Ngày càng có nhiều người Nga nhiễm coronavirus khỏi bệnh và huyết tương chứa kháng thể bắt đầu được sử dụng để điều trị các ca bệnh mới. Nhưng liệu COVID-19 có còn trong cơ thể của người đã bình phục hay không thì vẫn còn phải nghiên cứu, ông Vladimir Prokopenko nhận xét.
“Không loại trừ trường hợp có người bị bệnh nhưng khi chúng tôi lấy mẫu từ vòm mũi hầu xét nghiệm thì thấy rằng ở đó sạch không có virus. Trong trường hợp này, virus có thể đã rời khỏi vòm mũi hầu và ở lại phổi hoặc trong cơ quan nào đó khác, như từng xảy ra với các virus khác. Liệu có phải như vậy không? Hiện nay chúng tôi chưa thể trả lời được câu hỏi này. Chúng tôi chỉ có thể trả lời ít nhất sau sáu tháng hoặc một năm nữa", chuyên gia miễn dịch Prokopenko giải thích.
Theo bác sĩ Prokopenko, những con virus cộng sinh tồn tại trong cơ thể con người sau khi bị bệnh có thể không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Sputnik, ông nói rõ rằng cần phải tìm hiểu được coronavirus biến mất đi đâu sau khi bệnh nhân được chữa khỏi.
"Những virus này có thể có một số dạng sống chung với cơ thể người. Chúng có thể trở thành virus sống trong cơ thể và không gây bệnh, giống như nhiều loại virus khác gây ra bệnh đường hô hấp cấp tính. Virus này sẽ trở thành một dạng cộng sinh sống trong cơ thể người hay nó hoàn toàn rời khỏi cơ thể, để mỗi lần lây nhiễm mới lại gây bệnh - đó là những câu hỏi đặt ra cho khoa học hiện đại về virus học và miễn dịch học. Chúng sẽ được thảo luận và chúng ta phải trả lời được những câu hỏi đó", nhà miễn dịch học Prokopenko tin tưởng.