Báo cáo cho biết số lượng y tá và hộ lý đang thiếu hụt hiện nay vào khoảng 5,9 triệu người, mặc dù trên thế giới đội ngũ này có tới gần 28 triệu nhân viên, còn trong giai đoạn năm 2013 - 2016 con số đã tăng thêm 4,7 triệu người.
Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất được ghi nhận ở châu Phi, Đông Nam Á, các nước phía đông Địa Trung Hải và một số nước châu Mỹ latinh, tỉ lệ thiếu hụt chủ yếu (89%) tương đương 5,3 triệu y tá và hộ lý tập trung ở các quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình.
Để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nhân sự toàn cầu, các nước có vấn đề cần đảm bảo tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp tại các tổ chức giáo dục chuyên nghiệp lên trung bình 8% mỗi năm, cũng như tạo việc làm cho họ. Chi phí sẽ vào khoảng 10 USD/năm trên đầu người.
Theo người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, bản báo cáo mới được công bố lần đầu tiên "nhắc đến vai trò đặc thù của đội ngũ nhân viên y tế này và kêu gọi dành cho họ sự hỗ trợ cần thiết ".
Trong số các vấn đề còn tồn tại hiện nay có tình trạng độ tuổi nhân sự trung bình ở khu vực châu Âu và các quốc gia Bắc và Nam Mỹ tăng cao, cũng như "sự mất cân bằng lớn về giới tính" trong ngành y tế. Theo nghiên cứu, có khoảng 90% nhân viên trong ngành này là phụ nữ, nhưng họ hiếm khi chiếm vị trí lãnh đạo. Ngoài ra, tình trạng bất bình đẳng giới trong việc trả lương cũng đáng được lưu ý.
Báo cáo được công bố nhân Ngày Sức khỏe thế giới, được tổ chức hàng năm vào ngày 7 tháng Tư.