Doanh nghiệp được phép xuất khẩu thêm 38.000 tấn gạo nếp trong tháng 4
Ngày 25/4, Tổng cục Hải quan có văn bản hỏa tốc gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cục hải quan các tỉnh, thành phố xử lý lượng hạn ngạch được hồi lại của tháng 4/2020.
Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết thống kê trên hệ thống của cơ quan, trong tháng 4/2020 có 38.642,56 tấn gạo nếp đã đăng ký tờ khai hải quan được cộng trở lại số lượng hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cho hay đã thiết lập trên hệ thống VNACCS/VCIS để các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu các lô hàng gạo trong số hạn ngạch được hồi lại của tháng 4/2020 từ 0 giờ 00 phút ngày 26/4/2020 theo các nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Ngoài ra, trong nội dung văn bản hoả tốc, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn để thực hiện.
Hướng dẫn của Tổng cục Hải quan được căn cứ trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Công thương tại công văn 2943/BCT-XNK ngày 24/4/2020 về phương án xử lý số hạn ngạch gạo được hồi lại của tháng 4/2020.
Tổng cục Hải quan khẳng định đối với các tờ khai hải quan đã được đăng ký trong hạn ngạch 400.000 tấn nhưng quá 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, doanh nghiệp không xuất trình hàng hóa để kiểm tra, hải quan địa phương sẽ hủy tờ khai theo quy định của pháp luật.
Về xuất khẩu gạo nếp, thóc nếp và tấm nếp, Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố không kiểm tra thực tế các lô hàng phân luồng đỏ.
Cơ quan hải quan chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hàng xuất khẩu do cơ quan kiểm dịch cấp hoặc Giấy chứng nhận khử trùng do tổ chức có năng lực được chỉ định cấp, trong đó xác định chủng loại gạo, để thông quan.
Thanh tra công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo
Chiều 24/4, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã ký quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua. Đây là cuộc thanh tra đột xuất được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP -KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2020, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).
Ông Lê Quang Tiệp - Phó Vụ trưởng Vụ I (Thanh tra Chính phủ) sẽ làm trưởng đoàn thanh tra. Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra được giao thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo quy định.
Trước đó, ngày 20/4, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo, làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua theo Nghị định số 107/2018 về xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua.
Đồng thời, làm rõ những thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo.
Liên quan vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị cơ quan này vào cuộc để sự việc được điều tra khách quan nhất.