Chỉ với 268 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trên hơn 95,5 triệu dân số, trong đó có hơn 83% bệnh nhân mắc coronavirus đã khỏi bệnh, chưa có ca nào tử vong, Việt Nam đang thực sự gây ấn tượng và trở thành tấm gương, hình mẫu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhất là đối với nhiều quốc gia phương Tây có nguồn kinh phí lớn và điều kiện, hệ thống y tế tốt hơn rất nhiều.
LHQ chưa hề tôn vinh Việt Nam là nước đầu tiên chiến thắng Covid-19
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 24/4 đã phản hồi về việc xuất hiện thông tin LHQ đánh giá và tôn vinh Việt Nam là nước đầu tiên kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19 do coronavirus.
Theo đó, thời gian gần đây, trên các trang mạng xã Việt Nam xuất hiện thông tin rằng, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) trong chương trình nghị sự của mình hôm 24 tháng 4 đã dành riêng 30 phút để tôn vinh Việt Nam là quốc gia đầu tiên kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.
Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có thông tin chính thức. Theo đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định bác bỏ thông tin này.
“Đây là tin giả. Không hề có chuyện này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong khi thế giới đã ghi nhận hơn 2,7 triệu trường hợp nhiễm nCoV, hơn 191 ngàn người tử vong, thì Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé với hệ thống y tế chưa thể so bì được với các cường quốc hàng đầu như Mỹ hay châu Âu, lại nằm sát biên giới với Trung Quốc – nơi dịch bệnh khởi phát từ tháng 12 năm 2019, những gì Việt Nam đã làm được, quả là những nỗ lực phi thường.
Cả nước chỉ có 268 trường hợp nhiễm chủng mới virus corona, trong đó, 225 bệnh nhân đã được chữa khỏi và không hề có ca tử vong, Việt Nam đang thực sự trở thành “tấm gương”, “hình mẫu” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhất là đối với nhiều quốc gia phương Tây.
Vì sao Việt Nam là hình mẫu về kiểm soát tốt đại dịch Covid-19?
Đại diện các tổ chức quốc tế, các hãng truyền thông nước ngoài, đều dành những lời khen chân thành và sự ngưỡng mộ cho những nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 này.
Việt Nam từng chịu ảnh hưởng bởi dịch SARS năm 2003 và do đó quyết tâm chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết liệt hơn cho đại dịch tiếp theo. Chính phủ Việt Nam được quản lý tập trung, đoàn kết và được tổ chức tốt. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với người dân trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh Covid-19, đây là nhận định của Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS Mỹ Amy Searight khi nói về công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
“Việt Nam đã đối phó với dịch bệnh rất tốt khi chỉ có 268 ca nhiễm nCoV trên tổng số 95,5 triệu người và chưa có trường hợp tử vong nào. Ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu và trường học cũng như tiến hành chế độ cách ly quy mô lớn”, vị chuyên gia phân tích yếu tố tạo nên thành công của Việt Nam trpng cuộc chiến này.
Công tác theo dõi, cách ly, giám sát được tăng cường nhằm giúp phát hiện sớm người nhiễm bệnh và những người từng tiếp xúc với nguồn bệnh. Chính phủ Việt Nam cũng huy động các y bác sỹ đã về hưu và các sinh viên trường y tham gia chống dịch, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đã triển khai các ATM phát gạo hỗ trợ những đối tượng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, hôm 21/4, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Takeshi Kasai, phát biểu tại họp báo sáng nay 21/4 cũng đánh giá cao công tác kiểm soát dịch Covid-19 tại Việt Nam, thậm chí còn nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng đầu về hiệu quả kiểm soát dịch bệnh với số lượng ca nhiễm coronavirus thấp nhờ nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ cùng tinh thần đoàn kết, hợp tác của người dân trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
“Việt Nam cho thấy sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện những quyết sách và biện pháp kiểm soát tốt đại dịch Covid-19”, ông Takeshi Kasai khẳng định.
“Tôi còn nhớ có thời điểm Việt Nam phải tiến hành cách ly hơn 80.000 người. Họ thật sự đã phản ứng rất mạnh mẽ trước đại dịch Covid-19. Đó có thể là lý do Việt Nam duy trì được số ca nhiễm bệnh rất thấp. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng, đằng sau nỗ lực của Chính phủ cũng là sự đóng góp của người dân Việt Nam. Cuộc sống của họ trong thời điểm áp dụng biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội không hề đơn giản, nhưng người dân Việt Nam đã hoàn thành phận sự của mình đầy trách nhiệm”, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
TS Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam phân tích về “bí mật” tạo nên sự thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh do coronavirus này như sau: Ngay sau những ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã rất cảnh giác trước mối đe dọa. Từ giữa tháng 1, một ủy ban xử lý khủng hoảng (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19) đã được thành lập, tập hợp các bộ, ban, ngành, giới bác sĩ và khoa học để đưa ra những dự đoán về sự bùng phát của Covid-19.
Chưa hết, trong một cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố “chiến tranh” chống Covid-19 và yêu cầu “chống dịch như chống giặc”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát đi Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch SARS-CoV-2.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, so với các nước châu Á khác như Hàn Quốc và Singapore, Việt Nam không có đủ điều kiện tài chính và phương tiện để chống dịch. Do đó, đất nước 95 triệu dân này đã thực hiện chiến lược phòng chống dịch hiệu quả với chi phí khiêm tốn.
Thay vì xét nghiệm hàng loạt như Hàn Quốc, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly người mắc và truy tìm mọi mối tiếp xúc từ người bệnh. Kể từ khi bắt đầu khủng hoảng, Việt Nam mới chỉ thực hiện 120.000 xét nghiệm, chủ yếu là những người trở về từ các khu vực ổ dịch. Đến nay, họ đã tiến hành hơn 206.000 xét nghiệm.
TS Kidong Park cho biết, ngoài việc truy tìm người tiếp xúc gần với bệnh nhân, Việt Nam cũng đã đưa ra lệnh cách ly bắt buộc trong 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh.
“Sau khi ca mắc đầu tiên trong nước được phát hiện, chính phủ đã quyết định đóng cửa hàng không với Trung Quốc và siết chặt kiểm soát 1.000 km đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở”, đại diện WHO nhấn mạnh.
Theo đại diện WHO, phần lớn các ca mắc là từ bên ngoài. Nhiều người Việt Nam đi học hoặc đi du lịch nước ngoài trở về đã bị cách ly từ sân bay, do đó hạn chế việc truyền virus trong cộng đồng. Công tác ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập và kiểm soát lây lan cộng đồng được đặc biệt chú trọng.
Các trường học ở Việt Nam cũng đóng cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời, đeo khẩu trang trở thành quy định bắt buộc đối với tất cả người dân. Phản ứng trước đại dịch của Việt Nam đã được giới chức y tế quốc tế hoan nghênh.
TS. Kidong Park ca ngợi Việt Nam vì “sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch”.
Trong khi nguy cơ ASEAN trở thành tâm dịch Covid-19 mới của thế giới thì tờ Asean Post có bài viết cho rằng, các nước khác trong ASEAN và phần còn lại của thế giới có thể rút ra bài học từ cách phản ứng mau lẹ và dứt khoát của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Asean Post nhấn mạnh Việt Nam chiến thắng trong “cuộc chiến chống Covid-19” nhờ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt và kịp thời để theo dõi, cách ly người nhiễm bệnh và những người mà họ tiếp xúc.
Việt Nam ủng hộ 50.000 USD cho Quỹ ứng phó với Covid-19 của WHO
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 24 tháng 4 cho biết, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao tượng trưng khoản đóng góp 50.000 USD của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam ủng hộ Quỹ ứng phó với Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm góp phần chung tay phòng chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, TS. Kidong Park thay mặt Quỹ ứng phó với Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới nhận khoản hỗ trợ này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nêu rõ mục tiêu kép của Chính phủ Việt Nam là “vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa bảo đảm ổn định kinh tế xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội” đúng như tinh thần mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Chính phủ luôn quán triệt.
Phát biểu với đại diện WHO, Thứ trưởng Lê Hoài Trung bày tỏ sự cảm ơn tới WHO và các tổ chức chuyên môn LHQ nói chung cũng như Văn phòng WHO và Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nói riêng trong việc ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác Việt Nam-LHQ trong hơn 40 năm qua.
Chia sẻ về tình hình Việt Nam, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ đại dịch SARS-CoV-2 gây ra, nhưng với tư cách luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và hiện đang đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Chính phủ Việt Nam quyết định đóng góp 50.000 USD hỗ trợ Quỹ Ứng phó Covid-19 của WHO với hy vọng sẽ phần nào giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch coronavirus này.
TS.Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO đánh giá, Việt Nam là nước đang đi đầu trong lĩnh vực ngoại giao y tế. Ông Park cũng đồng thời bày tỏ sự cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ chân thành, quý báu dành cho Quỹ ứng phó Covid-19 của WHO.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng chúc mừng những thành tựu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc kiểm soát và ngăn chặn Covid-19 với hơn 80% (83,4%) ca bình phục, không có trường hợp nào tử vong, đồng thời cũng không có ca mới trong 8 ngày qua.
“Điều đó có được là nhờ sự tham gia quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như sự hưởng ứng, tin tưởng của người dân”, TS. Kidong Park nhấn mạnh.
Tại sự kiện này, TS Kidong Park cũng nêu rõ, WHO hoàn toàn nhất trí với 4 đề xuất của Việt Nam, nêu tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao về Covid-19 trong khuôn khổ Liên minh Chủ nghĩa Đa phương về ứng phó với Covid-19 là cần Đoàn kết, Chia sẻ, Ngăn chặn và Kích thích nền kinh tế hậu Covid-19 cũng như ủng hộ đề xuất của Việt Nam về sự cần thiết có Ngày quốc tế Đoàn kết Toàn cầu Ứng phó với dịch bệnh.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ về Covid-19, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh thông báo về các biện pháp Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai và những kết quả tích cực bước đầu đạt được trong phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam.
Trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh Việt Nam cùng ASEAN đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung theo tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng của ASEAN năm 2020.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng bày tỏ, trong hoàn cảnh hiện nay, các nước càng phải quan tâm đến các vấn đề về hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, nâng cao tinh thần đoàn kết, xây dựng lòng tin và thượng tôn pháp luật.