Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp chống dịch coronavirus chưa từng có tiền lệ trên quy mô lớn như chế độ giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch, kiểm soát tối đa nguồn lây nhiễm. Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định tình hình các bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu trên thế giới, nhưng cần lưu ý đến các ca bệnh nặng, có tiên lượng tử vong.
Việt Nam có 257 ca mắc Covid-19: Lưu ý các ca bệnh nặng có thể tử vong
Chiều 10/4, Bộ Y tế thông báo thêm hai ca nhiễm chủng mới virus corona ở Việt Nam, nâng tổng số trường hợp mắc nCoV trên cả nước lên thành 257.
Cụ thể, bệnh nhân số 256 là một người đàn ông 52 tuổi, có địa chỉ cư trú ở Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên.
Bệnh nhân bay từ Nga về Việt Nam ngày 27/3 trên chuyến bay SU290 của Aeroflot. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung ở Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện, bệnh nhân số 256 này đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.
Ca mắc SARS-CoV-2 số 257 là một nữ sinh 15 tuổi ở xóm Hội, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội. Em là học sinh, hiện đang được nghỉ học, không đi đâu.
Theo Bộ Y tế, đây là ca bệnh liên quan đến bệnh nhân số 243, ổ dịch ở Hạ Lôi, Mê Linh.
Ngày 20/3, bệnh nhân số 243 là bạn bố nữ sinh (ca số 257) có đến chơi nhà và nói chuyện với bố của nữ bệnh nhân mới này. Ngày 08/4 cô gái 15 tuổi có sốt, chảy mũi. Ngày 9/4 em được lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 10/4 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bố bệnh nhân cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm, tuy nhiên kết quả âm tính với virus SASR-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.
Về tình hình điều trị bệnh, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định tình hình các bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu trên thế giới. Cụ thể, với những bệnh nhân lớn tuổi trên thì tỷ lệ xảy ra diễn tiến nặng tương đối cao. Hiện có 20 bệnh nhân trên 60 tuổi thì có 4 trường hợp suy hô hấp nặng phải thở máy.
“Ở độ tuổi 40-60, nước ta có 69 bệnh nhân, có 2 người phải thở máy. Trong đó có trường hợp bệnh nhân người Anh mắc Covid-19 số 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh khá nặng, phải can thiệp ECMO”, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Lý giải vì sao bệnh nhân số 91 là phi công người Anh mới chỉ 43 tuổi nhưng lại có diễn tiến nặng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dù không thuộc nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền) nhưng có thể do độc tính của virus gây bệnh. Cùng đó, bệnh nhân 91 có cân nặng 100 kg, với chiều cao 1,83 m. Nếu tính theo chỉ số BMI thì bệnh nhân này có yếu tố béo phì.
“Chúng ta tự hào đến bây giờ chưa có ca tử vong nào do Covid-19 nhưng đã có những ca bệnh nặng, rất nặng thậm chí có tiên lượng tử vong. Những ngày qua ngành y tế đã huy động toàn lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, căng sức tập hợp kể cả các đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi nhất thông qua các cuộc hội chẩn từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong các trường hợp dùng ECMO hay lọc máu”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý, những ca bệnh này tiên lượng tử vong vẫn còn nên đội ngũ thầy thuốc đang tập trung tất cả những thầy thuốc giỏi nhất, phương tiện y tế hiện đại nhất, đặc biệt là sự theo dõi tận tình của đội ngũ y bác sĩ, chúng ta sẽ cố gắng chiến đấu, để cứu chữa, giữ mạng sống cho các bệnh nhân.
Chiến thuật chống Covid-19 của Việt Nam là gì?
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng chống dịch do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 10/4 khẳng định, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp chống dịch coronavirus chưa từng có tiền lệ trên quy mô lớn. Đây cũng được coi là “những vũ khí đặc biệt” của Hà Nội trong cuộc chiến chống coronavirus ở giai đoạn hiện nay, để xứng đáng được báo chí thế giới ca ngợi.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, trong lịch sử loài người chưa bao giờ xuất hiện dịch bệnh nào có sức tấn công mãnh liệt như đại dịch Covid-19. Đây là dịch bệnh điển hình trong một thế giới phát triển, tốc độ lây lan rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 1,6 triệu người mắc bệnh, hàng chục nghìn người tử vong.
Thêm vào đó, virus gây bệnh Covid-19 cũng có rất nhiều điểm bí ẩn, do đó ngay từ đầu giới khoa học toàn cầu đã đồng loạt bắt tay vào nghiên cứu, chỉ sau 14 ngày đã có bản đồ gen, tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi về sản xuất vacine, thuốc đặc trị hiện vẫn chưa có lời giải.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, với sự vào cuộc tích cực của giới khoa học thế giới, tiến trình này sẽ được rút ngắn thời gian thực hiện và sớm có kết quả so với các dịch bệnh trước đó như dịch SARS, MerCoV, H5N1.
“Đối với Việt Nam, chúng ta đã chủ động áp dụng một loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Cụ thể, lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Ngay từ đầu, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn 1 mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, chưa bao giờ trong công tác chống dịch, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ như lần này, coi “chống dịch như chống giặc”.
Các kịch bản ứng phó, các chỉ đạo từ cấp cao nhất liên tục được cập nhật theo diễn biến thực tế của dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng tham gia chống dịch.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Long, Việt Nam cũng áp dụng triệt để chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch – đây là chiến lược chúng ta kiên định thực hiện. Với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tuỳ tình hình chiến thuật có thể thay đổi nhưng chiến lược không thay đổi để siết chặt phòng tuyến bảo vệ đất nước trước sự tấn công của đại dịch Covid-19.
“Những biện pháp chúng ta thực hiện thời gian qua có thể khẳng định là đúng đắn. Cách ly toàn xã hội là một trong những giải pháp mạnh mẽ nhất. Giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân: đeo khẩu trang, rửa tay là “vắc xin" cho vấn đề về virus corona mới hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện nay dù số ca nhiễm có xu hướng chậm lại, giảm một ngày có 3-4 ca, có ngày 10 ca nhưng chúng không được chủ quan.
“Chúng tôi luôn theo dõi các yếu tố liên quan, có một số lượng người bỏ lọt ở thời điểm trước, đã có lây nhiễm trong cộng đồng từ thời điểm trước. Vì thế, người dân không được lơ là, mất cảnh giác, bỏ qua các định của cơ quan chuyên môn, tuân theo chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly xã hội, yên tâm ở nhà. Đồng thời cần thay đổi nhận thức của người dân, không chỉ phòng bệnh cho mình mà còn cho người khác”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho rằng cần xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ.
“Việt Nam chuẩn bị tất cả các kịch bản dù đang ở kịch bản tốt, chúng ta vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu hơn. Chúng ta liên tục cập nhật các tình huống, tất cả đang trong thái chuẩn bị kỹ lưỡng, khi có tình huống xảy ra lập tức có thể triển khai. Chúng ta vẫn chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, không thể bị động, hoàn toàn chủ động trong vấn đề phòng chống dịch”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.