Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về Chữ Việt Nam song song 4.0

© Depositphotos.com / Aga77taVietnamese
Vietnamese - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về việc có hay không chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt, chữ Quốc ngữ cũng như thông tin liên qua bộ Chữ Việt Nam song song 4.0 của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Trước đó, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ Tiếng Việt (Tiếq Việt) của PGS.TS Bùi Hiền cũng gây làn sóng tranh cãi dữ dội tại Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt

Giáo sư hóa học Phạm Quang Tuấn - Sputnik Việt Nam
GS. Phạm Quang Tuấn: “Không cần thiết cải biên chữ Quốc ngữ của Việt Nam”
Liên quan đến thông tin gần đây trên báo chí và các diễn đàn trên mạng xã hội bình luận việc tác phẩm Chữ Việt Nam song song 4.0 của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Tường Lâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã lên tiếng phản hồi. Cụ thể, trong thông cáo báo chí phát đi hôm qua, 8/4, Bộ GD&ĐT đã khẳng định Việt Nam chưa có chủ trương thay đổi chữ quốc ngữ, chữ viết Tiếng Việt.

“Hiện nay, Chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt”, thông cáo báo chí khẳng định.

Những ngày qua, dư luận trong nước chú ý đến công trình Chữ Việt Nam song song 4.0 do tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm sáng tạo, đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG hôm 25 tháng 3 vừa qua.

Chia sẻ về công trình nghiên cứu này, 2 tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm cho biết, “Chữ Việt Nam song song 4.0” là chữ viết không dấu chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó có 18 chữ cái lantin để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ Việt Nam hiện tại. Hai tác giả này khẳng định, phiên bản Tiếng Việt 4.0 nêu trên giúp người học có thể đọc được lưu loát trọn vẹn, không gặp bất cứ khó khăn nào.

Với mong muốn công trình có thể được ứng dụng song song với chữ Quốc Ngữ, tác giả Kiều Trường Lâm khẳng định, bản thân chỉ muốn giúp “khắc phục những hiểu lầm tệ hại khi giới trẻ nhắn tin không dấu trên Internet”.

Chữ Việt Nam song song 4.0 có 3 thành phần cấu tạo bao gồm: Các chữ và vần Chữ Quốc Ngữ (CQN), các chữ và vần Chữ Việt Nhanh (CVN) và Ký hiệu dấu (KHD).

Chữ cái tiếng Việt - Sputnik Việt Nam
Một thứ 'Tiếq Việt' lạ lùng

Chia sẻ với báo chí sau khi công trình được cấp bản quyền, tác giả Kiều Trường Lâm bày tỏ mong muốn thí điểm cho một nhóm nhỏ học sinh học và sử dụng bộ chữ mới này, rồi lấy ý kiến đánh giá của học sinh tham gia thử nghiệm. Trong trường hợp đạt tỷ lệ ủng hộ trên 90% thì sẽ nghĩ tới việc xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho thử nghiệm phổ biến rộng rãi cho học sinh.

Tuy nhiên, sau khi công trình này được cấp bản quyền và công bố, dư luận đã có nhiều phản ứng trái chiều, nảy sinh tranh cãi, phản đối gay gắt, liên hệ lại với đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, hầu hết các ý kiến đều không công nhận Chữ Việt Nam song song 4.0 và cho rằng nó quá phức tạp, rắc rối.

Nhiều người bày tỏ quan điểm không đồng tình khi bỗng dưng phải đi học một quy tắc viết mới mà kết quả thu được là một văn bản có chữ không thể đọc nổi. Thậm chí nhiều người tỏ thái độ giận dữ về những sáng tạo này vì đã không mang lại hiệu quả, gây xáo trộn xã hội, mà còn làm mất đi cái hồn của chữ Quốc ngữ được thể hiện qua thanh điệu (dấu).

Tác giả Chữ Việt Nam song song nói gì?

Theo chia sẻ của tác giả Kiều Trường Lâm (34 tuổi, hiện đang làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu gỗ ở Hà Nội), công trình bộ chữ “Việt Nam song song 4.0” này được nghiên cứu trong vòng 27 năm.

Anh Kiều Trường Lâm chia sẻ trên Vietnamnet cho biết, ngay từ nhỏ đã đam mê những con chữ và khát khao có thể sáng tạo ra một bộ chữ không dấu giống như tiếng Anh, nhưng vẫn có thể đọc và viết trôi chảy.

PSG.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học VN: “Đừng vội… ném đá đề xuất Tiếq Việt”

Tác giả công trình đang gây tranh cãi này chia sẻ, với đam mê nghiên cứu ngôn ngữ, đến khi đang theo học tại một trường Kinh tế, anh quyết tâm thi lại và đỗ vào ngành Ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Rất tiếc vì một số lý do nên mình không thể theo học ngành này. Tuy nhiên, quãng thời gian sau đó mình vẫn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu”, anh Kiều Trường Lâm cho biết.

Nói về việc kết hợp “Chữ Việt nhanh” (đề tài nghiên cứu của Thầy Trần Tư Bình, Hiệu trưởng Trường Văn hóa Việt Nam Marrickville ở Sydney, Australia) và Ký hiệu dấu của anh Lâm, một công trình ngôn ngữ bất ngờ ra đời, mà theo chia sẻ của anh Kiều Trường Lâm thì đây là “một loại chữ viết không dấu lưu loát đẹp vô cùng”.

Nhóm tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm đã cùng nhau cho ra đời bộ Chữ Tiếng Việt song song 4.0 với nhiều biến đổi linh hoạt giữa các vần và sự luân chuyển giữa các ký hiệu dấu đã tạo ra chữ viết có độ chính xác cao, không có trường hợp ngoại lệ, giúp người dùng đọc và viết một cách dễ dàng. Ví dụ như, một số phụ âm và nguyên âm cùng một số vần ghép đã được quy ước lại để tạo ra một chữ viết nhanh như phụ âm đầu: “f thay cho ph”, “w thay ng-ngh”, một số phụ âm cuối: “g thay ng”, “h thay nh”, “k thay ch”..., hay “uyêt thay bằng ydb”, “uyên thay bằng yly”, “ương thay bằng uzo”, “ướng thay bằng uzx”, “ường thay bằng uzk”, “ưởng thay bằng uzv”, “ượng thay bằng uzh”.

Đối với ký hiệu dấu, 18 ký hiệu dấu dùng để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ, trong đó “j thay dấu sắc”, “l thay dấu huyền”, “z thay dấu hỏi”, “s thay dấu ngã”, “r thay dấu nặng”.

“Sự kết hợp này sẽ tạo ra loại chữ viết mang tính thẩm mỹ, viết nhanh hơn vì hầu hết các chữ đều ở dạng 3-4 chữ cái, rất đều nhau và bắt mắt”, tác giả Kiều Trường Lâm cho biết.

Phát biểu về những bình luận trái chiều, nhóm tác giả khẳng định không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ.

“Ngay từ tên gọi “Chữ Việt Nam song song 4.0”, chúng tôi mong muốn đây sẽ là thứ ngôn ngữ độc lập, có thể dùng song song với chữ Quốc ngữ và ứng dụng để gõ trên Internet. Chữ Việt Nam song song 4.0” sẽ khắc phục những nhược điểm gây hiểu lầm này và tạo ra sự thống nhất cho chữ không dấu”, anh Lâm nhấn mạnh.

Theo đó, khi được áp dụng, phiên bản Chữ Việt Nam song song sẽ là công cụ gõ nhanh, giúp tiết kiệm được 25-30% thời gian gõ chữ so với các kiểu gõ phổ biến như TELEX hay VNI hiện tại.

“Chữ Việt không dấu có công thức ghép hoàn hảo như công thức toán học, cho phép não của chúng ta chuyển đổi một lần duy nhất, giúp nhận biết được mặt chữ một cách trọn vẹn. Tôi cho rằng việc thống nhất được chữ không dấu là một bước tiến mới cho ngành ngôn ngữ học. Nếu “Chữ Việt Nam song song 4.0”được ứng dụng rộng rãi sẽ là một bước ngoặt đưa tiếng Việt ra khắp thế giới. Nhiều người nước ngoài sẽ thích học tiếng Việt hơn vì giờ đây, chữ viết không còn dấu giống như tiếng Anh”, anh Kiều Trường Lâm bày tỏ.

Tác giả này cũng cho hay, khi một cái một ra đời, bao giờ cũng có ý kiến phản biện trái chiều. Hiện nhóm đang nghiên cứu lấy thêm ý kiến độc giả để hoàn thiện bộ Chữ Việt Nam song song 4.0, đồng thời kỳ vọng bộ chữ này có thể được đưa vào thí điểm giảng dạy cho học sinh trong tương lai tới đây.

“Tôi trân trọng tất cả những điều đó và kỳ vọng, thời gian sẽ chứng minh sản phẩm của tôi là hấp dẫn nếu độc giả sẵn sàng học thử và áp dụng”, tác giả Trần Kiều Lâm khẳng định.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала