trao danh hiệu Anh hùng - và lúc đó không phải của Liên Xô, mà là Anh hùng Nga.
Trong cuộc phỏng vấn của Ban Việt ngữ Đài phát thanh Tiếng nói Nga (nay là Sputnik), Sergei Somov luôn thể hiện cảm tình nồng nhiệt nhớ về Việt Nam và công việc của ông ở đó.
«Tôi thậm chí không tưởng tượng được rằng người Việt Nam biết nhiều đến thế về đất nước và nhân dân Liên Xô, về chủ nghĩa anh hùng của chúng ta trong những năm chiến tranh chống phát-xít. Sự hiểu biết và thái độ ấm áp thân thiện đó dễ dàng nhận thấy ở những người lính nhiều năm không rời rừng rậm và ở cả cư dân những vùng chỉ vài năm trước được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp», - ông nói.
Gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong phần còn lại của cuộc đời, ông Sergei Somov trân trọng giữ hai tấm ảnh, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng giữa các phi công Liên Xô quây quần xung quanh tại sân bay Gia Lâm. Đó là vào dịp Tết năm 1961, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội sau chuyến thăm chúc Tết nhân dân ở một số tỉnh của Việt Nam DCCH. Do việc sửa chữa bảo dưỡng máy bay trực thăng của Chủ tịch nước chưa hoàn tất, Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam đã yêu cầu trưng dụng một chiếc trực thăng kèm theo nhóm phi công Liên Xô phục vụ chuyến đi của Bác Hồ.
Ông Sergei Sergei Somov nhớ lại: «Hồ Chủ tịch ra sân bay trên chiếc xe hơi Xô-viết cũ nhãn hiệu «Pobeda». Mác xe này thực sự mang tính biểu tượng. Chiếc xe được đặt tên như vậy để vinh danh Chiến thắng của nhân dân Liên Xô trước bọn Đức quốc xã, đồng thời, cái tên này cũng dường như dự đoán chiến thắng tất yếu của các bạn Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì tự do, độc lập và thống nhất đất nước. Tôi báo cáo với Chủ tịch rằng phi hành đoàn đã sẵn sàng. Bác Hồ mỉm cười gần gũi như thể chúng tôi đã quen biết từ lâu, Người dùng tiếng Nga hỏi các phi công Liên Xô cảm thấy thế nào trên đất Việt Nam. Và khi trở về Hà Nội, tôi đã xin Bác Hồ chụp ảnh chung với các phi công chúng tôi. Không hề do dự, vị Chủ tịch nước hỏi ngay: «Tôi đứng ở đâu nào?». Bức ảnh chụp xong, mọi người chuẩn bị tản ra, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngăn chúng tôi lại: «Hãy đứng lại một chút, vì trong tấm hình chưa có người chụp. Hãy để anh ấy đứng vào cạnh tôi và ta làm thêm thêm bức ảnh nữa». Và mọi người đã làm như vậy», - ông Somov kể.
Vi phạm hướng dẫn bay để cứu thương binh
Có lần phi công Liên Xô đã sơ tán được các chiến sĩ Lào và Việt bị thương, khoảng một trăm người, ra khỏi vùng Samnya. Không hề có dữ liệu radio từ sân bay, không rõ tình hình mặt đất. Sergei Somov đã bay tới đó trước để trinh sát.
«Và tôi thấy rằng ở đó thậm chí không phải là sân bay, chỉ là một đường băng đơn sơ, khó có thể đủ chỗ cho hai máy bay. Mà bọn địch đang đến gần còn những người bị thương cần được sơ tán khẩn cấp. Sáu máy bay Liên Xô thay phiên nhau hạ cánh ở rìa đường băng, tiếp nhận những người bị thương và cất cánh, rồi chiếc máy bay tiếp theo lại hạ cánh đúng vào thời điểm chiếc kia vừa bay lên. Nhiệm vụ đã hoàn thành, mặc dù quả thực chúng tôi đã vi phạm các hướng dẫn lý thuyết về chuyến bay», - ông Sergei Somov kể.
Các phi công của nhóm Xô-viết đã phục vụ ở Việt Nam DCCH từ năm 1960 đến 1963. Hai năm sau đó, các máy bay mới của Liên Xô bắt đầu được đưa tới cho Hà Nội, đó là chiến đấu cơ MiG. Lại có nhóm chuyên gia phi công mới từ Liên Xô đến huấn luyện phi công Việt Nam điều khiển những phương tiện chiến đấu sấm sét này, tiêu diệt hơn 320 máy bay Mỹ trong các trận không chiến ác liệt, bảo vệ bầu trời và mảnh đất Việt Nam.