Đặc biệt, trước khi bị C03 bắt vì cấu kết nâng khống giá thiết bị xét nghiệm Covid-19, ông Nguyễn Nhật Cảm còn bị tố cáo có nhiều khoản thu nhật bất thường từ năm 2018.
Ngoài CDC Hà Nội, cũng xuất hiện nghi vấn Quảng Ninh mua hệ thống xét nghiệm và nâng khống giá cao nhiều lần so với giá thực, tuy nhiên, cơ quan chức năng của địa phương này đã lên tiếng bác bỏ.
Vụ Nguyễn Nhật Cảm: CDC Hà Nội mua máy xét nghiệm đắt hơn gần 5 tỷ
“Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã lên đến 7 tỷ đồng”, Đại tá Nguyễn Văn Long chia sẻ thông tin gây chấn động.
Khi dịch bệnh do coronavirus bùng phát, CDC Hà Nội đã đề xuất mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 do số lượng nghi nhiễm SARS-CoV-2 của thành phố gia tăng. Hệ thống Realtime PCR vốn được giới thiệu cho phép chạy được nhiều loại hóa chất khác nhau có thể xté nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm ngoài coronavirus.
Được biết, trên thị trường, phần lớn hệ thống này đều nhập từ Đức hay một số nước châu Âu với giá giao động từ 2,5 tỷ đồng – 10 tỷ đồng, tùy công suất và cấu hình.
Điều đáng nói là CDC Hà Nội mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động theo hình thức chỉ định thầu, sau đó các bên mua bán qua lại, để rồi CDC Hà Nội mua vào với giá 7 tỷ đồng, tức cao gần gấp 3 lần giá nhập.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã căn cứ vào mức giá đề xuất của Công ty Nhân Thành để mua hệ thống máy xét nghiệm tự động Realtime PCR chống Covid-19 này. Hiện tại, C03 đang tiếp tục điều tra nghi vấn CDC Hà Nội và các doanh nghiệp đã móc nối với nhau đẩy giá lên cao để trục lợi khoản chênh lệch.
Lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, đây là một số ít vụ án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu” được Bộ Công an khởi tố điều tra làm rõ. Trước đó, vụ Nhật Cường Mobile cũng khiến nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội bị khởi tố.
Ngoài hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, trong quyết định phê duyệt gói thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt đầu tiên do ông Nguyễn Nhật Cảm ký còn có những trang thiết bị khác như: bình bơm tay của Đức (12 triệu đồng/chiếc), hệ thống đo thân nhiệt từ xa bằng camera hồng ngoại (1,5 tỷ đồng/bộ). Tổng chi phí của gói thầu này là hơn 30 tỷ đồng.
“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò các bị can trong vụ án cũng như hành vi trục lợi cá nhân để thu hồi tài sản cho Nhà nước”, lãnh đạo C03 cho biết.
Sau khi ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt giam, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã ký quyết định cử Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh phụ trách tạm thời hoạt động ở CDC Hà Nội.
Ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, việc phân công điều hành như vậy nhằm đảm bảo duy trì tốt công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố trong tình hình hiện nay.
Ông Nguyễn Nhật Cảm có nhiều nguồn thu nhập bất thường?
Theo nhiều cán bộ của Trung tâm y tế Dự phòng, Sở Y tế Hà Nội, kể từ năm 2018 khi đảm nhận chức Giám đốc của cơ quan này, ông Nguyễn Nhật Cảm đã bị nhiều cán bộ, viên chức trong cơ quan tố cáo sai phạm, có nhiều khoản thu nhập bất thường.
Cụ thể, đã xuất hiện đơn thư tố cáo đích danh Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nguyễn Nhật Cảm có nhiều sai phạm trong chi trả tiền lương và hưởng mức lương quá cao so với quy định. Theo đơn tố cáo, năm 2017, tổng lương mà ông Cảm được hưởng là hơn một tỷ đồng/năm, gấp 5 lần tổng lương của Phó giám đốc, gấp 12 lần lương của bác sĩ (hạng 2) chuẩn bị về hưu, gấp 29,5 lần lương viên chức đại học.
Ngoài ra, đây mới chỉ là “lương công khai”, còn “khoản lậu”, thu nhập không chính thống khác được cho là rất lớn. Ông Nguyễn Nhật Cảm còn bị tố đã chỉ đạo xé nhỏ lẻ các gói thầu để trục lợi cá nhân.
Chưa hết, ông Nguyễn Nhật Cảm cũng bị cho là chung lợi ích nhóm khi khi phân phối nguồn thu nhập không công bằng. Giám đốc CDC cũng nâng đỡ người nhà, con cháu vào làm việc tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.
Bên cạnh đó, đơn tố cáo còn nêu việc ông Nguyễn Nhật Cảm có sự ưu ái, nâng đỡ một cán bộ, giới thiệu kết nạp Đảng, bổ nhiệm làm cấp trưởng phòng, nhưng vị cán bộ này từng bị tố cáo có tiền án tiền sự, làm thất thoát tài sản nhà nước nhiều tỷ đồng trong mua bán, đấu thầu.
Phát biểu sau khi Giám đốc CDC Hà Nội bị bắt, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, không thể chấp nhận hành vi của những cán bộ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân.
Việc lợi dụng dịch bệnh Covid-19 phải là tình tiết tăng nặng, cần xử lý nghiêm, mang tính răn đe. Lãnh đạo UBND Hà Nội cũng cho hay, hôm 17/4, ông Nguyễn Nhật Cảm vắng mặt tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của thành phố. Trong khi trước đó, Giám đốc CDC Hà Nội đều dự họp và phát biểu. Đồng thời, theo thông tin từ cơ quan chức năng, hôm đó, ông Nhật Cảm bị Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 của Bộ Công an) mời lên làm việc về những vi phạm trong mua sắm thiết bị y tế.
Bộ Công an bắt Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm
Trước đó, hôm 22/4, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội – ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội vì đã cấu kết thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19 ở Hà Nội.
Cụ thể, Bộ Công an cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an về đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Cơ quan này cho hay, trong quá trình điều tra, bước đầu xác định được các đối tượng đã có hành vi cấu kết lẫn nhau, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, Bộ Công an cũng ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội – Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963), Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979).
Ngoài ra, cùng với lãnh đạo và cán bộ CDC Hà Nội, Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST), Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech, Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông, Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các lệnh trên. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản Nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Quảng Ninh bác bỏ nâng khống mua thiết bị xét nghiệm Covid-19
Ngày 24/4, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc một số cơ quan báo chí, mạng xã hội thông tin về việc tỉnh Quảng Ninh đầu tư mua hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR cao hơn nhiều lần so với giá thực tế “là thông tin không chính xác”.
Theo Sở Y tế Quảng Ninh, địa phương này là trọng điểm tuyến đầu chịu nhiều áp lực trực tiếp ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Tỉnh Quảng Ninh cũng phải thực hiện nhiệm vụ đón các chuyến bay đưa đồng bào về nước từ các quốc gia có dịch tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.
Theo đó, để chủ động thực hiện xét nghiệm tại chỗ phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đầu tư mua hệ thống thiết bị Realtime PCR phục vụ cho công tác xét nghiệm bệnh COVID-19.
“Quy trình mua thiết bị được thực hiện công khai, minh bạch, với giá cạnh tranh, đúng quy định pháp luật”, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Theo Sở Y tế Quảng Ninh, hệ thống máy xét nghiệm này đã phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện việc ngăn chặn dịch ngay từ giai đoạn đầu.
Kết quả xét nghiệm bệnh Covid-19 của CDC Quảng Ninh được Trung ương xác nhận hoàn toàn chính xác và là một trong những tỉnh được Bộ Y tế đồng ý cho triển khai thực hiện và công nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.