Ông Vladimir Poznyak là chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong lĩnh vực sử dụng chất gây nghiện và hành vi gây nghiện.
Sputnik: Dịch bệnh COVID-19 đã diễn ra ở tháng thứ năm. Hiện nay có nghiên cứu nào về việc coronavirus và chế độ tự cách ly ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tâm thần con người hay không?
- Vâng, thực sự đã có các nghiên cứu như thế. Một phần các nghiên cứu này được thực hiện ở Trung Quốc. Đây là quốc gia đầu tiên trải qua tất cả các giai đoạn đại dịch. Những nghiên cứu này không chỉ liên quan đến sức khỏe tâm thần toàn dân, mà cả sức khỏe tinh thần của các nhân viên y tế đi đầu trong cuộc chiến chống lây nhiễm coronavirus.
Các nghiên cứu cho thấy rằng từ 35-60% dân số trải qua các phản ứng lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, không chỉ liên quan đến coronavirus mà cả với tất cả các biện pháp hạn chế được thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Cũng có nghiên cứu cũng cho thấy, trong số các nhân viên y tế, đặc biệt là những người trong một thời gian dài tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân COVID-19, kể cả bệnh nhân nặng, có tỷ lệ trầm cảm cao, cũng như các triệu chứng lo âu và rối loạn giấc ngủ.
Tất nhiên, điều này có tầm quan trọng rất lớn đối với tất cả các biện pháp mà các quốc gia đang thực hiện để chống COVID-19. Không nghi ngờ gì, sức khỏe tâm thần của người dân và sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế là thành phần rất quan trọng của cuộc chiến chống coronavirus.
Sputnik: Liệu có khuyến nghị đặc biệt nào dành cho những người đi đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 như các bác sĩ và các nhà báo liên tục đưa tin về virus hay không? Những người hàng ngày phải đối mặt với tin tức về COVID-19 phải làm thế nào để tránh căng thẳng và rối loạn tâm lý?
- Khuyến cáo chính là không nên đắm chìm hoàn toàn vào thông tin gây lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn. Thật vậy, trong tình huống mà tất cả chúng ta đang gặp phải bây giờ, có những khía cạnh tích cực liên quan đến việc chữa bệnh, với việc ngăn ngừa lây nhiễm mới, việc chữa trị cho các bệnh nhân nặng. Tức là những thông tin mang tính tích cực và lạc quan.
Đối với các khuyến nghị liên quan đến thông tin, thì như bạn biết, tất cả mọi người cần được thông báo đầy đủ. Nhưng cần tránh những thông tin khiến người ta rơi vào trạng thái lo lắng và sợ hãi. Để làm điều này, bạn nên nhận thông tin về tình hình đã được xác minh từ nguồn cơ quan y tế quốc gia, được công bố một hoặc hai lần trong ngày. Điều này là cần thiết để có thông tin và đồng thời không thường xuyên đắm chìm trong tình huống bệnh dịch.
Đối với các bác sĩ và nhà báo, dĩ nhiên, toàn bộ cuộc sống của họ hiện đang tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch. Nhưng ở đây không thể có công thức nào cụ thể dành cho họ. Đây là những lời khuyên tương tự đã có trong các khuyến nghị của WHO và có thể áp dụng cho mọi tình huống khắc nghiệt.
Trong phạm vi có thể, cần duy trì chế độ làm việc và thư giãn, không lãng quên hoạt động yêu thích của mình, cũng như các hoạt động mang lại niềm vui. Đó là tập thể dục, tuân thủ chế độ ăn uống điệu độ, đúng giờ và lành mạnh, giảm thiểu bia rượu và chấm dứt sử dụng chất có cồn. Trong mọi trường hợp, không nên sử dụng rượu hoặc các chất chống căng thẳng khác.
Sputnik: Ông vừa đề cập đến trò chơi máy tính và trò chơi video. Năm ngoái, các trò chơi điện tử được liệt vào danh sách mới sẽ áp dụng cho năm 2021 về các bệnh chính thức. Xuất phát từ việc WHO quan ngại sau đại dịch sẽ gia tăng số lượng người nghiện chơi game, có khuyến nghị nào về các phương pháp tránh được vấn đề này hay không?
- Đúng vậy, rối loạn chơi game được đưa vào phân loại quốc tế về bệnh nghiện cho năm 2021. Và đã có bằng chứng cho thấy việc tải các trò chơi video trên nhiều nền tảng đã tăng đáng kể, ít nhất là 30-40%. Xu hướng tăng trưởng là không đổi ở khắp mọi nơi. Hiện nay, trong giai đoạn tự cách ly và hạn chế xã hội, trò chơi điện tử là hình thức tiêu khiển phổ biến nhất.
Chúng ta chỉ có thể nói rằng sự gia tăng hoạt động chơi game, tăng thời gian mà thanh niên, trẻ em và thanh thiếu niên dành cho những trò chơi đó, có thể dẫn đến sự gia tăng tình trạng bệnh lý. Nhưng đây chỉ là giả định. Không có dữ liệu nào có thể xác nhận và chứng minh giả định này.
Và ở đây không chỉ nói về nghiện game, mà còn nói về mức cân bằng giữa lối sống ít vận động, gắn liền với trò chơi trên máy tính và hoạt động thể chất. Chúng ta đang nói về chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt hợp lý, giấc ngủ và sự tỉnh táo. Đây là tất cả những khoảnh khắc bị vi phạm khi tích cực chơi game thái quá.
Để phòng tránh, chúng ta cũng chỉ có thể áp dụng các biện pháp chung thông thường. Thời gian ngồi trước máy tính hoặc TV không nên bị tăng lên quá nhiều và không nên gây bất lợi cho các hoạt động quan trọng khác trong điều kiện tự cách ly như hoạt động thể chất, tuân thủ chế độ sinh hoạt đúng giờ trong ngày và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trước hết, phụ huynh nên chú ý đến những tình huống tương tự, khi thời gian chơi trò chơi điện tử trở nên kéo dài hơn bình thường và bắt đầu ảnh hưởng đến vai trò và chức năng của trẻ hoặc thanh thiếu niên, như giao tiếp với các thành viên trong gia đình, làm bài tập. Tất cả những điểm này là vô cùng quan trọng.
Tức là, điều đó nằm trong dự kiến, điều đó là bình thường, nhưng cần được kiểm soát và phải tuân thủ sự cân bằng hợp lý.
Sputnik: Thế còn những trò chơi liên quan đến hoạt động thể chất tích cực thì sao? Rốt cuộc, rất nhiều loại trò chơi cần phải chạy nhảy, di chuyển.
- Không nghi ngờ gì, những trò chơi này được ưa thích. Nhưng thật đáng tiếc, các trò chơi phổ biến nhất lại khác. Một mặt, trò chơi điện tử có thể có ý nghĩa tích cực trong tình huống này, nhưng mặt khác, nếu bạn nhìn vào những trò chơi chủ yếu mà giới trẻ đặc biệt quan tâm, thì theo quy luật, đây không phải là những trò chơi liên quan đến hoạt động thể chất.
- Hiện nay có tiến hành các nghiên cứu về việc tình trạng tự cách ly ảnh hưởng tiêu cực như thế nào và có khiến cho làm cho các thói quen xấu, kể nghiện game trở nên trầm trọng hơn không?
- Vâng, những nghiên cứu như thế cũng đã bắt đầu được thực hiện. Tôi đã nói ở trên rằng có một số nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc, Iran và các nước châu Âu và đã thu được những kết quả đầu tiên. Nhưng, tất nhiên, WHO cũng đang có kế hoạch triển khai một loạt nghiên cứu, và một số nghiên cứu đã bắt đầu được thực hiện bằng cách sử dụng các nền tảng thu thập thông tin của WHO.
Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng, nhưng đồng thời, tất cả các mục tiêu, tất cả các phương tiện cơ bản đều nhằm mục đích ngăn chặn sự phát triển tiếp theo của đại dịch, nhằm hạn chế COVID-19 lây lan. Và tổ chức WHO của chúng tôi liên tục nhấn mạnh rằng việc chăm sóc khẩn cấp cũng phải tiếp tục tiến hành đối với các tình trạng khác cực kỳ quan trọng cho sức khỏe của mọi người, chẳng hạn như ung thư, các bệnh tim mạch cấp tính.
Do đó, hiện nay ở nhiều quốc gia đã le lói lối ra khỏi dịch bệnh, tạo ra nhiều cơ hội cho các nghiên cứu theo kế hoạch. Và tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhanh chóng nhận được những kết quả, có thể trở thành cơ sở bằng chứng cho các khuyến nghị tương lai.
Sputnik: Liệu những thói quen xấu có ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ tự cách ly? Ví dụ, việc sử dụng rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Có các nghiên cứu về doanh số bán hàng. Trong đại dịch, doanh số bán rượu qua Internet gia tăng rõ rệt. Hầu như ở khắp mọi nơi, đã có sự gia tăng mua rượu trong giai đoạn cách ly. Chẳng hạn, một nghiên cứu ở Canada cho thấy trong giai đoạn giãn cách xã hội, hơn một nửa số người dân không thay đổi mức tiêu thụ rượu. Tuy nhiên, ở một số nhóm tuổi nhất định, có tới 20% bắt đầu tiêu thụ nhiều hơn, mặc dù khoảng 12% giảm mức tiêu thụ rượu.
Khuyến cáo của WHO đối với người từng uống rượu là phải giảm thiểu việc này. Đối với người chưa bao giờ sử dụng rượu thì đừng bắt đầu tập uống.
Sputnik: Chúng ta hãy thảo luận về vấn đề tâm lý học và bệnh tưởng. Có khuyến nghị nào dành cho những người khỏe mạnh nhưng lo lắng nghĩ mình có triệu chứng bị nhiễm bệnh? Thêm vào đó, ở một số quốc gia, nơi các hạn chế hiện được dỡ bỏ và người dân có thể ít nhiều tự do đi lại, mọi người nói rằng họ vẫn sợ ra ngoài, vì sợ ngay lập tức bị nhiễm virus.
- Những lo ngại như vậy là khá dễ hiểu và có lý trong tình huống này. Mọi người lo ngại về khả năng lây nhiễm và hậu quả nghiêm trọng. Nhưng, nếu chúng ta nói về tâm lý học, thì chắc chắn, trong giai đoạn căng thẳng và lo lắng gia tăng, các biểu hiện như nhịp tim nhanh, rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, cảnh giác quá mức với tình trạng sức khỏe của chính mình, hoặc lo lắng cực độ về khả năng lây nhiễm có thể tăng lên. Nhưng ở đây rất khó để đưa ra bất cứ khuyến nghị cụ thể nào.
Nếu nói về cách ngăn chặn điều này ở cấp độ toàn dân, thì đối với tôi, có vẻ như vai trò rất quan trọng ở đây được giao phó cho các nhà báo như các bạn, và cách truyền đạt thông tin tới dân chúng. Bởi vì thông tin này phản ánh tình hình thực tế, đồng thời ngăn chặn mọi nỗi sợ hãi và hoảng loạn thiếu cơ sở.
Một lần nữa tôi mong công chúng tham khảo các thông tin trên trang web của WHO. Thông tin đó đề cập đến các khía cạnh hành xử khác nhau, kể cả sử dụng thuốc lẫn chế độ dinh dưỡng.