Dữ liệu được công bố trên mạng xã hội gây hoảng loạn, một số người thậm chí còn kêu gọi giết động vật. Đồng thời, như các tác giả của nghiên cứu thừa nhận, không có đủ dữ liệu để khẳng định rằng virus có thể truyền từ động vật sang người.
Đôi khi trên mạng hay các phương tiện truyền thông xuất hiện báo cáo rằng dịch coronavirus có thể ảnh hưởng không chỉ đến con người, mà cả vật nuôi. Ví dụ, dân mạng đang tích cực chia sẻ nhật ký của Connor Reed, một giáo viên tiếng Anh đến từ Bắc Wales, sống và làm việc tại Vũ Hán, được đăng trên ấn phẩm Daily Mail của Anh. Vào cuối tháng 11, ông thấy mình có các triệu chứng của bệnh cúm và không chú trọng lắm đến tình trạng sức khỏe của mình. Tuy nhiên, sau đó ông thấy bệnh kéo dài mãi mà không khỏi, ông ghi lại diễn biến của bệnh trong cuốn nhật ký. Đặc biệt, Reed cũng lưu ý rằng ngay cả mèo của ông cũng không khỏe và bỏ ăn. Vài tuần sau, Connor Reed khỏe lại, nhưng con mèo của ông đã chết, và trong nhật ký của mình Connor tự hỏi, liệu cúm có thể truyền sang động vật hay không. Sau đó, Reed nhận được một cuộc gọi từ Bệnh viện Vũ Hán, nơi ông liên lạc để được giúp đỡ, và được thông báo rằng chẩn đoán cho căn bệnh của ông là coronavirus.
Посмотреть эту публикацию в Instagram
Giờ đây, các nhà khoa học từ Vũ Hán đã quyết định tiến hành một nghiên cứu về mèo nhà và mèo hoang về vấn đề coronavirus, và công bố kết quả của họ trong một bài báo trên trang web BioRxiv, nơi lưu trữ các bài báo chưa được phản biện kín (blind preview). Theo dữ liệu, 15% mẫu được lấy từ mèo nhà và mèo hoang ở Vũ Hán có kháng thể đối với coronavirus COVID-19. Điều này có nghĩa là các động vật đã bị nhiễm bệnh và có virus. Hơn nữa, ở những con mèo nhà có chủ bị bệnh coronavirus, nồng độ kháng thể cao hơn nhiều. Do đó, các nhà khoa học đã đưa ra ý kiến cho rằng, virus có thể truyền từ người sang động vật và từ động vật sang động vật. Ngay sau khi bài báo được đăng tải, các blogger Trung Quốc bắt đầu thảo luận sôi nổi về việc cần xử lý ra sao với thú cưng của mình. Mặc dù hầu hết người dùng Internet lo lắng cho thú cưng, song vẫn có một số đề xuất được đưa ra khá tàn nhẫn - giết mèo, ít nhất là giết hết mèo hoang để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, giống như cách thức xử lý với bệnh ASF, khi vật nuôi bị giết ngay khi có bất kỳ nghi ngờ nào.
Đại diện giấu tên của một phòng khám thú y ở Thành Đô cho Sputnik biết rằng, cần chăm sóc thú cưng trong thời gian dịch bệnh cũng như bảo vệ chính mình. Cần hạn chế tiếp xúc của thú cưng với động vật hoặc người khác. Tuy nhiên, không nên hoảng sợ về khả năng truyền virut từ vật nuôi sang người. Hơn nữa, đừng nên bỏ rơi thú cưng của mình, chuyên gia nhận định.
"Nếu trong thời gian dịch bệnh bạn không cho thú cưng ra ngoài đường, nếu bạn hạn chế vật nuôi tiếp xúc với người khác thì thú cưng của bạn sẽ tương đối an toàn. Và ngay cả khi phát hiện ra rằng một số động vật bị nhiễm bệnh từ người, điều này không có nghĩa là nhiễm trùng có thể lây truyền theo hướng ngược lại - từ động vật sang người. Vì vậy, chủ sở hữu vật nuôi không cần phải lo lắng quá nhiều, lại càng không nên từ bỏ chúng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, cần đưa thú cưng tới bác sĩ và làm theo khuyến nghị của các chuyên gia. Chúng tôi khuyến cáo bạn không nên cho vật nuôi ra đường trong thời gian dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu rất cần thiết phải ra đường thì nên tránh cho thú cưng của bạn tiếp xúc với người khác và cần khử trùng đúng cách".