Đã có 225 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Bộ Y tế), tính đến 18h ngày 26/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới. Như vậy, từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm Covid-19 (SARS-CoV-2) ở Việt Nam hiện vẫn là 270 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện nước ta có 225 ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi (chiếm 83%). Trong số 45 trường hợp đang điều trị có 13 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với Covid-19 và 3 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với Covid-19.
Theo thống kê, hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) tại Việt Nam là 52.196 người, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 325 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 9.836 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 42.035 người.
Bộ Y tế yêu cầu báo cáo việc mua sắm máy Real-time PCR
Mới đây, Bộ Y tế đã có liên tiếp 2 công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, Ngành và một số Bệnh viện tư nhân đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19.
Tại công văn số 2288/BYT-KH-TC Bộ Y tế nêu rõ, trước đó, ngày 17/4, Bộ Y tế có công văn số 2154/BYT-KH-TC về việc báo cáo mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm. Đến nay, một số địa phương đã gửi báo cáo về Bộ Y tế, tuy nhiên còn nhiều địa phương chưa gửi báo cáo.
[Thread] How #Vietnam successfully contained #Covid19 and what the world could learn from its best practice: a collection of articles and blog entries from multiple sources.
— Giáo Hoàng Stays Home 🇻🇳 (@giaohoangvn) April 17, 2020
Text on photo: Vietnam is optimistic and determined to defeat the pandemic!!!#coronavirus #Covid_19 pic.twitter.com/K03ISR7eF9
Do vậy Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1/3/2018 đến 29/2/2020 (2 năm).
Bộ Y tế yêu cầu photocopy các tài liệu, đóng dấu sao y bản chính và gửi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên.
Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị khẩn trương triển khai theo tinh thần phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm về tiến độ, nội dung, thông tin, tổng hợp báo cáo của các đơn vị do mình quản lý. Báo cáo của các đơn vị gửi khẩn về Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế trước ngày 28/4/2020 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.
Hiểu rõ hơn về kỹ thuật xét nghiệm Real-time RT-PCR
Theo Hướng dẫn tạm thời việc xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế, hiện tại việc xét nghiệm khẳng định các trường hợp mắc Covid-19 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là sử dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT-PCR).
Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử Realtime RT-PCR giúp phát hiện sự có mặt của vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 trong bệnh phẩm đường hô hấp của người bệnh.
Được biết, loại bệnh phẩm thường dùng nhất để xét nghiệm là dịch ở họng mũi (tỵ hầu) và họng miệng (khẩu hầu). Để lấy mẫu bệnh phẩm, nhân viên y tế sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng là tăm bông để đưa vào mũi với độ sâu nhất định để lấy dịch tỵ hầu và lấy dịch ở vùng họng miệng của bệnh nhân
Theo khuyến cáo, để phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR nên lấy cả hai loại bệnh phẩm này. Tuy nhiên, khả năng phát hiện virus ở dịch họng mũi cao hơn ở dịch họng miệng.
Các mẫu bệnh phẩm này được bảo quản và vận chuyển về phòng xét nghiệm để xử lý, tách vật liệu di truyền, thực hiện kỹ thuật RT-PCR để phát hiện sự có mặt của virus trong bệnh phẩm.
Tiêu chuẩn các phòng xét nghiệm hiện nay phải tuân thủ quy trình, phương pháp xét nghiệm theo hướng dẫn của nhà sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).
Các phòng xét nghiệm khẳng định phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phù hợp để thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR theo quy định. Bên cạnh đó, cán bộ xét nghiệm phải được tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm và an toàn sinh học; phòng xét nghiệm đảm bảo an toàn sinh học cấp II hoặc có phòng tách mẫu áp lực âm.
Đặc biệt, các phòng xét nghiệm khẳng định phải được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur theo phân vùng phụ trách đánh giá xác nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định mới được thực hiện.