Đồng thời, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần chuẩn bị trước những kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch do coronavirus gây ra.
Việt Nam thời Covid-19: Đứt gãy chuỗi cung cầu, giao thương đình trệ
Sáng nay 10/4, Chính phủ có buổi họp trực tuyến với các địa phương về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết diễn biến dịch rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và khó dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động. Nếu tình hình này kéo dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng KH&ĐT cảnh báo, với tình hình dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng, lan rộng và kéo dài tại các thị trường xuất nhập khẩu sản phẩm chủ yếu của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, nước ta đối mặt với những khó khăn về nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng điện tử, điện thoại, may mặc, da giày.
Bên cạnh đó, vấn đề lao động và việc làm cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn kéo dài. Các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, kinh doanh ăn uống, quy mô lao động sẽ giảm mạnh.
“Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; các ngành sản xuất lớn ảnh hưởng nặng nề, lao động mất việc làm, tạm ngừng hoặc thiếu việc làm tăng lên”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể đứng trước nguy cơ phá sản do doanh thu sụt giảm mạnh, đứng trước tình trạng phải sa thải hàng loạt giáo viên.
“Nếu không khống chế được dịch thì ảnh hưởng và thiệt hại của nó chắc chắn sẽ cao hơn nhiều với chi phí để phòng, chống dịch. Kiểm soát được dịch bệnh là giải pháp quan trọng hàng đầu để giảm bớt thiệt hại của nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội khi Trung Quốc và đối tác lớn tuyên bố hết dịch và nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, giao thương”, Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh.
Không ngoại lệ, kinh tế - xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi tốc độ tăng GDP quý I ước chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến Quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.
Mở lại giao thương biên giới Việt-Trung, vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19
Bộ KH&ĐT cho rằng, các bộ ngành, địa phương theo thẩm quyền có thể triển khai ngay một số nội dung trong thời gian sắp tới.
Bộ Công thương tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để tạo thuận lợi cho thông quan hàng hoá; phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và các vật tư, thiết bị y tế để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn địa phương thực hiện mở lại các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc khi đã đáp ứng đủ quy định của Nghị định số 112 và bảo đảm tối đa công tác phòng chống dịch bệnh.
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ gia hạn thêm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác.
Bộ GTVT chủ trì, báo cáo Chính phủ thực hiện áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài của các tập đoàn lớn được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, với điều kiện được nhập cảnh là có văn bản đề xuất của UBND cấp tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp hoạt động và chuyên gia phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với virus corona được cấp bởi cơ quan y tế của quốc gia/vùng lãnh thổ nơi chuyên gia cư trú.
Hơn nữa, chuyên gia cần thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, sau đó được về làm việc tại dự án với sự giám sát về y tế của chính quyền địa phương.
Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có giải pháp giảm giá thuê đường truyền kết nối internet trong thời gian diễn ra dịch bệnh, miễn phí thuê đường truyền và phần mềm kết nối phục vụ các hoạt động trực tuyến, đặc biệt hoạt động giảng dạy của các cơ sở giáo dục.
Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng thực hiện ngay việc bố trí 6.700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Đồng thời, bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước năm 2020 để đầu tư một số dự án khẩn cấp phòng, chống và giảm nhẹ ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn đối với khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
“Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.