Các kho chứa dầu đang được lấp đầy
Tháng 4 vừa qua là tháng khó khăn nhất trong lịch sử ngành dầu khí. Nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” sụp đổ do hoạt động kinh tế giảm mạnh ở tất cả các nước phát triển trong bối cảnh dịch COVID-19 và các biện pháp kiểm dịch quy mô lớn. Tuy nhiên, vào tháng 5, ngành dầu khí sẽ phải đối mặt với một vấn đề mới.
Không có nơi để lưu trữ dầu. Vào tuần trước, Hàn Quốc thông báo rằng, các kho chứa dầu của nước này đã được lấp đầy. Tình trạng tương tự với các kho chứa lớn của Singapore.
Tại Ấn Độ, kho chứa của các nhà máy lọc dầu đã đầy 95%. Châu Âu cũng sắp phải đối mặt với tình trạng tương tự: nguồn cung dầu cho Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh vượt quá nhu cầu 50 triệu thùng/tuần. Theo số liệu của Mỹ, kho chứa dầu thô tại kho cảng Cushing, Oklahoma, đã đầy 81%.
“Kết cục đáng buồn sẽ đến sớm, - Torbjorn Tornqvist, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu khí Gunvor, một trong những công ty kinh doanh xăng dầu lớn nhất thế giới, khẳng định. – Chỉ còn lại không phải vài tháng, mà là vài tuần”.
Công ty Oilx nghiên cứu phân tích dữ liệu vệ tinh có tinh thần lạc quan hơn: theo các chuyên gia của công ty, sức chứa dầu mỏ của thế giới chỉ còn 5-6 tuần nữa.
“Tất cả các kho chứa sẽ được lấp đầy vào đầu tháng 6”, - theo ông Florian Thaler, chuyên gia phân tích của Oilx.
Tàu chở dầu đang được sử dụng làm kho lưu trữ nổi. Theo ước tính của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco, hiện nay, cứ 10 tàu chở dầu thô cỡ lớn VLCC (Very Large Crude Carrier) với sức chứa lên tới 2 triệu thùng dầu thì có một tàu biến thành kho chứa.
Chỉ riêng ở eo biển Singapore có 160 tàu chở dầu neo đậu đông đúc, gần bờ biển California - hơn 40 tàu, ngoài khơi Tây Bắc Âu – 30 tàu.
Tổng cộng, 350 tàu chở dầu thô cỡ lớn đang được sử dụng để lưu trữ dầu trên khắp thế giới.
"Nhưng, các kho chứa nổi cũng đang kết thúc", - ông Neil Wilson, nhà phân tích trưởng tại Cổng thông tin Markets.com cảnh báo. - "Và tình hình không có triển vọng gì khả quan”.
Chỉ có một triển vọng - dừng khai thác dầu. Nếu điều này là không thể thực hiện được, người bán phải trả tiền để người mua lấy dầu, hoặc chỉ đơn giản đốt dầu dư thừa.
Liệu có thể hy vọng vào thỏa thuận OPEC +
Tất cả mọi người gửi gắm hy vọng vào thỏa thuận OPEC +. Kể từ thứ Sáu, sản lượng dầu toàn cầu đã bị cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng, điều này là không đủ.
Theo ước tính của Goldman Sachs, đến giữa tháng 5, nhu cầu dầu sẽ giảm 18 triệu thùng/ngày, nghĩa là, vẫn sẽ duy trì sự mất cân bằng. Và đây là cách đánh giá lạc quan nhất. Theo phân tích của hãng nghiên cứu Rystad Energy, nhu cầu dầu sẽ giảm 20 triệu thùng/ngày, trong khi đó theo dự đoán của thương nhân dầu Trafigura, nhu cầu sẽ giảm 35 triệu thùng/ngày.
Tình hình sẽ bắt đầu cải thiện chỉ trong nửa cuối năm nay.
“Vào tháng 5, nhu cầu dầu sẽ giảm mạnh xuống đáy và nguồn cung sẽ giảm vì các giếng khoan của Mỹ đang ngừng hoạt động, - ông Naeem Aslam, Trưởng phòng phân tích của Tập đoàn AvaTrade cho biết, - Đến cuối tháng Tư, số lượng giếng khoan dầu đang hoạt động tại Hoa Kỳ đã đạt mức thấp nhất trong bốn năm qua, giảm 40%. Điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường”.
Theo các chuyên gia của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS, vào mùa hè giá dầu sẽ ổn định lại, và trong quý IV, giá dầu Brent sẽ cao hơn 40 USD/thùng.
Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS dự đoán: "Thậm chí sẽ có sự thiếu hụt vì các nước phát triển sẽ bãi bỏ hàng loạt biện pháp hành chính về kiểm dịch và nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng vọt".
Nga vẫn vững vàng
Trung Quốc giúp Nga sống sót qua khủng hoảng. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, vào tháng 3, khối lượng nhập khẩu dầu từ Nga đã tăng 31%, đạt 1,66 triệu thùng/ngày, chỉ 72 nghìn thùng ít hơn so với nguồn cung từ Ả Rập Saudi.
Vào tháng Năm, Nga có cơ hội vượt trước Saudi Arabia: cảng Kozmino ở Viễn Đông, mà từ nơi này dầu được cung cấp qua Đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO), đang có kế hoạch xuất khẩu 3,2 triệu tấn dầu – tăng thêm 200 nghìn tấn so với tháng Tư. Và chủ yếu sang Trung Quốc.
Chuyên gia Yang Jong Yao nghiên cứu các thị trường dầu mỏ châu Á tại công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv, cho biết, “nền kinh tế đang phục hồi, các nhà máy lọc dầu đang mở cửa và có thể chế biến nguyên liệu nước ngoài”.
Theo dữ liệu của Refinitiv, vào tháng 3, Trung Quốc đã mua 44,9 triệu tấn dầu, vào tháng 4 và tháng 5 con số này sẽ cao hơn nữa.
Ở châu Âu, tình hình phức tạp hơn vì Ả Rập Saudi đang bán phá giá sang thị trường này. Riyadh sẵn sàng cung cấp cho châu Âu dầu thô với mức giá thấp hơn giá dầu Brent 10,25 USD.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng sản xuất dư thừa đã tác động mạnh nhất tới dầu thô nhẹ, vì trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu toàn cầu về xăng dầu và dầu hỏa được sản xuất từ nó đã giảm mạnh.
Nhu cầu về các loại dầu thô nặng, chẳng hạn như dầu thô Urals của Nga, là cao hơn, bởi vì dầu thô nặng có tiềm năng cao hơn để sản xuất diesel hiện đang là cần thiết hơn xăng. Ngay cả Ba Lan, nước này gần đây đã tuyên bố sẽ không mua nguyên liệu thô của Nga vào tháng Tư và tháng Năm, vẫn không thể thiếu dầu Urals. Tuần trước, cổng thông tin hàng hải Marine traffic theo dõi tàu với radar hàng hải đã thông báo rằng, vào ngày 30 tháng 4, tàu chở dầu Rivera đã chuyển hơn 100 nghìn tấn dầu từ cảng Ust-Luga của Nga đến cảng Gdansk của Ba Lan.
Tính hợp lý lại một lần nữa giành phần thắng trước những tuyên bố chính trị: các nhà máy lọc dầu của Ba Lan được thiết kế để chế biến dầu thô Urals, do đó, dầu thô của Ả Rập Saudi cần phải pha loãng với dầu Nga.