Trong cảnh sống cách ly, thật không giản đơn chống lại sự cám dỗ thường xuyên của những «chuyến du ngoạn» liên tục thăm nhà bếp, đến với cái tủ lạnh quý giá và bỏ nhiều thời gian nấu những món ngon.
Để chọn lọc được một kiểu quan hệ có ý thức với những gì chúng ta ăn, có vài thủ thuật đơn giản, trong đó có việc ghi nhật ký dinh dưỡng, - nhà tâm lý học lâm sàng Varvara Zarodina cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
«Khi tự tay viết ra những gì đã ăn, việc đánh giá tự phê trở nên quan trọng hơn. Đôi khi, có vẻ là bạn chẳng ăn gì mấy thế mà vẫn cứ béo lên. Nhưng nếu ghi lại, bạn sẽ thấy rằng sự tình hoàn toàn không hẳn như vậy. Một lát phô mai, một chiếc bánh quy ở đâu đó, ăn nốt chỗ thức ăn mà con bỏ thừa…từng chút một, dường như không đáng kể, và cứ thế nhiều thứ tích luỹ cộng hưởng với nhau», - bà Varvara Zarodina giải thích.
Lập kế hoạch sơ bộ
«Sẽ rất tốt nếu kế hoạch hoá chuyện ăn uống: nên có gì cho bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, có đồ ăn vặt giữa các bữa hay không. Đó là một dạng kỷ luật. Tốt nhất là nên bỏ tất cả bánh trái đồ ngọt và kẹo vào trong những chiếc lọ chiếc hộp để trong căn hộ sao cho không luôn hấp dẫn hay ở khu vực quá dễ lấy», - chuyên gia điều chỉnh hành vi ăn uống mách nước.
Cũng cần nhớ rằng con đường dẫn đến chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh bắt đầu từ…cửa hàng, - chuyên gia nói thêm. Đúng đắn nhất mà lại đỡ tốn tiền: chỉ đơn giản là ngừng mua những món góp phần tăng cân, thay vào đó chọn thứ gì đó hữu ích hơn.
Còn thêm một mẹo nhỏ nữa: những món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe, ví dụ như cà rốt tươi hoặc táo, tốt hơn là cắt sẵn, để khi cần có thể với tay là lấy được luôn – như vậy sẽ tạo ra hiệu quả mong muốn ở cấp độ tiềm thức.