Hội nghị đặc biệt này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng, đẩy mạnh tình đoàn kết, thống nhất hợp tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, thứ vũ khí tối thượng, cần thiết và quan trọng nhất để cùng chung tay kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu các tác động về kinh tế xã hội của dịch bệnh do chủng mới coronavirus gây ra.
ASEAN nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng hình thức trực tuyến khai mạc sáng 14/4. Với cương vị nước Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Đây là sự kiện đặc biệt nhằm tập trung sức mạnh, phối hợp chặt chẽ, tăng cường các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á. Hội nghị có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo 10 nước ASEAN.
Theo đó, Hội nghị do Việt Nam chủ trì hôm nay có sự tham dự của lãnh đạo tất cả các nước ASEAN theo từng điểm cầu mỗi quốc gia gồm: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Philipines Rodrigo Roa Duterte, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Quốc vương Brunei Sultan Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Malayssia Tan Sri Muhyiddin Haji Mohd Yassin và Tổng thống Myanmar U Win Myint.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng lãnh đạo 10 nước ASEAN đã dành thời gian tham dự Hội nghị đặc biệt này, đồng thời, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm cụ thể, chu đáo, chào mừng Ngài Muhyiddin Haji Mohd Yassin, Thủ tướng mới đắc cử của Malaysia lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN.
Trên thực tế, thời gian qua, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cũng đang phải nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới đời sống của mọi người dân, kinh tế xã hội nhất là khu vực dịch vụ vốn chiếm 30% tổng GDP của ASEAN, thách thức ổn định và an sinh xã hội.
Việc Việt Nam đảm trách vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN vào thời điểm “nhạy cảm” khi đại dịch do coronavirus gây ra đang hoành hành, gây thiệt hại nặng nề trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á cũng như toàn thế giới.
Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng hình thức trực tuyến thể hiện tinh thần chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế để ứng phó các thách thức phi truyền thống. Theo nhiều chuyên gia, đây là giải pháp linh hoạt và kịp thời, phản ứng nhanh trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Trên thực tế, ngay khi dịch Covid-19 mới bùng phát, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với dịch bệnh.
Sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14/2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tổ chức 2 phiên họp ngày 20/2 và sáng 9/4/2020 để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác ứng phó dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngày 31/3, Việt Nam cũng đã thúc đẩy quá trình thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến của Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp nhằm thống nhất khuyến nghị các bước triển khai phối hợp và hành động tiếp theo.
Việt Nam kêu gọi ASEAN đoàn kết ứng phó với Covid-19
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong bối cảnh đại dịch SARS-CoV-2 nguy hiểm đang lây lan khắp khu vực Đông Nam Á, châu Á và toàn thế giới.
“Ngay trong chính thời điểm u ám, đầy khó khăn này, đã bừng sáng lên tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tình đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn được thể hiện qua Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung trước dịch bệnh Covid-19”, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh.
Các nước Đông Nam Á đã đẩy mạnh tăng cường hợp tác về y tế, quốc phòng, kinh tế, du lịch, đồng thời, sẻ chia, hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, hỗ trợ công dân trong dịch bệnh.
Thông qua số liệu có thể thấy, những nỗ lực của ASEAN đã mang lại kết quả đáng khích lệ, kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm trong 650 triệu người dân khu vực Đông Nam Á chỉ khoảng 15 nghìn ca mắc nCoV là thấp hơn, tăng chậm hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết quả này bước đầu giúp cộng đồng khối ASEAN tự tin hơn, nhưng cũng không được chủ quan mà cần đoàn kết và quyết tâm nhiều hơn nữa trong hành động trên tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Thủ tướng Việt Nam cũng mong muốn, tại Hội nghị lần này, sẽ đưa ra nhiều biện pháp thiết thực để vượt qua thử thách Covid-19, ổn định cuộc sống người dân và phát triển ổn định, bền vững trong toàn khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời cũng đánh giá cao các nước thành viên ASEAN đã chung tay cùng Việt Nam ứng phó đại dịch ngay từ những ngày đầu. Thủ tướng hoan nghênh các nước ủng hộ các đề xuất của Việt Nam như lập Quỹ hợp tác ứng phó Covid-19 của ASEAN, lập kho dự phòng vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khẩn cấp khi có dịch bệnh, sáng kiến tổ chức diễn tập trực tuyến của Quốc phòng về ứng phó dịch bệnh khẩn cấp, xây dựng quy trình ứng phó khẩn cấp chung của ASEAN khi có dịch bệnh, lập Nhóm công tác đặc trách của các quan chức cao cấp thông tin ASEAN về chống tin giả.
Nội dung phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến những thành quả mà Việt Nam đạt được trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thời gian qua. Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước có dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế bình thường, cung ứng nhu yếu phẩm, bao gồm cả lương thực theo yêu cầu của các nước.
Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh ASEAN cần phối hợp đảm bảo an toàn, hỗ trợ công dân bị tác động của dịch bệnh, đồng thời có những bước đi chung giảm thiểu, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh với phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng kế hoạch và đề xuất các biện pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh như chia sẻ các bài học kinh nghiệm, khôi phục kết nối tái thiết du lịch và các hoạt động kinh doanh và xã hội.
ASEAN thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó Covid-19
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với đại dịch Covid-19 đã thể hiện cam kết chính trị ở cấp cao nhất về đoàn kết, hợp tác trong nội khối cũng như với các đối tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Các lãnh đạo ASEAN tham gia Hội nghị lần này đều nhấn mạnh, đoàn kết chính là sức mạnh giúp khu vực chiến thắng đại dịch coronavirus.
Ưu tiên hàng đầu của khu vực ASEAN là kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhất là lây nhiễm xuyên biên giới. Các nhà lãnh đạo ASEAN thống nhất cho rằng, toàn khối cần chú trọng triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội do Covid-19 gây ra. Nhằm bảo vệ người dân và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nước cần phối hợp chặt chẽ trong việc bảo hộ công dân, cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, các gói hỗ trợ, duy trì liên kết chuỗi cung ứng.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á cũng đã cùng trao đổi về việc xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh, trong đó có việc tăng cường thương mại nội khối ASEAN, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế đang trong quá trình đàm phán, triển khai các biện pháp kích cầu kinh tế, nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc bên ngoài.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo Hiệp hội thống nhất thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo nhiều nước đánh giá cao Việt Nam kịp thời hỗ trợ các nước kiểm soát dịch bệnh Covid-19, cụ thể tính đến nay, Việt Nam mới chỉ có 265 ca nhiễm coronavirus, trong đó, 160 người đã được chữa khỏi.
Chiều nay sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao Đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Hội nghị này cũng sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, để thích ứng với tình hình dịch bệnh và là biện pháp cần thiết, được xem là cơ hội để ASEAN thể hiện những nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh cùng các quốc gia đối tác đối thoại ở khu vực Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.