Nhà Việt Nam học Maxim Syunnerberg từ Moskva đã viết về chủ đề này cho "Sputnik - Việt Nam". Tác giả viết:
Cho đến ngày 23 tháng 4, tại Việt Nam có 268 trường hợp mắc bệnh và không có người nào tử vong. Theo các chỉ số này, Việt Nam đạt kết quả tốt hơn so với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á khác, và hầu hết các quốc gia Châu Âu.
Số lượng lây nhiễm virus thấp phần lớn là do hành động nhanh chóng của chính quyền. Đúng một ngày sau khi xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, ngày 24 tháng 1, theo lệnh của quyền Bộ trưởng Y tế, Trung tâm ứng phó khẩn cấp được thành lập. Ngày 1 tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố xuất hiện dịch bệnh ở 3 tỉnh của đất nước. Điều quan trọng là tại thời điểm đó ở Việt Nam mới chỉ có 6 người nhiễm bệnh. Vào tháng Hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đình chỉ hoạt động của tất cả các trường học cho đến cuối tháng 3, và sau đó gia hạn cho đến khi có thông báo mới. Ngày 4 tháng 3, một cuộc diễn tập quy mô chưa từng có đã được tổ chức để chống lại các kịch bản phát triển dịch bệnh khác nhau. Từ giữa tháng 3, Việt Nam dần dần ngừng các chuyến bay với những quốc gia bị ảnh hưởng COVID-19, và áp đặt hạn chế cấp thị thực cho người nước ngoài. Kể từ ngày 16 tháng 3, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trở thành bắt buộc. Ngày 1 tháng 4, một Nghị định của Thủ tướng Chính phủ công bố về dịch bệnh trên toàn quốc. Chế độ tự cách ly được thực hiện trên khắp Việt Nam, chỉ được phép ra khỏi nhà để mua mua thực phẩm, hay đến các cơ sở y tế và hiệu thuốc.
Đầu tháng 3, nhà nước công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế với số tiền 1,2 tỷ USD. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay. Mặc dù thấp hơn so với dự kiến ban đầu nhưng Việt Nam sẽ vẫn duy trì tốc độ phát triển kinh tế khá tốt.
Các phương tiện truyền thông Việt Nam ngay lập tức tích cực đưa tin chi tiết về tình hình dịch coronavirus trên thế giới và đặc biệt ở ngay trong nước. Không chỉ chuyên trang y tế, mà cả các trang tin tức phổ biến nhất cũng đưa thông tin chi tiết về từng trường hợp cụ thể - dữ liệu người nhiễm bệnh và toàn bộ lộ trình di chuyển được công bố. Do đó mỗi trường hợp trở nên công khai tối đa, được dân chúng và bác sĩ biết đến, tạo thuận lợi rất lớn cho công việc của họ.
Điều đáng chú ý, nhà khoa học viết, là thái độ cực kỳ có trách nhiệm của dân chúng đối với dịch bệnh. Theo chúng tôi, yếu tố này không kém phần quan trọng so với các hành động kịp thời của chính quyền. Nếu ở Nga cho đến gần đây, và ngay cả bây giờ, coronavirus được nhiều người coi là việc của ai đó, và đánh giá thấp mối nguy hiểm, thì ở Việt Nam, nguy cơ đã được xử lý nghiêm túc ngay từ đầu. Điều này đặc biệt đúng khi theo dõi bình luận trên các trang web tin tức và diễn đàn trực tuyến. Nhiều cách sáng tạo nhanh chóng ứng phó với dịch bệnh của dân chúng cũng được phản ánh trong nhiều bài hát, video, v.v., dành riêng về chủ đề này, và trở nên rất phổ biến ở trong nước.
Một đóng góp quan trọng được các nhà khoa học thực hiện - Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy và phân lập virus. Các bộ test thử nghiệm được phát triển nhanh chóng, khiến sản phẩm có thể tiếp cận rộng rãi với dân chúng. Theo số lượng test được thực hiện - 133 nghìn vào ngày 22 tháng 4 - Việt Nam dẫn đầu trong số tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Hơn 100 nghìn test được làm ở Malaysia, trong khi ở Myanmar - chưa đến 5 nghìn.
Các bộ xét nghiệm này, và gần đây là các thiết bị y tế khác, được Việt Nam xuất khẩu rộng rãi sang châu Âu và Mỹ. Tại Viện Công nghệ Việt Nam (VinIT), một công nghệ diệt khuẩn bằng plasma lạnh đã được phát triển dưới sự hướng dẫn của giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ thuộc Viện Kỹ thuật Điện Moskva. Phương pháp này có thể được sử dụng hiệu quả khử trùng các vật phẩm và bề mặt, thay vì dung dịch sát trùng truyền thống có chứa cồn và các chất khử trùng khác.
Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia, mà chính quyền có tỷ lệ tín nhiệm cao nhất trong dân chúng về phản ứng trước dịch bệnh. Có một truyền thống hàng thế kỷ trong nước — các khẩu hiệu yêu nước rất hiệu quả trong việc huy động và tập hợp xã hội chống lại virus. Bản thân đại dịch được dân chúng cảm nhận, và được nêu rõ trong lệnh của Thủ tướng như một «kẻ thù», mà tất cả các nguồn lực nhà nước và xã hội cần được huy động để chống lại.
Sự tạp trung chú ý từ chính quyền và xã hội như vậy cho phép chúng ta hy vọng dịch bệnh ở nước này sẽ ở một trong những mức thấp nhất trên thế giới, và Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch với ít hậu quả để lại nhất.