Ngày 20/4, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm văn bản đề nghị điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo.
Hiện nay, báo chí, mạng xã hội cũng như một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang đặt nhiều nghi vấn về tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo? Tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan được thực hiện như thế nào?...
Theo thông tin chính thức của Việt Nam, cũng ngay trong ngày 20/4,Tổng cục Hải quan đã nhận được chỉ đạo khẩn của Bộ Tài chính về thanh tra, kiểm tra, làm rõ để phát hiện, xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm của công chức hải quan theo quy định của pháp luật.
Chuyện gì đang diễn ra trên thị trường gạo Việt Nam? Vì sao lại có yêu cầu điều tra hoạt động xuất khẩu gạo? Trách nhiệm của doanh nghiệp với quốc gia, đặc biệt trong tình trạng dịch hiện nay?
Dự trữ quốc gia (gạo) hiện nay của Việt Nam
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn phải thực hiện các cam kết quốc gia có liên quan đến vấn đề lương thực.
Theo nguồn tin Sputnik có được, trong 3 năm qua, từ Dự trữ Quốc gia đã xuất không thu tiền khoảng hơn 60.000 tấn để cứu đói cho các vùng bị hạn, mặn, lũ lụt, lở đất, sâu bệnh.v.v... Và năm nay, phải xuất đột xuất để nuôi người cách ly chống dịch đồng thời bảo đảm cho quân đội tham gia chống dịch.
“Chỉ tiêu Thủ tướng giao trong nửa đầu năm 2020 phải nhập kho đủ 190.000 tấn gạo IR5400 và 92.000 tấn thóc tẻ. Nói chung, phải nhập vào Dự trữ Quốc gia 230.000 tấn. Nhưng đến ngày 18-4-2020, Dự trữ Quốc gia mới chỉ mua được 7.700 tấn. Có nghĩa là còn thiếu 222.300 tấn! Hơn nữa, sau khi dịch tạm lui, lại phải tiếp tục mở kho, vừa để "đảo hạt", vừa để giúp bà con phục hồi sản xuất thì có thể cần phải mua tiếp”, - Một nguồn tin rất đáng tin cậy nói với Sputnik.
Có tới 9 chỉ đạo về điều hành xuất khẩu gạo trong 3 tuần, từ 23/3 tới 15/4
Ngày 23/3/2020, Chính phủ Việt Nam ra Văn bản số 121/TB-VPCP yêu cầu bảo đảm dự trữ gạo và tạm dừng xuất khẩu lương thực. Mục đích: bảo đảm an ninh lương thực và đề phòng khi dịch bệnh kéo dài, sản xuất chưa thể phục hồi nhanh, đời sống của nhiều người dân lao động sẽ bị ảnh hưởng.
Ngày 24/3, tức chỉ một ngày sau, Bộ Công Thương yêu cầu chính phủ cho phép xuất khẩu lại. Chỉ một ngày sau, 25/3, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2280/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp lập Đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, kiểm tra về nguồn cung thóc gạo và thực hiện dự trữ, lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo luật định.
Một số bài báo ủng hộ quan điểm cho xuất khẩu gạo xuất hiện. Đặc biệt là quan điểm của GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ông ta cho rằng, giải pháp hài hòa nhất hiện nay là chỉ giữ lại 1,5 triệu tấn gạo dự trữ, còn lại vẫn xuất đi 4 triệu tấn gạo để nông dân được hưởng lợi.
“Bản hợp xướng” về việc nhất thiết phải cho xuất khẩu gạo của một số chuyên gia về nông nghiệp và luật sư cùng với các báo cáo của Đoàn kiểm tra đã vẽ lên một bức tranh an toàn về việc vừa có thể bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia, vừa có thể bảo đảm các hợp đồng xuất khẩu gạo cho các đối tác”, - Nhà phân tích thời sự Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Một trong những chỉ thị mới nhất, ngày 10-4, Văn phòng Chính phủ có công văn 2827 thông báo chỉ đạo của Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng Tư.
Ngày 10-4, Bộ Công thương có quyết định 1106 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 là 400.000 tấn.
Từ 23/3 tới 15/4, tức là chỉ trong vòng 3 tuần, đã có tới 9 chỉ đạo về điều hành xuất khẩu gạo. Tại sao lại nhiều chỉ thị như vậy? Chẳng lẽ chính phủ, các bộ đã không có sự nhất quán và hành động không chủ động.
Nhiều câu hỏi được đặt ra sau vụ Tổng cục Hải quan mở đăng ký xuất khẩu vào nửa đêm
Từ 0 giờ ngày 11/4/2020, Tổng cục Hải quan mở tờ khai điện tử đăng ký hạn ngạch xuất khẩu gạo. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong thời gian từ 0h-6h15 ngày 12/4 có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với 399.989,43 tấn gạo. Hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,57 tấn.
Nhiều doanh nghiệp bức xúc trước cách làm của Tổng cục Hải quan. Họ đã không biết gì về việc mở tờ khai điện tử vào nửa đêm. Họ nói nhiều tới cái gọi là “trục lợi”, “lợi ích nhóm”. Họ đưa ra ví dụ điển hình, một mình Công ty CP Tập đoàn Intimex đăng ký xuất khẩu tới 102 tờ khai với hơn 96.234 tấn gạo, chiếm 25% hạn ngạch gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng Tư.
Từ khía cạnh khác, theo các chuyên gia pháp lý, việc Tổng cục Hải quan mở tờ khai điện tử đăng ký hạn ngạch xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 11-4-2020 là hoàn toàn hợp lệ. Bởi vì chiều 10/4, Tổng cục Hải quan mới nhận được Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10-4-2020 của Bộ Công thương về việc mở hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020.
“Trong Quyết định số 1106 có ghi rõ quyết dịnh này có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-4-2020. Vì vậy, việc Tổng cục Hải quan mở tờ khai điện tử đăng ký xuất khẩu gạo trong hạn ngạch lúc 0 giờ ngày 11-4-2020 là hoàn toàn phù hợp với thời hạn được ghi rõ trong Quyết định số 1106/QĐ-BCT của Bộ Công thương.
Thời hạn có hiệu lực của quyết định từ 0 giờ ngày 11-4-2020 là thời hiệu bắt đầu đăng ký hạn mức xuất khẩu một cách tự động. Không có quy định nào buộc hải quan phải ra thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ”, - Một luật sư phát biểu với Sputnik..
Sau khi phần mềm đăng ký xuất khẩu gạo tự động dừng hoạt động khi số lượng đăng ký đã đủ 400.000 tấn (trên thực tế là 399.999 tấn), Tổng cục Hải quan mới trích xuất dữ liệu, in thành văn bản, kiểm tra, đối chiếu. Và đã có kết quả như sau:
Có 28/39 doanh nghiệp đã ký hợp đồng hoặc có thỏa thuận trúng thầu bán gạo cho Tổng cục Dự trữ quốc gia nhưng đã hủy hợp đồng, hoặc hủy thỏa thuận trúng thầu, hoặc chỉ thực hiện một phần hợp đồng bán gạo cho Tổng cục Dự trữ Quốc gia, nhưng lại đăng ký số lượng gạo xuất khẩu lớn.
Những doanh nghiệp “xù” hợp đồng với Tổng cục Dự trữ Quốc gia
20 doanh nghiệp đơn phương hủy bỏ thỏa thuận trúng thầu bán gạo cho Dự trữ quốc gia nhưng lại đăng ký xuất khẩu gạo:
- Công ty cổ phần lương thực Hà Tĩnh nhận thầu 17.855 tấn,
- Công ty cổ phần lương thực Cao Lạng nhận thầu 14.080 tấn;
- Công ty cổ phần lương thực Đông Bắc nhận thầu 2.400 tấn;
- Công ty cổ phần lương thực Yên Bái nhận thầu 1.000 tấn;
- Công ty cổ phần lương thực Thái Nguyên nhận thầu 1.320 tấn;
- Công ty cổ phần lương thực Hà Nam Ninh nhận thầu 27.640 tấn;
- Công ty thương mại Minh Khai nhận thầu 21.350 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Chuong Cho nhận thầu 13.675 tấn;
- Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang nhận thầu 13.720 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy Long, Hà Nam nhận thầu 11.920 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Cúc nhận thầu 2.550 tấn;
- Công ty cổ phần Liên Bảo Thành nhận thầu 1.000 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Thùy Dương nhận thầu 2.400 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên Hạnh nhận thầu 1.700 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Minh Hưng nhận thầu 1.000 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Thu nhận thầu 1.000 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Lôc Vân nhận thầu 1.050 tấn;
- Công ty cổ phần thương mại và du lịch Bắc Hà Tĩnh nhận thầu 900 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn XNK lương thực Bình Minh 2 nhận thầu 4.600 tấn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đức Thắng nhận thầu 1.300 tấn.
4 doanh nghiệp từ chối thương thảo hợp đồng và từ chối ký hợp đồng nhưng lại đăng ký xuất khẩu:
- Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) nhận thầu 4.500 tấn, chưa ký hợp đồng nhưng đăng ký xuất khẩu 7.200 tấn.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát Tài (Đồng Tháp) nhận thầu 17.940 tấn, chưa ký hợp đồng nhưng đăng ký xuất khẩu 13.000 tấn.
- Công ty cỏ phần Mỹ Tường nhận thầu 900 tấn chưa ký hợp đồng nhưng đăng ký xuất khẩu trên 10.000 tấn
- Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh nhận thầu 1.000 tấn chưa ký hợp đồng nhưng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
Chỉ có 4 doanh nghiệp đã ký hợp đồng gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Tự lực ký 4.600 tấn (đã hoàn thành mức thầu)
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Hồng ký 1.300 tấn (đã hoàn thành mức thầu).
- Công ty cổ phần XNK tổng hợp An Thịnh nhận thầu 2.000 tấn nhưng mới ký hợp đồng 1.000 tấn;
- Công ty cổ phần lương thực Thanh Nghệ Tĩnh nhận thầu 3.300 tấn mới ký hợp đồng 800 tấn.
Theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP và Luật đấu thầu, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng kinh doanh mặt hàng lương thực mà phá hợp đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 1% đến 3% giá trị hợp đồng. Còn doanh nghiệp nào đã trúng thầu mà hủy thầu thì sẽ bị tịch thu tiền đặt cọc. Những doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã phá hợp đồng với nhà nước, chịu phạt và các doanh nghiệp bỏ thầu đã bị tịch thu tiền đặt cọc (xem danh sách chúng tôi đăng phía trên).
“Giá gạo mà các doanh nghiệp trúng thầu với Dự trữ quốc gia (DTQG) hồi đầu tháng 2 trung bình là 8.900VND/kg. Cộng chi phí vận chuyển để giao tại khu DTQG thì thành khoảng 9.500VND/kg đến 9.700VND/kg. Tuy nhiên, giá gạo đầu tháng 3 vọt lên 10.300VND/kg cho đến 10.700VND/kg, thế là họ bùng”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
“Tôi cũng cho rằng, nguyên nhân chính là do giá gạo trong nước tăng lên, các công ty đã ký với DTQG với giá thấp hơn nên họ “xù” thôi. Cộng thêm, theo tôi, các doanh nghiệp “xù” kia là các doanh nghiệp sân sau, nhà nước (cứ xem danh sách thì hiểu). Họ đâu có quan trọng vấn đề trách nhiệm pháp lý và đạo đức. Còn các doanh nghiệp tư nhân thì thường làm gì dám “xù”? Mà với cái hạn ngạch nhỏ như vậy thì các công ty bình thường sẽ không có cửa, không tranh được chỗ để xuất gạo”, - Tiến sĩ kinh tế Lê Xuân Hòa bình luận với Sputnik.
Lỗi ở đâu?
Về sự việc nói trên, dư luận Việt Nam có hai ý kiến trái chiều nhau.
Giới luật sư và kinh doanh cho rằng, các doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng bán gạo cho Tổng cục Dự trữ quốc gia mà không thực hiện hợp đồng hoặc chỉ thực hiện một phần phải bị phạt hợp đồng từ 1 đến 3%. Những doanh nghiệp nào chưa ký hợp đồng thì đã bị thu hồi toàn bộ số tiền ký quỹ trước đó để bảo đảm thực hiện hợp đồng. Đó là mức chế tài tối đa mà các đối tượng vi phạm hợp đồng hoặc tự ý bỏ thầu với Tổng cục Dự trữ quốc gia phải thực hiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp không phải chịu bất cứ một chế tài nào khác.
Tuy nhiên, phần đông dư luận cho rằng, ngoài chế tài được quy định tại Nghị đinh số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các văn bản pháp luật có liên quan, các doanh nghiệp đã phá hợp đồng hoặc tự ý bỏ thầu cung cấp gạo cho Tổng cục Dự trữ Quốc gia còn phải chịu trách nhiệm về việc gây phương hại đến chính sách an ninh lương thực của Nhà nước cũng như chịu trách nhiệm đạo đức kinh doanh; đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra căng thẳng và có nguy cơ sẽ kéo dài chưa biết đến lúc nào.
Theo danh sách Sputnik đã đăng ở trên thì trong số 28 doanh nghiệp đã ký hợp đồng hoặc đã trúng thầu cung cấp gạo cho Tổng cục Dự trữ quốc gia thì có tới trên 24 công ty đã phá hợp đồng hoặc không chịu ký hợp đồng. Họ là ai?
“Tới đây, Cơ quan An ninh kinh tế tổng hợp Bộ Công an sẽ làm rõ xem có dấu hiện trục lợi chính sách thông qua việc đăng ký hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 hay không. Nhưng một vấn đề còn lớn hơn chắc chắn sẽ được đặt ra. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quốc gia. Bao gồm cả trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức”, - Một nhà báo phát biểu với Sputnik.
Nhưng, cũng từ tình huống này, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi về việc cần thiết phải có chế tài mạnh hơn. Và lỗi hiện nay thuộc về cơ quan nào? Xử lý sẽ ra sao?
“Thứ nhất, tôi cho rằng, việc luật không có chế tài mạnh hơn để bắt buộc các doanh nghiệp đã ký hợp đồng phải thực hiện hợp đồng, đã nhận thầu thì phải thực hiện gói thầu, là một kẽ hở. Thứ hai, là lỗi điều hành của Bộ Công Thương khi họ đã không phối hợp với Bộ Tài chính để đưa gạo về kho DTQG trước khi xuất khẩu mà lại đem gạo ra cảng để đặt Chính phủ trước "việc đã rồi". Ba là lỗi của các doanh nghiệp, đã vì lợi nhuận đơn thuần mà bất tín với đối tác nhà nước là Tổng cục Dự trữ Quốc gia, đồng thời có dấu hiệu gây tác hại đến an ninh quốc gia.
Vì thế, Cơ quan An ninh kinh tế mới phải vào cuộc để điều tra theo hướng định tội "Đầu cơ" giống như những vụ đầu cơ khẩu trang và các trang thiết bị y tế”, - Nhà phân tích thời sự Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Bắt đầu điều tra, làm rõ những “mờ ám” xung quanh việc xuất khẩu gạo
Văn phòng Chính phủ đã phải yêu cầu Bộ Công thương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Ngày 17/4/, Bộ Công thương mới thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình xuất khẩu gạo, làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo. Đặc biệt, tham gia đoàn còn có đại diện lãnh đạo Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp – Bộ Công an. Nhiệm vụ của Bộ Công an là làm rõ những “mờ ám” xung quanh việc xuất khẩu gạo.
Ngày 20/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua. Vụ việc còn đang được các cơ quan chấp pháp của Việt Nam điều tra, làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành và doanh nghiệp có liên quan.
Theo đánh giá của Sputnik, vụ việc này sẽ diễn kiến khá phức tạp, bởi đến đầu tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ mở đấu thầu lại về việc mua gạo dự trữ quốc gia.
Chúng ta cùng đợi kết quả điều tra của Bộ Công an và diễn biến trong kịch bản xuất khẩu gạo của Việt Nam.